Khi bước sang giai đoạn 2, người bệnh ung thư vòm họng có những triệu chứng nào, bệnh đã xâm lấn phát triển đến những đâu và phương pháp nào được sử dụng để điều trị bệnh? Hãy cùng tìm hiểu các thông tin liên quan đến ung thư vòm họng giai đoạn 2 trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Diễn biến ung thư vòm họng ở giai đoạn 2
Giai đoạn 2 của bệnh ung thư vòm họng là thời điểm các tế bào ác tính đã bắt đầu phát triển hơn về kích thước, được gọi là giai đoạn khu trú, và được xác định nếu người bệnh thuộc các trường hợp sau:
– Khối u nằm giới hạn trong vòm họng hoặc có thể đã lan ra phần hầu họng và hoặc khoang mũi nhưng chưa đi xa hơn vùng họng. Hoặc khối u không nằm trong vòm họng nhưng được tìm thấy ở cách hạch vùng cổ và người bệnh dương tính với virus Epstein – Barr. Kèm theo đó là tế bào ung thư đã di căn đến một hoặc nhiều hạch ở một bên cổ hoặc đã lây lan đến các hạch cạnh hầu họng cùng bên và hạch không có chiều ngang quá 6cm.
– Khối u ác tính đã lan đến vùng họng nhưng chưa vượt quá khu vực này, chưa di căn đến các hạch hoặc đã di căn đến các hạch ở một bên cổ, hoặc các hạch ở cạnh hầu họng cùng bên và không có hạch nào >6cm theo chiều ngang.
2. Các biểu hiện lâm sàng thường gặp ở giai đoạn 2 – ung thư vòm họng
Ở giai đoạn 2 khi kích thước khối u đã phát triển, so với giai đoạn đầu thì biểu hiện ung thư vòm họng giai đoạn 2 người bệnh gặp phải đã rõ ràng hơn.
– Xuất hiện triệu chứng thần kinh điển hình nhất là đau đầu, đau nửa đầu, đau sâu trong hốc mắt, đau vùng thái dương. Nghiêm trọng hơn có thể là tê bì vùng miệng và vùng mặt cùng bên đầu bị đau.
– Triệu chứng vùng mũi gồm có: Ngạt mũi cùng với bên đau đầu, lâu dần triệu chứng ngạt mũi xuất hiện liên tục kèm theo mũi chảy nhầy, đôi khi xì mũi sẽ lẫn máu.
– Triệu chứng xuất hiện ở tai: Cảm giác tức khó chịu ở tai, hoặc cảm thấy ù tai, nghe kém xảy ra ở cùng bên tai với bên đầu bị đau.
– Xuất hiện hạch ở cổ, hạch góc hàm, và hạch cũng xuất hiện ở cùng bên với khối u. Hạch ban đầu có kích thước nhỏ sau sẽ to dần lên, cứng hơn, ấn không thấy đau và càng to thì càng hạn chế di động.
3. Tiên lượng và điều trị K vòm họng – giai đoạn 2
3.1 Tiên lượng điều trị đối với ung thư vòm họng ở giai đoạn 2
Trong giai đoạn này, khối u ác tính ở vòm họng bắt đầu phát triển tăng lên về kích thước, các tế bào ung thư cũng theo đó mà gia tăng một cách đáng kể. Tuy nhiên, tế bào ung thư chưa có sự xâm lấn sang các bộ phận khác mà vẫn giới hạn trong thanh quản của người bệnh nên cơ hội có thể điều trị khỏi vẫn được đảm bảo.
Tiên lượng sống trong giai đoạn này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, thể trạng bệnh nhân, mức độ đáp ứng điều trị cũng như lựa chọn phương hướng điều trị của người bệnh. Và tiên lượng sống sau 5 năm của ung thư vòm họng ở giai đoạn 2 là khoảng 73% nếu được điều trị với phác đồ tích cực. Tỷ lệ này không cho biết cụ thể một cá nhân mắc ung thư vòm họng sống được bao lâu, mà để giúp hiểu rõ hơn về khả năng điều trị thành công của bệnh. Ngoài ra con số này cũng sẽ thay đổi tùy thuộc vào những yếu tố kể trên, do vậy lựa chọn đúng phác đồ, kiên trì và tuân thủ hướng dẫn điều trị sẽ mang đến nhiều cơ hội hơn cho bệnh nhân mắc ung thư vòm họng.
3.2 Các phương pháp điều trị ung thư vòm họng ở giai đoạn 2
Đối với bệnh ung thư vòm họng giai đoạn 2 bác sĩ sẽ dựa vào nhiều yếu tố khác nhau để xây dựng phác đồ điều trị thích hợp nhất cho người bệnh.
– Xạ trị đơn thuần là một phương pháp điều trị cho bệnh lý ung thư vòm họng để tiêu diệt các tế bào ung thư ngăn chặn chúng phát triển. Quá trình này sẽ được thực hiện bằng cách chiếu tia năng lượng cao hoặc tia phóng xạ vào vị trí có các tế bào ác tính đang sinh sôi.
– Hóa xạ trị đồng thời là phương pháp được sử dụng nhiều trong điều trị ung thư vòm họng ở giai đoạn hai. Với sự kết hợp này hóa trị sẽ được thực hiện trong cùng khoảng thời gian với xạ trị để tăng hiệu quả của tia xạ lên khối u, giúp kiểm soát chúng triệt để hơn.
– Phẫu thuật không phải là phương pháp điều trị phổ biến cho căn bệnh này bởi vòm họng nằm sâu và gần các cấu trúc thần kinh, mạch máu quan trọng của cơ thể. Vì thế nên phẫu thuật chỉ sử dụng để loại bỏ hạch bạch huyết còn lại sau khi áp dụng các phương pháp điều trị phía trên.
3.3 Theo dõi và chăm sóc sau điều trị
Song song với việc thực hiện theo đúng phác đồ bác sĩ đã chỉ định, để góp phần giúp việc điều trị đạt hiệu quả hơn, bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn 2 cũng cần có chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ chất dinh dưỡng để cơ thể không suy nhược gây gián đoạn quá trình điều trị. Đồng thời, cần hạn chế sử dụng đồ ăn có nhiều dầu mỡ, các chất kích thích, rượu bia, thuốc lá, thức ăn thô cứng, thực phẩm lên men…
Cùng với đó, nên tập các bài thể dục phù hợp với sức khỏe theo hướng dẫn của bác sĩ một cách thường xuyên để nâng cao sức đề kháng, góp phần giúp tinh thần được thoải mái.
Trong quá trình điều trị bệnh nhân có thể gặp các tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần. Tuy nhiên người bệnh cần biết là những tác dụng phụ này sẽ dần mất đi sau khi quá trình điều trị hoàn toàn kết thúc. Và các tác dụng phụ này có thể được cải thiện, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn để chăm sóc bản thân tốt hơn.
Cuối cùng kết thúc quá trình điều trị bệnh nhân cần tái khám đầy đủ theo chỉ định để đánh giá khả năng đáp ứng điều trị, phát hiện sớm các tổn thương tại chỗ hoặc di căn.
Bài viết trên đã cung cấp các thông tin liên quan đến bệnh ung thư vòm họng tiến triển ở giai đoạn 2 như thế nào, các triệu chứng và cách điều trị bệnh. Để ung thư vòm họng ở giai đoạn hai không tiến triển lên đến giai đoạn 3, 4 thì người bệnh cần tuân thủ và theo sát phác đồ điều trị đúng hướng.