Menu xem nhanh:
Viêm da mủ ở trẻ em do tụ cầu khuẩn
Tụ cầu khuẩn thường gây các tổn thương viêm nang lông, biểu hiện bằng các mụn mủ ở lỗ chân lông, rải rác hoặc thành cụm.
Viêm nang lông
Có thể viêm nang lông nông hoặc viêm nang lông sâu.
Viêm nang lông nông
Là tình trạng viêm nông ở đầu lỗ chân lông. Ban đầu lỗ chân lông hơi sưng đỏ, đau, sau thành mụn mủ nhỏ, quanh chân lông có quầng viêm. Vài ngày sau mụn mủ khô, để lại một vẩy tiết nâu sẫm tròn. Sau cùng vẩy bong không để lại sẹo.
Vị trí thường gặp ở đầu, trán, gáy, cằm, lưng. Ở mi mắt gọi là chắp. Ở da đầu trẻ em thường để lại sẹo nhỏ, trụi tóc lấm tấm.
Viêm nang lông sâu
Là viêm nang lông do tụ cầu vàng có độc tố cao. Ban đầu chỉ là mụn mủ quanh lỗ chân lông, nhưng nhiễm khuẩn ngày càng sâu làm cho tổ chức quanh nang lông nhiễm cộm. Viêm lan rộng và sâu hơn thành nhiều mụn mủ rải rác hoặc cụm lại thành đám đỏ, cứng cộm gồ gề nặn ra mủ.
Viêm nang lông sâu có thể tập trung ở các vùng như cằm, mép, gáy, ria tóc, đầu,..
Đinh nhọt
Cũng là trạng thái viêm nang lông do tụ cầu vàng độc tố cao, nên viêm toàn bộ nang lông, lan ra cả tổ chức xung quanh, nang lông hoại tử tạo thành “ngòi” gồm tế bào, xác bạch cầu.
Vị trí hay gặp ở gáy, lưng, mông, các chi.
Nhọt ổ gà
Do viêm nang lông, kèm theo viêm tuyến hôi tuyến bã ở vùng nách thành túi mủ sâu ở chân bì và hạ bì. Thường nổi thành cục, ban đầu cứng viêm đỏ sau mềm dần , vỡ mủ , rải rác hoặc thành cụm. Tiến triển dai dẳng và hay tái phát vào mùa hè.
Viêm da mủ do liên cầu
Chốc lây
Bệnh bắt đầu bằng một phỏng nước nhỏ, hình tròn, xung quanh có quầng viêm đỏ. Nước ban đầu trong dần dần thành mủ đục giai đoạn phỏng nước và phỏng mủ rất ngắn. Sau đó chúng đóng vẩy tiết vàng kiểu mật ong. Dưới lớp vẩy là một lớp chợt đỏ,nông, sau lành không để lại sẹo vì tổn thương trong bệnh chốc rất nông.
Thường bắt đầu ở đầu, cổ, mặt, các chi, từ đó lan ra các chỗ khác, rất dễ lây nên còn gọi là chốc lây. Trên thực tế trong bệnh chốc, tụ cầu và liên cầu thường phối hợp với nhau và trẻ em hay bị hơn người lớn.
Chốc loét
Bệnh bắt đầu như chốc, bằng một phỏng nước hoặc một phỏng mủ. Sau khi phỏng mủ vỡ, đóng vẩy dày màu vàng sẫm hoặc nâu đen, có vẩy thành nhiều lớp đùn cao lên gọi là vẩy ốc(rupia). Bóc vẩy để lại một vết loét đứng thành,nền tái, rớm mủ. Da xung quanh vết loét tím tái, tiến triển dai dẳng, lâu lành .
Chốc loét nặng tiến triển lâu ngày có thể thành loét sâu. Vị trí thường ở chi dưới, nhất là ở chi có giãn tĩnh mạch. Bệnh thường gặp ở bệnh nhân thiếu dinh dưỡng, thiếu vệ sinh cơ thể, ,có bệnh đái đường hoặc nghiện rượu.
Hăm kẽ
Các nếp kẽ trên thành đám đỏ, trợt, rớm dịch, phía ngoài thường có viền róc da mỏng. Do cọ sát, bí hơi đám tổn thương có thể trợt loét chảy nước, có mủ, đau rát. Nguyên nhân chủ yếu do liên cầu, một số trường hợp do nấm candida.
Thường tập trung ở các vị trí như nếp cổ, kẽ bẹn, kẽ mông, kẽ sau tai, có khi ở rốn,các ngấn da (đối với trẻ em thường được gọi là hăm). Thường gặp ở trẻ em nhất là trẻ mập mạp, hoặc ở người lớn béo mập, ra mồ hôi nhiều.
Nếu cần tư vấn hay muốn đặt lịch khám cho bé với các bác sĩ Nhi khoa tại Thu Cúc, mẹ chỉ cần liên hệ 1900 55 88 92 sẽ được hỗ trợ tốt nhất.