Ung thư trực tràng là bệnh ung thư về đường tiêu hóa, thường gặp ở cả 2 giới, nhưng tỷ lệ mắc bệnh ở nam cao hơn nữ. Đây là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 sau ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư gan. Vậy ung thư trực tràng là gì? Triệu chứng và cách điều trị như thế nào sẽ được chúng tôi cung cấp trong bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
Khái niệm ung thư trực tràng là gì?
Trực tràng nằm ở phần cuối của đại tràng, nối với hậu môn, là nơi thực phẩm bị phân rã để tạo ra năng lượng và là nơi đào thải các chất thải đặc của cơ thể qua hậu môn.
Ung thư trực tràng bắt đầu từ trực tràng, do các tế bào đột biến phát triển và xâm lấn đến các tế bào bình thường khác ở trực tràng. Đa số các trường hợp ung thư trực tràng khởi phát từ polyp trực tràng (một dạng tổn thương dưới dạng khối lồi, thường là lành tính nhưng nếu không cắt bỏ thì có thể phát triển thành ung thư).
Ung thư trực tràng gồm có 4 giai đoạn: Ung thư trực tràng giai đoạn 1, ung thư trực tràng giai đoạn 2, ung thư trực tràng giai đoạn 3, ung thư trực tràng giai đoạn 4. Ở mỗi giai đoạn đều có dấu hiệu và diễn biến bệnh khác nhau.
Triệu chứng của ung thư trực tràng
Bệnh ung thư trực tràng thường không có những triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn sớm, chỉ về sau mới có các triệu chứng rõ ràng như đi ngoài ra máu, phân lỏng, phân lẫn máu như máu cá , đau bụng… Ở giai đoạn muộn, triệu chứng này còn đi kèm với các biểu hiện như chán ăn, mệt mỏi, sút cân…
Các triệu chứng của bệnh ung thư đại trực tràng cần lưu ý:
- Thay đổi thói quen đại tiện.
- Tiêu chảy, hay có cảm giác đi ngoài không hết.
- Đi ngoài ra máu (đỏ tươi hoặc đen sẫm).
- Phân có khẩu kính hẹp hơn bình thường.
- Cảm thấy khó chịu khắp bụng (thường bị đau bụng vì trướng hơi, cổ trướng, đầy bụng).
- Giảm cân không rõ nguyên nhân.
- Thường xuyên mệt mỏi.
- Nôn.
Những triệu chứng này không hoàn toàn là dấu hiệu của ung thư trực tràng, tuy nhiên có thể là những biểu hiện đầu tiên của bệnh. Các chuyên gia khuyến cáo mỗi người nếu thấy xuất hiện một trong những triệu chứng trên thì cần đến bệnh viện để được khám, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh.
Điều trị ung thư trực tràng
Các phương pháp điều trị ung thư trực tràng đang được áp dụng nhiều hiện nay là phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị trúng đích.
- Phẫu thuật: Đa số các trường hợp ung thư trực tràng được chỉ định điều trị bằng phẫu thuật. Tùy vào giai đoạn bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật loại bỏ khối u, cắt trực tràng hoặc cắt bỏ những cơ quan lân cận nếu ung thư đã xâm lấn đến (bàng quang, tử cung, tuyến tiền liệt…). Bệnh nhân có thể được đặt hậu môn nhân tạo hoặc ống thông tiểu nhân tạo nếu cần thiết.
- Xạ trị: Xạ trị sử dụng các tia năng lượng cao hoặc chất phóng xạ để điều trị ung thư. Ở giai đoạn sớm, xạ trị thường được thực hiện để thu nhỏ kích thước khối u trước phẫu thuật và tiêu diệt các tế bào ung thư còn lại sau phẫu thuật. Trong khi đó ở giai đoạn muộn, xạ trị có tác dụng làm giảm triệu chứng và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
- Hóa trị: Hóa trị tiêu diệt các tế bào ung thư và ngăn chặn sự phát triển của chúng bằng các loại thuốc chống ung thư (hóa chất). Đây là liệu pháp điều trị toàn thân, có tác dụng đối với tế bào ung thư trên toàn cơ thể nên thường được sử dụng để điều trị ung thư trực tràng ở giai đoạn muộn, khi ung thư đã lan rộng đến các cơ quan khác xa trực tràng. Đối với ung thư trực tràng giai đoạn cuối, hóa trị có thể giúp xoa dịu các triệu chứng và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
- Điều trị trúng đích: Còn gọi là liệu pháp nhắm mục tiêu, cũng sử dụng các loại thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư. Tuy nhiên phương pháp điều trị trúng đích chỉ tác động đến các tế bào ung thư mà không làm ảnh hưởng đến các tế bào bình thường khác nên sẽ có ít tác dụng phụ hơn.
Việc điều trị bằng phương pháp nào cần có sự chỉ định cụ thể của bác sĩ, do đó người bệnh khi được chẩn đoán mắc ung thư trực tràng người bệnh cần nắm rõ khái niệm ung thư đại tràng là gì kèm theo đó là tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, nhằm cải thiện sớm tình trạng sức khỏe.