Xơ vữa động mạch là tình trạng ngày càng phổ biến và là nguyên nhân quan trọng gây ra các biến cố tim mạch cũng như nhiều cơ quan khác. Cùng tìm hiểu các triệu chứng của vữa xơ động mạch và hậu quả do căn bệnh này gây ra.
Menu xem nhanh:
1. Xơ vữa động mạch và hậu quả do bệnh gây ra
Xơ vữa động mạch là tình trạng chất béo cùng các chất dễ lắng đọng khác tích tụ trong động mạch thành các mảng bám. Các mảng bám này phát triển có thể gây cản trở dòng máu, khiến máu khó lưu thông máu đến các cơ quan trong cơ thể và gây ra những hậu quả khôn lường.
Các động mạch chính trong cơ thể gồm động mạch vành, động mạch cảnh và động mạch ngoại biên. Tùy vào vị trí mảng xơ vữa hình thành và phát triển, bệnh có thể gây ra những hậu quả khác nhau:
– Xơ vữa ở động mạch vành: Động mạch vành là hệ thống động mạch cung cấp máu giàu oxy nuôi tim. Mảng xơ vữa hình thành ở đây có thể gây ra cơn đau thắt ngực, biến cố nhồi máu cơ tim.
– Xơ vữa ở động mạch cảnh: Đây là hệ thống động mạch cung cấp máu giàu oxy cho não. Nếu động mạch này bị tắc hẹp do các mảng vữa xơ sẽ gây thiếu máu não, làm tăng nguy cơ đột quỵ và tổn thương não vĩnh viễn.
– Xơ vữa ở động mạch ngoại biên: Sự xuất hiện của các mảng xơ vữa có thể khiến hệ thống động mạch ngoại biên tắc nghẽn, giảm cung cấp giàu oxy nuôi các cơ quan như tay chân và vùng chậu. Hậu quả nghiêm trọng nhất của các trường hợp này là có thể dẫn đến đoạn chi (cắt cụt chi).
2. Triệu chứng
2.1 Triệu chứng xơ vữa động mạch vành
Động mạch vành là nơi thường xuyên xảy ra tình trạng xơ vữa, khiến cơ tim không được cung cấp đủ lượng máu cần thiết.
Triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân xơ vữa mạch vành là cơn đau thắt ngực. Cơn đau có thể ở dạng là cơn đau thắt ngực ổn định (đau khi gắng sức và thuyên giảm khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giãn mạch), và đau thắt ngực không ổn định (đau khi gắng sức và không giảm khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc, đau cả khi nghỉ ngơi).
Cơn đau khá nghiêm trọng và diễn ra trong vòng vài phút, lặp đi lặp lại nhiều lần. Trường hợp đau thắt ngực kéo dài trên 15 phút, cần cảnh giác với nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp.
Bên cạnh đó, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như: khó thở, tim đập nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực…
2.2 Triệu chứng xơ vữa động mạch cảnh
Các mảng bám ở động mạch cảnh có thể gây ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn não, khiến người bệnh gặp các triệu chứng như:
– Giảm trí nhớ và ý thức đáng kể
– Đau đầu, chóng mặt
– Liệt nửa người…
Đáng nói, các triệu chứng này thường khó phát hiện sớm. Nhiều trường hợp chỉ tới khi tình trạng xơ vữa đã trở nên nghiêm trọng, cơn tai biến xảy ra, bệnh mới được phát hiện. Lúc này, việc điều trị sẽ mất nhiều thời gian hơn, đồng thời khả năng phục hồi của người bệnh cũng giảm.
2.3 Triệu chứng xơ vữa động mạch ngoại biên
Tình trạng máu không lưu thông được tới các chi có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu. Các triệu chứng cho thấy có sự hình thành mảng bám ở động mạch ngoại biên phổ biến là:
– Teo cơ
– Vùng ở chi dưới thường khô hơn so với các khu vực khác
– Đau nhức, mỏi chi dưới liên tục, ngay cả khi vận động nhẹ
– Đau cách hồi, giảm khi nghỉ ngơi
Các triệu chứng này gây ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân.
Nếu thấy các dấu hiệu bất thường kể trên, người bệnh cần thăm khám sớm để xác định chính xác vị trí xơ vữa và điều trị theo phác đồ thích hợp nhất.
3. Các yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành mảng xơ vữa
Bệnh xơ vữa động mạch có thể xảy ra ở bất cứ ai, nhưng thường gặp ở một số đối tượng nhất định. Các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa mạch máu gồm:
3.1 Rối loạn lipid máu
Tăng cholesterol máu là yếu tố hàng đầu làm tăng nguy cơ hình thành xơ vữa và các bệnh lý tim mạch liên quan đến thiếu máu. Cholesterol có 2 loại chính là LDL cholesterol và HDL cholesterol. Trong đó, LDL cholesterol có vai trò quan trọng đối với việc hình thành các mảng xơ vữa. Sự gia tăng LDL cholesterol trong máu ở bất cứ mức độ nào đều có thể làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu.
3.2 Tăng huyết áp
Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ quan trọng gây tình trạng xơ vữa mạch máu. Huyết áp cao làm dày thành mạch, khiến mạch máu giảm khả năng đàn hồi và dễ tắc nghẽn. Áp lực do huyết áp cao tạo ra cũng khiến các mảng xơ vữa dễ nứt vỡ và gia tăng tính thấm nội mạc đối với cholesterol, là điều kiện để các mảng vữa vừa hình thành và phát triển.
3.3 Bệnh đái tháo đường
Tình trạng lượng đường trong máu thường xuyên ở mức cao có thể làm tổn thường thành mạch máu, làm tăng nguy cơ hình thành xơ vữa. Đây cũng là nguyên nhân gây rối loạn lipid, dễ gây xơ vữa các mạch máu, trong đó có động mạch.
3.4 Hút thuốc lá
Hút thuốc lá nhiều gây tăng huyết áp, làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Các nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc mạch vành thường tăng gấp đôi ở người hút thuốc, nhất là những người hút 40 điếu/ ngày.
3.5 Béo phì, ít hoạt động
Những người ít vận động (nhân viên văn phòng, thợ may, người đánh máy…) đồng thời ăn chế độ nhiều đạm, nhiều mỡ sẽ dễ bị tăng lượng LDL cholesterol và giảm lượng HDL cholesterol, gây tình trạng béo phì, gia tăng hình thành các mảng bám.
Ngoài ra, tình trạng stress, sử dụng các thuốc tránh thai một cách không kiểm soát cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa.
Trên đây là một số kiến thức về tình trạng xơ vữa động mạch. Bệnh thường ít bộc lộc triệu chứng ở giai đoạn đầu, chỉ khi các mảng xơ vữa đã phát triển và gây cản trở việc lưu thông máu, các triệu chứng mới trở nên rõ ràng, Người bệnh cần thăm khám sức khỏe tim mạch thường xuyên để phát hiện sớm căn bệnh này và có biện pháp điều trị hiệu quả. Nếu có các triệu chứng nghi ngờ, cần thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.