Viêm kết mạc cấp tính là một trong những bệnh lý về mắt thường gặp khi giao mùa. Bệnh gây khó chịu cho người mắc và có khả năng cao bùng thành dịch nên việc thăm khám và điều trị sớm sẽ giúp hạn chế sự lây lan của bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Viêm kết mạc cấp là gì?
Viêm kết mạc cấp tính (đau mắt đỏ) phản ánh tình trạng kết mạc bị viêm. Kết mạc là một lớp màng mỏng, màu trong suốt, chứa các mạch máu, được ví như “hàng rào” bảo vệ nhãn cầu khỏi các tác nhân môi trường bên ngoài, độc tố hoặc dị vật. Khi viêm ở giai đoạn cấp tính, các mạch máu bị sung huyết làm cho kết mạc phù và đỏ, gây ra hiện tượng đau mắt đỏ.
Bệnh xảy ra do virus, vi khuẩn xâm nhập nên có khả năng lây lan cao. Con đường lây nhiễm chủ yếu là do có tiếp xúc với ghèn, gỉ mắt của người bệnh hoặc do dùng chung khăn mặt, chậu tắm, kính… Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây qua hơi thở hoặc nước bọt khi tiếp xúc trực tiếp như nói chuyện, hôn, hắt xì,… Do vậy, cần có các biện pháp cách ly người bị đau mắt đỏ hạn chế nguy cơ lây nhiễm như rửa tay xà phòng, đeo khẩu trang, tuyệt đối không dùng chung các vật dụng như chậu tắm, khăn mặt với người bệnh.
Có khoảng 35-40% bệnh nhân mắc bệnh gặp phải biến chứng gây suy giảm thị lực, nhạy cảm với ánh sáng do giác mạc viêm tích tụ, chảy nước mắt liên tục, thậm chí nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có nguy cơ mất thị lực do kết mạc co rút hay kết mạc dính một phần hoặc toàn phần (sẹo kết mạc).
2. Biểu hiện và nguyên nhân gây bệnh viêm kết mạc cấp tính
2.1 Virus
Virus được coi là nguyên nhân phổ biến và dễ có khả năng lây lan nhất. Đa phần bệnh do virus gây ra có biểu hiện nhẹ. Tuy nhiên, riêng đối với virus ADN (Adenovirus), bệnh có thể trở nặng và gặp phải biến chứng gây suy giảm thị lực. Ngay cả những người khỏe mạnh vẫn có thể bị lây bệnh sau khi tiếp xúc với dịch tiết từ mắt hoặc lây qua đường hô hấp. Thông thường, thời gian ủ bệnh từ 4-10 ngày. Người bệnh có cảm giác như bị vật gì rơi vào mắt gây khó chịu, chảy nước mắt, chảy mủ, đỏ và sưng mí mắt.
2.2 Vi khuẩn
Một số vi khuẩn thường gặp nhất là vi khuẩn bạch hầu (C. Dipptheria), liên cầu ( Streptococcus Pyogene) và phế cầu. Vi khuẩn gây bệnh viêm kết mạc cấp thuộc vi khuẩn gram dương, có khả năng lây lan cao và diễn biến rất nhanh, thậm chí nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới thủng giác mạc. Khi mắt bị viêm do vi khuẩn, mắt của người bệnh sẽ tiết ra nhiều mủ, chất nhày, mắt nhìn hơi đỏ, cảm giác đau nhức ở mí mắt.
2.3 Dị ứng
Các yếu tố gây dị ứng như phấn hoa, mỹ phẩm, lông chó mèo,… cũng là nguyên nhân gây mắc bệnh ở một số người, đặc biệt là những người làm việc trong môi trường không khí ô nhiễm (chất thải, xưởng dệt may,..). Bênh nhân thường có biểu hiện ngứa, đỏ hai mắt, chảy nước mắt liên tục. Đối tượng chủ yếu bị tác động bởi yếu tố này là những người bị bệnh hen, chàm hoặc dị ứng kéo dài. Người bệnh cảm thấy ngứa, thị lực mờ, mắt đổi màu, có mủ đặc và rất nhạy cảm ánh sáng.
2.4 Viêm kết mạc sơ sinh
Đối tượng mắc bệnh do nguyên nhân này là trẻ sơ sinh. Trẻ có biểu hiện dụi mắt liên tục, đỏ và chảy nước mắt. Viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh xảy ra do tuyến lệ của trẻ bị tắc, nhiễm trùng hay xảy ra kích ứng khi dùng kháng sinh nhỏ mắt cho trẻ lúc mới sinh để phòng các bệnh từ đường sinh dục mẹ lây qua con.
2.5 Viêm kết mạc nhú gai
Nguyên nhân gây bệnh này xuất phát từ việc sử dụng kính áp tròng lâu dài hoặc dùng mi mắt nhân tạo làm mắt bị tổn thương ở khu vực mi mắt, có các biểu hiện cộm, khó chịu.
3. Triệu chứng viêm kết mạc cấp
Bệnh có các biểu hiện đặc trưng rất dễ nhận thấy như:
– Kết mạc hoặc mí mắt trong bị đỏ, phù nề
– Nước mắt chảy liên tục nhiều hơn bình thường
– Xuất hiện các gỉ, ghèn mắt, dịch mắt màu vàng chảy ra sau khi ngủ dậy khiến mắt khó mở ra.
– Cảm giác đau rát, ngứa và nóng trong mắt
– Khó chịu, cộm mắt như có dị vật bên trong
– Đau mắt dữ dội, suy giảm thị lực khi bệnh chuyển biến nặng.
Nếu có các dấu hiệu đặc trưng trên, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm ngăn ngừa biến chứng của bệnh.
4. Cách điều trị và phòng bệnh viêm kết mạc cấp tính
Đa phần bệnh do virus, vi khuẩn gây ra nên các giải pháp hiện nay đều tập trung cho việc làm thuyên giảm các triệu chứng. Thông thường, người bệnh được khuyên vệ sinh vùng mắt sạch sẽ bằng tăm bông hoặc khăn mềm tẩm nước muối sinh lý 0,9% loại bỏ ghèn, gỉ mắt. Có thể giảm khó chịu, cộm mắt bằng cách chườm nóng hoặc chườm lạnh 3-4 lần 1 ngày tại khu vực bị viêm.
Bác sĩ có thể kê thêm đơn thuốc cho bệnh nhân:
– Sử dụng kháng sinh phổ rộng tùy theo mức độ vi khuẩn xâm nhập nặng hay nhẹ.
– Dùng thuốc kháng dị ứng tùy theo mức độ dị ứng và tác nhân gây dị ứng.
Đặc biệt, người bệnh cần vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi vệ sinh mắt hoặc nhỏ thuốc tránh để virus, vi khuẩn xâm nhập khiến tình trạng viêm nặng nề hơn. Bệnh nhân có thể khỏi mắt sau khoảng 12 ngày điều trị.
Bên cạnh đó, mọi người cần nâng cao ý thức phòng bệnh
– Sử dụng vật dụng cá nhân riêng, không chung đụng
– Hạn chế đưa tay lên dụi mắt tránh vi khuẩn xâm nhập
– Rửa tay hàng ngày sạch sẽ sau khi đi đường về hoặc trước khi rửa mặt
– Đeo kính râm bảo vệ mắt tránh tiếp xúc khói bụi, ô nhiễm môi trường.
– Khi có bất cứ dấu hiệu gì bất thường về mắt cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám sớm.
Chuyên khoa Mắt – Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI là địa chỉ chăm sóc sức khỏe đôi mắt toàn diện cho cả trẻ em và người lớn, người già bao gồm thăm khám tổng quát, siêu âm chẩn đoán, kiểm tra các tật khúc xạ,… Bên cạnh đó, chuyên khoa mắt hỗ trợ người bệnh điều trị các biến chứng bệnh lý về tổn thương mắt, trong đó có viêm kết mạc cấp tính.
Quý khách vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn, giải đáp kịp thời trong thời gian sớm nhất.