Vacxin vaxigrip 0.25 ml: Công dụng, liều dùng và lưu ý sử dụng

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ - Bác sĩ

Đặng Thị Kim Hạnh

Trưởng đơn vị Tiêm chủng

Vacxin Vaxigrip 0.25 ml được sản xuất bởi hãng Sanofi Pasteur (Pháp), chứa các chủng virus cúm A (H1N1, H3N2) và B. Đây là loại vacxin giúp dự phòng và giảm khả năng mắc bệnh do các loại virus kể trên gây ra.

1. Tìm hiểu chung về bệnh cúm và vacxin Vaxigrip 0.25 ml

1.1. Bệnh cúm

Cúm là một dạng bệnh nhiễm virus cấp tính, phát triển khi virus cúm Influenza lây nhiễm và tấn công vào hệ hô hấp thông qua việc chạm tay vào mắt mũi miệng. Ở người lớn, tỉ lệ mắc cúm rơi vào 5 – 10%, con số này tăng lên 20 – 30% ở trẻ em. Điểm nguy hiểm nhất của bệnh là khả năng lây nhiễm cao dẫn đến nguy cơ bùng lên thành dịch. Ở những đất nước nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam, cúm thường xảy ra vào mùa mưa nhưng vẫn có thể bùng phát vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.

Bệnh cúm được chia thành 3 loại gồm:

– Cúm A hay còn gọi là cúm mùa, được tìm thấy ở nhiều loại động vật. Virus cúm A thường xuyên biến đổi, tạo ra các chủng mới và được biết đến là nguyên nhân gây ra đại dịch cúm có khả năng lây nhiễm cao. Các nhóm cúm A phổ biến hiện nay là H1N1 và H3N2.

– Cúm B tương tự cúm A có thể bùng phát theo mùa, tuy nhiên virus cúm B thay đổi chậm hơn virus cúm A về đặc tính di truyền và kháng nguyên. Ngoài ra virus cúm B chỉ gây bệnh ở người, không phân chia theo loại như cúm A và không gây ra những đợt bùng dịch lớn.

– Cúm C gây ra các triệu chứng hô hấp nhẹ hơn so với 2 loại cúm trên và ít hình thành biến chứng nguy hiểm.

Bệnh phần lớn diễn biến nhẹ và người bệnh có thể tự phục hồi sau 1 tuần và không để lại tác động lâu dài. Tuy nhiên ở những đối tượng như trẻ dưới 5 tuổi, người cao tuổi, người có sức khỏe kém thì cúm có thể gây ra các biến chứng như viêm phổi hoặc bội nhiễm vi khuẩn. viêm não, viêm màng não, nhiễm trùng tai, xoang, viêm cơ, tổn thương đa cơ quan như thận, suy hô hấp và làm trầm trọng các bệnh lý mãn tính sẵn có như suy tim sung huyết, hen suyễn, đái tháo đường. Đặc biệt đối với người lớn tuổi và người mắc bệnh mạn tính, viêm phổi do cúm có thể gây tử vong.

1.2. Vacxin Vaxigrip 0.25 ml

Vacxin Vaxigrip được sản xuất bởi hãng Sanofi Pasteur (Pháp), chứa các chủng virus cúm A (H1N1, H3N2) và B, do đó giúp dự phòng và giảm khả năng mắc bệnh do các loại virus kể trên gây ra. Ngoài thành phần chính là các chủng virus bất hoạt, mỗi lọ vacxin Vaxigrip còn chứa các tá dược như potassium chloride, sodium chloride, potassium dihydrogen phosphate,…

Nhìn chung, các thành phần trong vacxin Vaxigrip không đủ độc lực để gây bệnh cúm, tuy nhiên nó có khả năng kích thích cơ thể sản xuất kháng thể đặc hiệu. Cần lưu ý những virus cúm khác không có trong vacxin vẫn có khả năng gây bệnh ở người đã tiêm Vaxigrip. Sau khi tiêm vacxin Vaxigrip khoảng 2 – 3 tuần thì hiệu quả phòng cúm sẽ đạt mức đảm bảo, tuy nhiên miễn dịch này không tồn tại cả đời mà chỉ kéo dài tối đa 1 năm, tức việc tiêm phòng cần được lặp lại định kỳ.

Vacxin Vaxigrip được chỉ định cho người lớn và trẻ em từ 6 tháng tuổi, đóng gói trong hộp chứa bơm tiêm được nạp sẵn 0.25 ml hỗn dịch tiêm. Sau khi lắc nhẹ, vacxin Vaxigrip có màu trắng đục. Hạn dùng của vacxin trong khoảng 12 tháng kể từ ngày sản xuất, tuyệt đối không sử dụng vacxin hết hạn.

Đặc biệt thận trọng khi bảo quản vacxin:

– Không để đông đá.

– Bảo quản ở nhiệt độ 2 – 8 độ C.

– Để xa tầm tay trẻ em.

– Tránh ánh sáng mặt trời.

vacxin vaxigrip 0.25 ml

Vacxin Vaxigrip được sản xuất bởi hãng Sanofi Pasteur (Pháp).

