Glucose là tên khoa học của một loại đường, là nguồn cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống của con người. Thông thường, lượng glucose sẽ ổn định để duy trì chuyển hóa trong cơ thể. Tuy nhiên lượng glucose có thể tăng lên bất thường khi cơ thể gặp rối loạn, ví dụ như bệnh tiểu đường. Chỉ số xét nghiệm đường máu sẽ giúp hỗ trợ chẩn đoán vấn đề mà cơ thể mắc phải, cụ thể là rối loạn về sự chuyển hóa glucose trong máu.
Menu xem nhanh:
1. Hiểu biết chung về xét nghiệm đường máu
Xét nghiệm đường máu hay còn gọi là xét nghiệm đường huyết, xét nghiệm glucose. Đây là một thủ thuật y khoa được thực hiện với mẫu máu bệnh phẩm. Phương pháp này sẽ định lượng glucose có trong máu. Xét nghiệm đường huyết được thực hiện chủ yếu để kiểm tra khả năng mắc bệnh tiểu đường type 1, tiểu đường type 2 và tiểu đường thai kỳ.
1. 1. Các loại xét nghiệm đường máu
Trên thực tế thực tế, chúng ta có khá nhiều loại xét nghiệm đường huyết khác nhau. Tiêu chí phân loại các xét nghiệm này dựa trên thời điểm thực hiện xét nghiệm hoặc các yếu tố hỗ trợ thực hiện xét nghiệm. Mục đích khi thực hiện xét nghiệm định lượng glucose là hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh tiểu đường.
Dưới đây là các xét nghiệm đường huyết cơ bản giúp đo nồng độ glucose trong máu:
– Xét nghiệm đường huyết lúc đói: Thủ thuật này được tiến hành khi người bệnh đã để dạ dày rỗng ít nhất 8 tiếng. Đây là xét nghiệm đường huyết thường gặp nhất và cũng là xét nghiệm đầu tiên trong nhóm các xét nghiệm chẩn đoán bệnh tiểu đường.
– Xét nghiệm đường huyết sau ăn 2 tiếng: Như tên gọi, đây là xét nghiệm được thực hiện đúng 2 tiếng sau khi ăn. Mục đích của xét nghiệm này là để kiểm tra khả năng sử dụng insulin để chuyển hóa năng lượng sau khi ăn ở người bị tiểu đường.
– Xét nghiệm đường huyết thời điểm ngẫu nhiên: Ưu điểm của xét nghiệm này là không phụ thuộc vào việc người bệnh có ăn hay không, lượng thức ăn nạp vào bao nhiêu… Thông thường, xét nghiệm này sẽ được tiến hành vài lần trong ngày. Nếu như kết quả giữa các lần xét nghiệm có sự biến động lớn thì được cho là bất thường.
– Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống: Xét nghiệm này có ứng dụng đa dạng, được dùng để chẩn đoán giai đoạn tiền tiểu đường, tiểu đường và cả tiểu đường thai kỳ. Mẫu máu sẽ được lấy sau khi người bệnh uống chất lỏng có chứa glucose. Xét nghiệm sẽ được thực hiện nhiều lần sau khi uống và so sánh kết quả giữa các lần để kiểm tra biến động chỉ số glucose. Ngoài việc uống glucose, chúng ta cũng có thêm xét nghiệm dung nạp glucose đường tiêm.
– Xét nghiệm HbA1c máu: Xét nghiệm này sẽ xác định lượng glucose kết hợp với hồng cầu trong mẫu máu bệnh phẩm. Thủ thuật này thường được dùng để chẩn đoán bệnh tiểu đường hoặc kiểm tra xem bệnh có được kiểm soát tốt hay không.
1.2. Ý nghĩa kết quả xét nghiệm đường máu
Chỉ số đường máu bình thường sẽ nằm trong những khoảng an toàn dưới đây, tùy theo phương pháp và thời điểm làm xét nghiệm.
– Từ 90 – 130 mg/dl khi làm xét nghiệm đường huyết lúc đói.
– Thấp hơn 180 mg/dl sau khi ăn.
– Từ 110 – 150 mg/dl trước khi đi ngủ.
Nếu chỉ số glucose tăng cao, bạn có nguy cơ mắc 1 số bệnh lý sau:
– Bệnh tiểu đường
– Viêm tụy cấp tính hay mạn tính
– Các bệnh lý tuyến yên, tuyến thượng thận
– Người bị nhiễm độc nặng hoặc gặp các tai nạn như bị choáng, bị bỏng, stress….
Đường máu là nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể. nếu chỉ số đường huyết quá thấp, chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với một số ảnh hưởng sau:
– Bệnh u tụy
– Thiểu năng một số cơ quan nội tiết như tuyến thượng thận, tuyến yên, tuyến giáp.
– Suy giảm chức năng gan, xơ gan giai đoạn cuối.
– Nhầm lẫn và mất phương hướng
– Khó tập trung
– Bị hoang tưởng hoặc hung hăng quá độ
2. Chuẩn bị thực xét nghiệm đường máu như thế nào?
Xét nghiệm đường huyết nếu xét về thời điểm thực hiện thì được chia làm 2 dạng là xét nghiệm lúc đói và xét nghiệm tại thời điểm bất kỳ. Nếu như thực hiện xét nghiệm máu ngẫu nhiên, bạn sẽ không cần có lưu ý nào đặc biệt.
Trong khi đó, đối với xét nghiệm glucose lúc đói, bệnh nhân cần nhịn ăn và uống trong thời gian tối thiểu là 8 tiếng trước xét nghiệm. Bạn vẫn có thể uống nước lọc để cân bằng điện giải, tránh sức khỏe bị suy kiệt..
Để tránh phải nhịn đói cả ngày, bệnh nhân thường được khuyên nên xét nghiệm vào buổi sáng. Trong trường hợp bạn chỉ có thể thực hiện xét nghiệm vào buổi chiều thì chỉ cần đảm bảo nguyên tắc để bụng rỗng tối thiểu 8 tiếng, kết quả cũng sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Ngoài ra, chỉ số xét nghiệm đường huyết còn có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như:
– Stress do phẫu thuật, chấn thương, đột quỵ hoặc đau tim.
– Sử dụng đồ uống có cồn, hút thuốc, uống nhiều caffeine.
– Sử dụng một số thuốc ảnh hưởng đến chỉ số glucose trong máu.
– Điều kiện kỹ thuật và trình độ của nhân viên phòng xét nghiệm.
Việc theo dõi lượng đường trong máu là một biện pháp hiệu quả giúp chúng ta chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe. Và ngoài ra, bạn cũng nên thực hiện khám sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ để chăm sóc sức khỏe toàn diện hon.