Tuy tên gọi có phần lạ lẫm nhưng xét nghiệm bộ mỡ lại là một xét nghiệm rất quen thuộc, được áp dụng phổ biến trong y học hiện đại. Và trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về xét nghiệm này nhé.
Menu xem nhanh:
1. Xét nghiệm bộ mỡ là gì?
Xét nghiệm bộ mỡ hay còn gọi là xét nghiệm mỡ máu, xét nghiệm lipid máu. Đây là xét nghiệm nằm trong nhóm xét nghiệm sinh hóa máu. Có nhiều thành phần lipid máu nhưng quan trọng nhất là cholesterol. Việc theo dõi chỉ số này sẽ giúp kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh tai biến mạch máu não, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim… Những bệnh lý tim mạch và mạch máu não nói trên đều đặc biệt nguy hiểm, có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe người bệnh.
Xét nghiệm lipid máu là cơ sở quan trọng giúp chủ động phòng ngừa và điều trị kịp thời các bệnh lý liên quan tới mỡ máu, tim mạch… Theo đó, xét nghiệm mỡ máu thường được chỉ định cho những đối tượng dưới đây:
– Có các biểu hiện lâm sàng nghi mắc bệnh tim mạch như ho dai dẳng, mệt mỏi, ngủ ngày, đánh trống ngực…
– Người bị bệnh tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống, bệnh vảy nến, viêm khớp dạng thấp…
– Người bị bệnh thận mạn tính.
– Phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường hoặc huyết áp cao khi mang thai.
– Nam giới mắc bị rối loạn cương dương.
– Người bị xơ vữa động mạch cảnh, tăng độ dày lớp nội trung mạc động mạch cảnh, bệnh động mạch ngoại biên…
– Nam giới trên 40 tuổi, nữ giới trên 50 tuổi hoặc sau mãn kinh.
– Người thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá.
2. Ý nghĩa của các chỉ số trong xét nghiệm mỡ máu
Thực tế, cholesterol không hoàn toàn xấu, chúng góp mặt trong nhiều bộ phận với vai trò cấu trúc màng tế bào, là tiền chất tạo vitamin D và 1 số hormone. Mặt khác cũng có trường hợp các lipid máu bị rối loạn, gây ra những bệnh lý nguy hiểm cho cơ thể. Vì vậy, để theo dõi tình trạng rối loạn mỡ máu, xét nghiệm bộ mỡ sẽ đo nồng độ các lipid cấu tạo nên mỡ trong máu. 3 loại lipid này bao gồm: HDL, LDL và triglyceride.
2.1. Chỉ số cholesterol trong xét nghiệm bộ mỡ
Cholesterol được chia làm 2 loại là cholesterol loại tốt (HDL) và cholesterol loại xấu (LDL). Trong đó, LDL cholesterol được xem là nguyên nhân chính gây nên bệnh xơ vữa động mạch. Chỉ số LDL nếu dưới 100 mg/dL (tương đương 2,6 mmol/L) được xem là rất tốt. Chỉ số này càng tăng cao cũng đồng nghĩa với nguy cơ mắc bệnh mỡ máu gia tăng. Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng LDL tăng có thể liên quan đến yếu tố di truyền, chế độ ăn, hút thuốc lá, lười vận động hoặc liên quan các bệnh huyết áp, đái tháo đường…
Ngược lại, HDL lại là cholesterol giúp hạn chế tình trạng xơ vữa động mạch. Vì thế, chỉ số này càng tăng thì càng tốt, nguy cơ mắc các bệnh tim mạch thấp. Thông thường, nồng độ HDL trên > 60 mg/dL (tương đương 1,5 mmol/L) là rất tốt.
Bên cạnh 2 chỉ số cholesterol đơn lẻ, chúng ta còn cần quan tâm tới chỉ số cholesterol toàn phần. Chỉ số này cho biết tổng lượng cholesterol trong máu, gồm cả LDL và HDL. Do đó, nếu kết quả định lượng cholesterol toàn phần tăng cao thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng gia tăng theo. Trị số lý tưởng của cholesterol toàn phần là dưới 200mg/dL ( tương đương 5.1 mmol/L).
2.2. Chỉ số triglyceride trong xét nghiệm bộ mỡ
Triglyceride là chất béo trung bình trong máu, đây là một trong những thành phần chủ yếu của dầu thực vật và mỡ động vật. Vì vậy, triglyceride dễ dàng tăng thông qua đường ăn uống và nó được lưu trữ trong tế bào mỡ như một dạng năng lượng dự trữ.
Định lượng triglyceride trong máu giúp đánh giá tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu. Chỉ số triglyceride dưới 150 mg/dL (tương đương 1,7 mmol/L) được xem là bình thường. Nồng độ chất này tăng lên cũng kèm theo nguy cơ mắc bệnh tim mạch gia tăng.
Nguyên nhân khiến triglyceride gia tăng có thể do yếu tố di truyền, bệnh lý suy giáp, bệnh tiểu đường và mắc hội chứng chuyển hóa. Đặc biệt, hợp chất này rất dễ bị ảnh hưởng bởi lối sống sinh hoạt không lành mạnh như hút thuốc lá, uống rượu bia, ăn thực phẩm giàu carbohydrate tinh chế và chất béo bão hòa.
3. Lưu ý khi thực hiện xét nghiệm bộ mỡ
Các chỉ số mỡ máu được xem là rất dễ thay đổi bởi các yếu tố từ lối sống. Do đó, trước khi thực hiện xét nghiệm, người bệnh thường được khuyên nên khám vào buổi sáng (khi các chỉ số ổn định), nhịn ăn tối thiểu 8 tiếng. Việc hút thuốc hay sử dụng bia rượu cũng phải hạn chế trước khi xét nghiệm. Các loại thuốc bạn đang sử dụng có thể làm sai lệch kết quả và cần được trao đổi trước với bác sĩ.
Xét nghiệm mỡ máu về cơ bản là một xét nghiệm máu nên quy trình thực hiện khá đơn giản, gần như không để lại biến chứng do xâm lấn. Bên cạnh những lưu ý nói trên, bạn cần phải chia sẻ thêm với nhân viên kỹ thuật về bệnh lý bản thân, ví dụ như chứng sợ máu. Bởi bệnh lý này có thể làm ảnh hưởng tới quá trình lấy mẫu xét nghiệm.
Theo khuyến cáo, những người từ độ tuổi 20 trở lên nên đi xét nghiệm kiểm tra rối loạn mỡ máu định kỳ 5 năm/lần. Dựa trên tình hình sức khỏe của bạn, bác sĩ có thể sẽ có những chỉ định khác về tần suất thực hiện xét nghiệm để theo dõi, đánh giá sức khỏe hiệu quả hơn. Ngoài ra, bạn cũng có thể kết hợp xét nghiệm rối loạn mỡ máu khi khám sức khỏe định kỳ để có thể theo dõi tình trạng sức khỏe thường xuyên hơn. Vì xét nghiệm này gần như không xâm lấn và ít gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người bệnh.