Viêm xoang cấp tính là tình trạng viêm niêm mạc các xoang cạnh mũi, xuất hiện lần đầu tiên và kéo dài không quá 8 tuần. Khi đó, các xoang bị viêm, sưng nề gây cản trở thoát nước và tạo ra chất nhờn. Đôi khi, tình trạng viêm lan sang các xoang khác tạo thành viêm đa xoang.
Menu xem nhanh:
Nguyên nhân gây viêm xoang cấp tính
Có nhiều nguyên nhân gây viêm xoang cấp tính như:
Nhiễm virus: hầu hết các trường hợp viêm xoang cấp là do cảm lạnh thông thường. Khi bị cảm lạnh, phản ứng viêm diễn ra nhằm bảo vệ cơ thể chống lại tác nhân gây hại, nhưng nó khiến niêm mạc mũi họng sưng phù lên, làm các lỗ thông bị nhỏ lại, đường đi của dịch từ trên xoang xuống cũng bé đi khiến dịch lưu thông chậm lại.
Vi khuẩn lây nhiễm: nếu tình trạng viêm đường hô hấp trên của bạn đã kéo dài lâu hơn một tuần, nhiều khả năng đó là do vi khuẩn gây ra hơn là virus. Các vi khuẩn răng miệng có thể lan tới các xoang kề cận như xoang hàm, gây nên viêm xoang cấp tính.
Nhiễm nấm: trong trường hợp có những bất thường trong cấu trúc mũi như vẹo vách ngăn hoặc hệ thống miễn dịch giảm sút, bạn có nguy cơ bị nhiễm nấm cao hơn.
Dị ứng: đặc biệt với các tác nhân tiếp xúc với đường hô hấp như bụi nhà, phấn hoa,… Dị ứng có thể là nguyên nhân dẫn tới tình trạng viêm xoang, cũng có thể là yếu tố khiến bệnh nặng hơn.
Chấn thương vùng hàm mặt: gây vỡ xoang, chảy máu trong xoang, tổn thương niêm mạc khiến lượng dịch trong xoang tăng lên, các cục máu đông có thể gây bít tắc đường lưu thông của dịch, càng làm tình trạng viêm xoang nặng hơn.
Những yếu tố kích thích lý, hóa như hơi, khí hoá chất độc,… có thể gây kích ứng niêm mạc xoang làm mũi bị phù nề, tăng tiết dịch gây viêm.
Bất thường về cấu trúc mũi xoang: lệch vách ngăn mũi, có những khối u nhỏ trong mũi, xoang,… làm hạn chế, cản trở dịch xoang thoát xuống phía dưới.
Ngoài ra còn một vài yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc viêm xoang cấp tính như:
- Có những bất thường về cấu trúc mũi xoang: lệch, vẹo vách ngăn, u bướu trong mũi, xoang,…
- Mẫn cảm với aspirin gây ra các triệu chứng hô hấp.
- Sốt hoặc các tình trạng dị ứng khác ảnh hưởng đến xoang.
- Rối loạn, suy giảm hệ thống miễn dịch: HIV, xơ nang,…
- Thường xuyên tiếp xúc với khói, bụi, khói thuốc lá. Những người làm nghề mộc, thợ xây, công nhân vệ sinh có nguy cơ mắc viêm xoang cũng như các bệnh đường hô hấp khác cao hơn.
- Môi trường sống, làm việc bị ẩm mốc, thiếu vệ sinh cũng làm tăng khả năng bị viêm xoang cấp tính
Triệu chứng của viêm xoang cấp tính
Đau nhức vùng mặt: đây là dấu hiệu chính, người bệnh thường đau thành từng cơn, có tính chu kỳ, thường đau nhiều hơn về sáng do ban đêm, các chất tiết ứ lại nhiều trong xoang. Bệnh nhân cảm thấy đau nhiều vùng má, trán, thái dương hai bên, có thể lan lên đỉnh đầu hoặc lan xuống phía răng. Ngoài cơn đau chỉ thấy nhức đầu.
Chảy mũi: có thể ở một bên nhưng thường xảy ra ở cả hai bên. Ban đầu dịch có thể loãng, sau đặc dần, màu xanh hoặc vàng, có mùi và làm hoen ố khăn tay. Người bệnh có thể chảy mũi ra phía trước (nếu viêm nhóm xoang trước) hoặc chảy xuống họng phía sau (viêm nhóm xoang sau).
Ngạt tắc mũi: thường xảy ra ở hai bên, đi kèm với chảy mũi. Tùy mức độ bệnh có thể ngạt tắc mũi múc độ nhẹ, vừa, từng lúc hay liên tục. Người bệnh thường đau nhiều bên đau và tình trạng ngạt tăng lên vào ban đêm.
Các dấu hiệu khác có thể đi kèm: Sốt cao, mệt mỏi, chán ăn, đau tai, viêm họng, hơi thở hôi
Khi thấy những biểu hiện bệnh viêm xoang cấp tính, người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm bệnh, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.