2. Đối tượng, phác đồ và lưu ý khi sử dụng vacxin Vaxigrip 0.25 ml

2.1. Chỉ định sử dụng vacxin Vaxigrip 0.25 ml

Đối tượng được khuyến cáo tiêm phòng gồm:

– Trẻ em từ 6 – 35 tháng tuổi thực hiện viêm vacxin Vaxigrip 0.25 ml. Chưa xác định được độ an toàn và tính hiệu lực của vacxin cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.

– Trẻ em từ 36 tháng tuổi trở lên và người lớn thực hiện tiêm gấp đôi lượng vacxin Vaxigrip 0.25 ml, tức tiêm liều 0.5 ml.

– Trẻ em dưới 9 tuổi chưa từng bị cúm hoặc chưa từng tiêm phòng cúm thực hiện tiêm 2 mũi, mũi sau cách mũi đầu tối thiểu 1 tháng.

– Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú cần tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu có nhu cầu tiêm phòng.

Khuyến cáo sử dụng vacxin như sau:

– Vacxin Vaxigrip được tiêm bắp hoặc tiêm dưới da sâu.

– Trước khi dùng nên để vacxin trở về nhiệt độ phòng và lắc kỹ đến khi được một hỗn dịch đồng nhất.

– Sát trùng nơi tiêm, tiêm đúng liều với độ tuổi.

tiêm phòng cúm cho trẻ

Trẻ em từ 6 – 35 tháng tuổi thực hiện tiêm vacxin Vaxigrip 0.25 ml.

2.2. Chống chỉ định sử dụng vacxin Vaxigrip và lưu ý trong khi tiêm

Một số đối tượng được khuyến cáo không nên sử dụng vacxin Vaxigrip là:

– Người dị ứng hoặc có phản ứng quá mẫn với bất kỳ thành phần nào trong Vaxigrip bao gồm tá dược và các thành phần như ovalbumin, protein của gà, neomycin,…

– Người đang sốt cao, sốt vừa hoặc bị bệnh cấp tính.

– Cẩn trọng ở người bị giảm tiểu cầu hoặc rối loạn chảy máu.

Một số lưu ý trong quá trình tiêm gồm:

– Không tiêm Vaxigrip vào mạch máu trong bất kỳ trường hợp nào.

– Luôn phải chuẩn bị đầy đủ phương tiện điều trị nội khoa và theo dõi tình hình sức khỏe sau khi tiêm để xử lý kịp thời các trường hợp sốc phản vệ.

– Ngất hoặc bất tỉnh có thể xảy ra do các phản ứng tâm lý với kim tiêm.

– Vacxin Vaxigrip có thể được tiêm cùng lúc với các loại vacxin khác nhưng phải tiêm tại vị trí khác.

vacxin vaxigrip 0.25 ml

Vacxin Vaxigrip có thể được tiêm cùng lúc với các loại vacxin khác nhưng phải tiêm tại vị trí khác.

2.3. Lưu ý

Bệnh cúm được gây ra bởi nhiều chủng virus, có thể lây truyền nhanh chóng và thay đổi hàng năm. Do đó việc tiêm phòng cúm được khuyến khích thực hiện hàng năm. Thời điểm dễ nhiễm bệnh nhất là trong những tháng lạnh cuối – đầu năm, những người chưa tiêm ngừa trong mùa thu thì đến mùa xuân vẫn có thể thực hiện tiêm phòng. Tuy nhiên, nên sử dụng vacxin Vaxigrip theo những khuyến cáo chính thức thay vì tự quyết định.

Bệnh cúm có thể ủ bệnh trong vài ngày, đo đó nếu đã nhiễm bệnh ngay trước hoặc sau khi tiêm vacxin vẫn có thể phát bệnh. Ngoài ra vacxin Vaxigrip không bảo vệ cho người đã tiêm phòng cảm lạnh dù triệu chứng hai bệnh lý này tương tự nhau.

Đáp ứng miễn dịch có thể giảm trong trường hợp bạn đang điều trị ức chế miễn dịch và vacxin không cam kết đảm bảo 100% đối với những người có sức khỏe yếu. Nếu vì bất kỳ lý do gì mà bạn cần làm xét nghiệm máu sau khi tiêm chủng vài ngày, hãy báo với bác sĩ bởi kết quả xét nghiệm có thể dương tính giả.

Sau khi sử dụng vacxin Vaxigrip, một vài tác dụng phụ đã được ghi nhận bao gồm:

– Phản ứng tại chỗ như sưng đỏ, đau hoặc ngứa.

– Phản ứng toàn thân như sốt, run rẩy, đau đầu, mệt mỏi, tăng tiết mồ hôi, đau khớp và cơ, rối loạn tiêu hóa. Những phản ứng này thường nhẹ và tự biến mất sau vài ngày, không cần điều trị.

– Phản ứng ít gặp như sưng hạch cổ, nách, bẹn, nôn ói.

– Phản ứng hiếm gặp như đau dây thần kinh, rối loạn cảm giác, thần kinh và co giật.

Trên đây là những thông tin về bệnh cúm cũng như vacxin Vaxigrip. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tiêm phòng cúm, hãy liên hệ Thu Cúc TCI để được hỗ trợ sớm nhất nhé.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital