Xét nghiệm máu có phát hiện ung thư vú không?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Lê Văn Bảo

Trưởng khoa Ung Bướu
Xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư có những giá trị nhất định trong hỗ trợ phát hiện sớm ung thư vú. Vậy chỉ xét nghiệm máu có phát hiện được ung thư vú không?

1.Xét nghiệm máu có phát hiện được ung thư vú không?

Ung thư vú là bệnh ung thư có tỷ lệ mắc cao hàng đầu ở nữ giới Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Nhiều số liệu thống kê chỉ ra, mỗi năm Việt Nam có khoảng 11 nghìn ca mắc mới ung thư vú và 5 nghìn ca tử vong do bệnh gây ra. Ung thư vú rất dễ mắc, gặp ở nhiều đối tượng khác nhau. Phát hiện bệnh sớm và tiến hành điều trị tích cực là một trong những điều kiện cần để chữa khỏi bệnh, tăng cơ hội sống cho bệnh nhân ung thư.

Xét nghiệm máu CA 15 - 3 có những giá trị nhất định trong hỗ trợ phát hiện, theo dõi điều trị ung thư vú

Xét nghiệm máu CA 15 – 3 có những giá trị nhất định trong hỗ trợ phát hiện, theo dõi điều trị ung thư vú

Xét nghiệm máu tìm chất chỉ điểm ung thư CA 15 – 3 là xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư và chỉ có giá trị hỗ trợ phát hiện bệnh chứ không phải là xét nghiệm duy nhất để chẩn đoán bệnh. Bởi lẽ, Không phải bệnh nhân ung thư vú nào cũng có chỉ số CA 15 – 3 tăng cao và chỉ số này biến động có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, không xuất phát từ ung thư vú.

Thực tế, CA 15 – 3 không đủ độ nhạy và độ đặc hiệu để sàng lọc ung thư vú trong cộng đồng. Mục đích sử dụng chính xét nghiệm CA 15 – 3 là để theo dõi đáp ứng điều trị và tái phát ung thư vú. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân mà chỉ số này không tăng trước điều trị thì không thể sử dụng để theo dõi đáp ứng điều trị và tái phát được.

Ở người bình thường, giá trị CA 15 – 3 thường ở mức dưới 35 U/ml. Giá trị này có thể tăng trong một số bệnh ung thư khác như ung thư buồng trứng, ung thư tử cung, ung thư nội mạc tử cung hay các bệnh lý lành tính như viêm gan, xơ gan, viêm nội mạc tử cung…

2.Xét nghiệm phát hiện ung thư vú bằng cách nào?

Để phát hiện bệnh ung thư vú, ngoài xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư mang tính chất gợi ý, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp như:

Chụp nhũ ảnh là phương tiện phổ biến để sàng lọc, đánh giá ban đầu một trường hợp ung thư vú

Chụp nhũ ảnh là phương tiện phổ biến để sàng lọc, đánh giá ban đầu một trường hợp ung thư vú

  • Chụp nhũ ảnh: là phương tiện phổ biến để sàng lọc, đánh giá ban đầu một trường hợp ung thư vú. Hình ảnh tổn thương trên nhũ ảnh thường có hình sao, bờ không đều, độ đậm cản quang không đều, cấu trúc bị biến dạng… Chụp nhũ ảnh cũng được khuyến khích thực hiện định kì trong tầm soát ung thư vú, đặc biệt là những người trên 40 tuổi. Trường hợp chụp nhũ ảnh phát hiện bất thường bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
  • Siêu âm vú: thường được chỉ định cho những nữ giới trẻ tuổi hay có kèm theo xơ nang vú. Siêu âm có thể chẩn đoán phân biệt khối u đặc hay nang. Siêu âm cũng hướng dẫn cho việc chọc sinh thiết.
  • Sinh thiết: chọc hút sinh thiết là kỹ thuật có độ chẩn đoán ung thư vú cao với độ nhạy khoảng 90% và độ đặc hiệu gần như tuyệt đối…

Ung thư vú rất phổ biến, không loại trừ bất kì nữ giới nào, ngay cả người trẻ tuổi. Chính vì vậy, tầm soát ung thư vú định kì luôn được khuyến khích, đặc biệt với những người có nguy cơ mắc bệnh cao như mang gen đột biến BRCA1, BRCA2, tiền sử gia đình có người mắc bệnh, phát hiện kinh nguyệt sớm, mãn kinh muộn, béo phì…

 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital