Hiện nay, nhiều người cho rằng trước khi thực hiện bất kỳ xét nghiệm nào đó thường phải nhịn ăn để có được kết quả chính xác nhất. Liệu suy nghĩ này có đúng hay không? Đặc biệt, việc thực hiện xét nghiệm máu có phải nhịn ăn không? Hãy cùng tìm hiểu ngay vấn đề này trong bài viết sau.
Menu xem nhanh:
1. Có phải nhịn ăn trước khi xét nghiệm máu không?
Trên thực tế, không phải loại xét nghiệm nào cũng cần phải nhịn ăn. Tuy nhiên, vẫn có một số loại xét nghiệm máu bắt buộc bạn cần phải nhịn ăn để có kết quả chính xác nhất.
Các loại xét nghiệm máu bạn cần phải nhịn ăn có thể kể đến như:
– Xét nghiệm đường huyết lúc đói: đây là loại xét nghiệm đo lượng đường có trong máu. Vì vậy để thức ăn trong cơ thể không chuyển hóa thành đường Glucose, khiến lượng đường trong máu tăng cao. Thì người bệnh cần nhịn ăn từ 8-10 giờ đồng hồ trước khi làm xét nghiệm. Việc nhịn ăn sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh lý.
– Xét nghiệm sắt trong máu: để xác định các bệnh lý về thiếu sắt, thiếu máu,…Vì vậy trước khi xét nghiệm sắt, người bệnh cũng cần nhịn ăn để tránh các loại thực phẩm chứa sắt sẽ hấp thụ rất nhanh vào máu. Điều này sẽ làm sai lệch chỉ số sắt trong máu. Vì thế, người bệnh cần nhịn ăn 4-6 giờ đồng hồ.
– Xét nghiệm mỡ máu: người bệnh được khuyến cáo nên thực hiện xét nghiệm này thường xuyên để kiểm soát tốt lượng mỡ trong máu. Giống như các xét nghiệm khác, người bệnh cần nhịn ăn từ 8-10 giờ đồng hồ để kết quả xét nghiệm không bị ảnh hưởng bởi thức ăn mà người bệnh nạp vào cơ thể.
Ngoài ra, còn một số xét nghiệm khác bệnh nhân cũng cần phải nhịn ăn như: các xét nghiệm chuyển hóa, xét nghiệm chức năng thận, xét nghiệm Vitamin B12…
Để có kết quả chính xác nhất khi thực hiện xét nghiệm máu, người bệnh cần tuân theo chỉ định của bác sĩ để tránh những sai sót khi xét nghiệm.
Bên cạnh đó, có một số xét nghiệm mà người bệnh không cần phải nhịn ăn như:
– Xét nghiệm nội tiết
– Xét nghiệm ung thư
– Xét nghiệm acid uric có trong máu với bệnh nhân bị Gout
– Xét nghiệm miễn dịch với bệnh nhân HIV/AIDS
2. Những lưu ý trước khi thực hiện xét nghiệm máu
2.1. Xét nghiệm máu có phải nhịn ăn không? Những thứ cần tránh khi nhịn ăn là gì?
Nếu được yêu cầu nhịn ăn để thực hiện xét nghiệm máu, người bệnh cũng nên tránh những điều sau đây để quá trình xét nghiệm được chính xác nhất:
– Các chất kích thích: rượu, bia, thuốc lá, cà phê…sẽ làm ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm, do các chất này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đường tiêu hóa, đường huyết, mỡ máu,…Do đó, người bệnh không được hút thuốc lá, không được sử dụng cà phê,…Đặc biệt là các nước giải khát có ga sẽ làm lượng đường trong máu tăng cao, việc chẩn đoán bệnh cũng sẽ gặp sai sót.
– Kẹo cao su: người bệnh không nên nhai kẹo cao su trước khi xét nghiệm, bởi việc nhai kẹo có thể làm tăng tốc độ tiêu hóa, điều này ảnh hưởng tới kết quả.
Không được sử dụng các loại thực phẩm chức năng hay các loại protein bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể trong quá trình nhịn ăn, điều này sẽ dẫn đến sai lệch chỉ số khi xét nghiệm.
– Cần tránh tập thể dục trong thời gian nhịn ăn, bởi khi tập thể dục có thể làm quá trình tiêu hóa tiến triển nhanh hơn, điều này cũng ảnh hưởng ít nhiều tới kết quả xét nghiệm. Do vậy, bệnh nhân cần giữ cơ thể luôn thư giãn, tránh vận động mạnh hay làm việc nặng trước khi xét nghiệm máu. Cần nghỉ ngơi 10-30 phút để thả lỏng cơ thể, giúp máu trở về trạng thái bình thường là điều cần làm trước mỗi lần thực hiện xét nghiệm máu.
2.2. Xét nghiệm máu có phải nhịn ăn không? Làm cách nào để nhịn ăn một cách an toàn?
Nhiều người cho rằng việc nhịn ăn trước khi xét nghiệm là hoàn toàn đơn giản. Thế nhưng, với khá nhiều bệnh nhân việc nhịn ăn chỉ trong thời gian ngắn cũng khiến họ mệt mỏi và khó chịu. Vì thế, khi phải nhịn ăn cũng cần thực hiện một cách khoa học với những lời khuyên sau đây:
– Người bệnh cần cung cấp cho cơ thể nhiều nước hơn khi nhịn ăn để cơ thể luôn đủ nước. Bởi nước sẽ không làm ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm máu và được sử dụng khi nhịn ăn.
– Dù phải nhịn ăn nhiều giờ đồng hồ nhưng bạn biết cách tính thời gian để ăn hoặc uống trước khi xét nghiệm thì nhịn ăn sẽ không còn là vấn đề đáng lo ngại. Ví dụ như: bạn được yêu cầu nhịn ăn trong 12 giờ và thực hiện xét nghiệm máu vào lúc 9 giờ sáng hôm sau, thì bạn có thể ăn mọi thứ trước 9 giờ tối hôm trước.
– Nếu bệnh nhân phải sử dụng thuốc thì hãy tiếp tục dùng như bình thường, trừ khi có chỉ định khác từ bác sĩ.
– Với phụ nữ mang thai để không gây nguy hiểm cho mẹ và bé, cần thông báo với bác sĩ trước khi làm xét nghiệm để có lời khuyên tốt nhất về để nhịn ăn một cách an toàn nhất.
Ngoài ra, nếu trong quá trình nhịn ăn, bạn có vô tình ăn hay uống gì đó vì quá đói hoặc nhầm giờ, thì phải thông báo tới bác sĩ ngay để dời lịch xét nghiệm sang ngày khác. Bởi nếu không thông báo tới bác sĩ, rất có thể kết quả sau xét nghiệm sẽ bị sai lệch, dẫn đến việc chẩn đoán bệnh sẽ không được chính xác.
2.3. Nên thực hiện xét nghiệm máu khi nào?
Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện xét nghiệm máu vào buổi sáng, vì thời điểm đó cơ thể khá ổn định, các cơ quan sau một đêm cũng đã đào thải các chất cặn bã trong máu thay vì buổi chiều, khi mà lúc này cơ thể đã phải hoạt động cả ngày. Hơn nữa, khi xét nghiệm vào buổi sáng, bệnh nhân cũng không cần phải nhịn ăn quá nhiều.
Như vậy, xét nghiệm máu có phải nhịn ăn không sẽ phụ thuộc vào từng loại xét nghiệm máu bệnh nhân cần thực hiện, chứ không phải bất kỳ loại xét nghiệm nào cũng phải nhịn ăn như chúng ta vẫn từng suy nghĩ từ trước đến nay. Hy vọng với những thông tin bổ ích trên, người bệnh sẽ có thêm những kiến thức cho bản thân trước mỗi lần thực hiện xét nghiệm máu. Đừng quá lo lắng trước mỗi lần xét nghiệm, hãy luôn giữ tinh thần thoải mái để việc xét nghiệm chẩn đoán bệnh diễn ra an toàn và trọn vẹn.