Viêm VA mạn tính: Triệu chứng và cách điều trị

Tham vấn bác sĩ
Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ

Dương Văn Tiến

Trưởng phòng khám Tai mũi họng Cơ sở 286 Thụy Khuê

Viêm VA mạn tính là bệnh rất hay gặp ở trẻ em và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên nếu hiểu đúng về bệnh, phát hiện và điều trị kịp thời thì có thể cải thiện nhanh chóng tình trạng bệnh.

Thông thường sau nhiều lần viêm cấp tính, VA sẽ bị xơ hóa và to lên, tình trạng này gọi là viêm VA mạn tính. Khi đã tiến triển thành mạn tính, bệnh không thể điều trị dứt điểm được và trẻ sẽ rất hay tái phát các đợt cấp cũng như tổn thương các cơ quan lân cận. Tình trạng này sẽ chỉ chấm dứt khi tổ chức này thoái triển dần khi trẻ lớn lên sau này.

1. Triệu chứng viêm VA mạn tính

Khi bị viêm VA mạn tính trẻ sẽ có những biểu hiện như:

viem-va-man-tinh

Viêm VA mạn tính thường gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, khiến trẻ khó chịu

  • Ngạt mũi: Đây là triệu chứng chính và cũng là triệu chứng đầu tiên của bệnh. Trẻ nhỏ khó khăn khi thở, hay giật mình dậy khi ngủ, ngủ không yên giấc, trẻ lớn thì ngủ ngáy, nói giọng như mũi bị nghẹt… Những triệu chứng này thường kéo dài và tiến triển theo từng đợt bệnh.
  • Viêm mũi tái phát: mũi tăng tiết nhầy nên trẻ hay chảy mũi đặc, màu xanh hoặc vàng như mủ.
  • Trẻ rất hay ho và sốt vặt, ăn uống kém, chậm phát triển…
  • Quan sát vùng họng thì thấy họng đỏ, thành sau có nhiều tổ chức lympho quá phát, có mủ chảy từ trên vòm họng xuống.

Nếu bệnh tiến triển kéo dài, do tắc mũi liên tục phải thở bằng miệng gây nên rối loạn về phát triển khối xương mặt và lồng ngực, có thể gây biến dạng khuôn mặt và được gọi là bộ mặt VA: cằm lẹm – mặt dài, miệng há – răng nhô, môi trên vẩu, môi dưới trề….mức độ nặng nhẹ tùy trường hợp, ảnh hưởng rất lớn về mặt thẩm mỹ sau này.

viem-va-man-tinh1

Bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị sớm

2. Cách điều trị viêm VA mạn tính

Trong các đợt cấp của viêm VA mạn tính, tức là khi bệnh tiến triển rầm rộ với sốt, sổ mũi, ho…điều trị như viêm VA cấp tính. Sau đó, có thể thực hiện phẫu thuật nạo VA (tùy trường hợp và theo chỉ định của bác sĩ).
Phương pháp nạo VA được áp dụng trong các trường hợp:

  • Viêm nhiều lần điều trị nội khoa không cải thiện.
  • Viêm tái phát gây những biến chứng như viêm xoang, viêm thanh quản, viêm tai giữa…Hoặc sùi vòm quá to gây tắc đường thở, gây khó khăn khi thở bằng mũi…

Có thể nạo VA ở bất cứ tuổi nào, nhưng tốt nhất là trong khoảng từ 18 tháng đến 5 tuổi là tốt nhất. Khi trẻ > 5 tuổi thì việc nạo bỏ không cần thiết vì đến giai đoạn này VA sẽ tự thoái triển dần và bệnh sẽ tiến triển tốt hơn.

Phẫu thuật nạo VA là phương pháp chữa trị hiệu quả trong trường hợp bị viêm VA mạn tính

Phẫu thuật nạo VA là phương pháp chữa trị hiệu quả trong trường hợp bị viêm VA mạn tính

Điều trị viêm VA mạn tính cho trẻ chủ yếu bằng phẫu thuật. Tuy nhiên cha mẹ cũng không cần quá lo lắng về tình trạng sức khỏe của bé. Bên cạnh việc tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ, cha mẹ cần chú ý tới chế độ chăm sóc, vệ sinh mũi họng cho bé hàng ngày để ngăn ngừa bệnh tái phát.
Đồng thời, cần theo dõi tiến triển tình trạng bệnh và đưa bé đi khám định kỳ. Có như vậy mới nắm được tình trạng sức khỏe của bé và xử trí sớm nếu có biến chứng xảy ra.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital