Hiện nay, Việt Nam vẫn đang là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B cao. Hiểu rõ viêm gan B là gì cũng như các yếu tố lây nhiễm, sẽ giúp mỗi người chủ động hơn trong bảo vệ sức khỏe bản thân.
Menu xem nhanh:
1. Viêm gan B là gì?
Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ người khỏe mạnh nhiễm vi rút viêm gan B thay đổi theo từng vùng và dao động trong khoảng 15 – 25%. Bệnh viêm gan B là gì? Bệnh viêm gan B có tên gọi đầy đủ là viêm gan siêu vi B, gây ra do một loại vi rút là viêm gan B (HBV).
Viêm gan B chia thành 2 thể là viêm gan B cấp tính và viêm gan B mạn tính. Viêm gan B cấp tính là tình trạng vi rút viêm gan B mới xâm nhập vào cơ thể và có thể tự hồi phục. Trường hợp viêm gan B không hồi phục sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính.
Viêm gan B cấp tính và mạn tính có thể có những biểu hiện với mức độ khác nhau. Mệt mỏi, chán ăn, nước tiểu sẫm màu, vàng mắt, men gan cao… là những triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân mắc viêm gan.
Bệnh thường tấn công những người có hệ miễn dịch kém, thường xuyên tiếp xúc với người bệnh như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thainhân viên y tế, người xăm hình, chích ma túy…
2. Viêm gan B có lây nhiễm không?
Viêm gan B tồn tại trong máu và các dịch cơ thể của người bệnh nên có thể lây nhiễm từ người bệnh sang người khỏe mạnh.
- Đường máu: viêm gan B có thể lây nhiễm qua đường truyền máu, phẫu thuật, tiêm chích ma túy. Một số thói quen như dùng dao cạo râu, bàn chải đánh răng chung với người mắc bệnh cũng là yếu tố lây nhiễm loại vi rút này
- Đường tình dục: do vi rút viêm gan B tồn tại trong cả tinh dịch và dịch âm đạo nên các hành vi tình dục không an toàn rất dễ tăng nguy cơ lây nhiễm
- Mẹ sang con: tỷ lệ lây nhiễm phụ thuộc vào tình trạng bệnh. Ở giai đoạn vi rút đang phát triển và sinh sản mạnh, tỷ lệ lây sang em bé từ khoảng 50 – 90%.
3. Bệnh nhân mắc viêm gan B cần chú ý gì?
Bệnh nhân mắc viêm gan B cần thăm khám định kì theo sự chỉ định của bác sĩ để xác định thể bệnh cũng như hướng điều trị phù hợp. Bệnh nhân mắc viêm gan B cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày như không hút thuốc lá, không uống rượu bia, hạn chế sử dụng các loại thực phẩm có chứa nhiều chất béo, nhiều sắt để tránh gây ứ đọng sắt trong gan.
Viêm gan B mạn tính nếu không được đánh giá đúng và điều trị tích cực có thể chuyển sang xơ gan và ung thư gan. Chính vì vậy, những người mắc viêm gan B cần chú ý đến khám sức khỏe và sàng lọc ung thư gan định kì để có thể phát hiện bệnh sớm, ngay khi ung thư chưa có biểu hiện.