Viêm dây thần kinh mắt còn được gọi là viêm dây thần kinh thị giác hoặc viêm thị thần kinh. Đây là tình trạng viêm, đau nhức và mất thị lực tạm thời, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân. Vậy bệnh có gây nguy hiểm đến thị lực không và cách điều trị như thế nào?
Menu xem nhanh:
1. Viêm thị thần kinh và triệu chứng của bệnh
Dây thần kinh thị giác có chức năng dẫn truyền tín hiệu hình ảnh từ mắt về thùy chẩm ở não để phân tích. Hai mắt sẽ có hai dây thần kinh tương ứng và có đường đi đối xứng nhau.
Viêm dây thần kinh mắt là tình trạng viêm, nhiễm khuẩn trên một điểm, một bộ phận hoặc có thể trên toàn bộ dây thần kinh thị giác.
Bệnh thường chỉ gặp ở 1 dây thần kinh mắt nên cũng chỉ xảy ra ở bên mắt tương ứng với dây thần kinh này. Các triệu chứng của bệnh thường gặp là:
1.1. Viêm dây thần kinh mắt làm giảm thị lực
Bệnh viêm thị thần kinh thường làm giảm thị lực tạm thời ở bên mắt bị ảnh hưởng. Tùy vào giai đoạn bệnh mà mức độ ảnh hưởng sẽ có sự khác nhau. Ở giai đoạn vài ngày sau viêm, thị lực sẽ giảm rõ rệt.
Khi bệnh viêm dây thần kinh thị giác được cải thiện, thị lực sẽ dần hồi phục. Tuy nhiên một số trường hợp đặc biệt thị lực không phục hồi mà còn ngày càng suy giảm thậm chí là mất đi hoàn toàn.
1.2. Viêm dây thần kinh mắt gây đau nhức một bên mắt
Bệnh viêm thị thần kinh gây đau nhức một bên mắt bị tổn thương. Mức độ đau từ trung bình đến đau nặng, có khi đau dữ dội. Khi mắt cử động hoặc bị ánh sáng kích thích, cơn đau thường nghiêm trọng hơn.
1.3. Mất khả năng nhận diện màu sắc
Viêm dây thần kinh thị giác khiến độ nhạy của tế bào thần kinh trên võng mạc bị giảm đi vì thế mà khả năng nhận biết màu sắc cũng bị tác động. Lúc bị viêm, người bệnh nhìn thấy hình ảnh kém sinh động hơn. Nặng nhất là bệnh nhân không thể phân biệt được các màu sắc.
1.4. Mất thị trường thị giác
Thị trường thị giác là không gian tối đa mà một bên mắt quan sát được. Khi bị viêm dây thần kinh thị giác, thị trường của bên mắt viêm bị thu hẹp hoặc có thể biến mất hoàn toàn.
1.5. Cảm giác ánh sáng nhấp nháy
Một số người bị viêm thị thần kinh đột ngột nhìn thấy những đốm sáng nhấp nháy ảo ảnh, khi di chuyển nhãn cầu tình trạng này tăng lên.
2. Viêm thị thần kinh có nguy hiểm không, bệnh ảnh hưởng tới thị lực như thế nào?
Các biến chứng của bệnh viêm dây thần kinh thị giác bao gồm:
– Giảm thị lực: đây là triệu chứng phổ biến của bệnh. Hầu hết người bệnh có thể lấy lại thị lực hoàn toàn trong một vài tháng. Một số khác không phân biệt được màu sắc có thể lâu hồi phục và không hồi phục. Một số trường hợp bị giảm thị lực vĩnh viễn dù bệnh đã được điều trị.
– Tổn thương dây thần kinh: hầu hết các bệnh nhân sẽ bị tổn thương vĩnh viễn trên dây thần kinh sau khi bị viêm. Tình trạng này cần được theo dõi và điều trị để tránh các biến chứng nguy hiểm.
– Tác dụng phụ của thuốc: quá trình điều trị viêm dây thần kinh thị giác có thể khiến cơ thể bị “nhờn” với thuốc. Khi bị nhờn thuốc, cơ thể sẽ dễ bị nhiễm trùng hơn. Ngoài ra một số loại thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ như tăng cân, viêm loét dạ dày, loãng xương hoặc rối loạn tiêu hóa.
– Nhìn chung hầu hết các trường hợp viêm dây thần kinh thị giác có thể hồi phục hoàn toàn và không gây ra biến chứng khác.
Tuy nhiên, vẫn có trường hợp biến chứng khiến thị lực bị suy giảm kéo dài hoặc vĩnh viễn sau một đợt viêm cấp tính. Do đó ngay khi có triệu chứng, người bệnh cần đi khám để được điều trị sớm. Việc tìm kiếm nguyên nhân và tích cực điều trị là vô cùng cần thiết. Mục đích giảm nguy cơ bệnh tái phát cũng như ngăn chặn biến chứng mất thị lực vĩnh viễn.
3. Nguyên nhân gây bệnh viêm thị thần kinh là gì?
Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào xác định được nguyên nhân chính xác dẫn tới bệnh viêm thị thần kinh.
Bệnh có thể hình thành do tác động của một số bệnh lý nguy hiểm như:
– Đa xơ cứng
– Nhiễm trùng: Nhiễm trùng ở một số cơ quan có thể gây ra viêm thị thần kinh như nhiễm trùng do vi khuẩn có trong bệnh giang mai, sốt đầu mèo, Lyme, virus viêm gan B, HIV, …
– Bệnh lupus ban đỏ
– Bệnh tiểu đường
– Bệnh viêm động mạch nội sọ
– Tác dụng phụ của một số loại kháng sinh khiến tình trạng viêm diễn ra nhanh và nghiêm trọng hơn.
– Tuổi tác và giới tính: bệnh thường gặp ở độ tuổi từ 20-40, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh này cao hơn nam giới.
4. Các phương pháp điều trị viêm dây thần kinh mắt
Tùy vào tình trạng viêm và nguyên nhân gây bệnh, mỗi người sẽ có một phác đồ điều trị khác nhau. Tình trạng viêm nhiễm, tổn thương dây thần kinh thị giác cần được điều trị toàn diện cùng với các chuyên khoa khác như tai mũi họng, truyền nhiễm, dị ứng, thần kinh.
Sau khi được chẩn đoán, bệnh nhân viêm dây thần kinh thị giác sẽ được điều trị bằng:
– Corticoid
– Kháng sinh
– Steroid đường uống và tiêm…
Tùy thuộc vào thể trạng từng người cũng như tình trạng bệnh lý, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc và liều lượng phù hợp. Bệnh nhân nên tuân thủ hoàn toàn với phác đồ điều trị, theo dõi sát sao triệu chứng cá nhân và báo ngay với bác sĩ khi có những biểu hiện bất thường.
Tóm lại, viêm dây thần kinh thị giác là tình trạng viêm làm ảnh hưởng đến thị lực. Triệu chứng điển hình là suy giảm thị lực một bên mắt và đau nhức khi mắt cử động.
Hầu hết các trường hợp viêm thị thần kinh đều hồi phục thị lực hoàn toàn, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp ngoại lệ thị lực suy giảm hoặc biến mất vĩnh viễn. Do đó, việc thăm khám sớm để điều trị tích cực là vô cùng cần thiết, hãy đến ngay chuyên khoa Nội thần kinh khi có triệu chứng của bệnh.