Ung thư phổi tế bào nhỏ là một dạng bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng hướng. Cùng tìm hiểu chi tiết về căn bệnh này cũng như phương pháp điều trị ung thư phổi trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh ung thư phổi tế bào nhỏ là gì?
1.1 Tổng quan về bệnh ung thư phổi dạng tế bào nhỏ (SCLC)
Ung thư phổi là một căn bệnh ác tính, có mức độ nguy hiểm cao xảy ra khi các tế bào phát triển mạnh mẽ và bất thường không kiểm soát được trong các mô phổi. Theo thời gian sẽ hình thành nên khối u ác tính và có khả năng xâm lấn đến các bộ phận khác trên cơ thể nếu không được thăm khám và phát hiện điều trị kịp thời. Bệnh ung thư phổi được phân loại thành hai dạng chính là ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) và ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC). Hai phân loại bệnh này có tiên lượng sống và cách điều trị khác nhau.
Trong đó ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC) còn được biết đến với tên gọi khác là ung thư phổi biểu mô tế bào nhỏ, chiếm khoảng 15% trong số các bệnh nhân mắc ung thư phổi. Phân loại nhỏ hơn nữa của SCLC gồm có ung thư biểu mô tế bào nhỏ và ung thư biểu mô tế bào nhỏ hỗn hợp.
Những đối tượng người sử dụng thuốc lá trong thời gian dài, mức độ nhiều, người sống trong môi trường ô nhiễm arsenic, asbestos, hydrocarbon, tia phóng xạ… có nguy cơ cao mắc loại bệnh này.
1.2 Đặc tính riêng biệt của SCLC
Đặc điểm của loại ung thư này là có khả năng phát triển nhanh, dễ xâm lấn sang các cơ quan khác, di căn nhanh. Và nếu bệnh nhân đã ở giai đoạn tiến triển thì thường rất khó để có thể điều trị dứt điểm bệnh.
Ở nhiều bệnh nhân, ung thư phổi biểu mô tế bào nhỏ còn tiết ra chất nội tiết thần kinh biệt hóa gây ra hội chứng cận ung thư trên lâm sàng.
Ung thư phổi SCLC nhạy cảm với tác động của điều trị bằng hóa trị và xạ trị. Đồng thời với đặc tính tiến triển di căn nhanh, vậy nên hóa xạ trị đóng vai trò quan trọng trong điều trị loại bệnh này.
2. Các giai đoạn chi tiết của ung thư phổi loại tế bào nhỏ (SCLC)
Ung thư phổi dạng biểu mô tế bào nhỏ được phân loại chỉ thông qua 2 giai đoạn:
– Giai đoạn khu trú: Ung thư mới chỉ xuất hiện ở một bên phổi hoặc có mặt các hạch bạch huyết khu vực trung thất. Tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện trong giai đoạn này rất ít. Đặc biệt ở giai đoạn này thậm chí có nhiều trường hợp bệnh nhân không phát hiện ra ung thư thông qua các xét nghiệm ngay cả khi khối u đã lan ra ngoài vùng ngực.
Ở giai đoạn này tỷ lệ sống sau 5 năm nếu được điều trị tích cực là khoảng 23%.
– Giai đoạn lan tràn: Là thời điểm các tế bào ung thư phát triển mạnh, xâm lấn sang bên phổi còn lại của người bệnh hoặc đã di căn sang bộ phận khác trên cơ thể. Đa số bệnh nhân được phát hiện mắc ung thư phổi tế bào nhỏ trong giai đoạn này. Lúc này ung thư thường có mức độ nghiêm trọng hơn giai đoạn đầu gia tăng, khó có thể loại bỏ được hoàn toàn các khối u ác tính.
Trong trường hợp tế bào ung thư ở người bệnh ung thư phổi dạng tế bào nhỏ đã di căn sang các bộ phận lân cận thì tỷ lệ sống sẽ giảm còn khoảng 14% và khoảng 2% nếu ung thư đã di căn xa.
3. Cách điều trị ung thư phổi thể tế bào nhỏ
3.1 Điều trị ung thư phổi dạng tế bào nhỏ theo từng giai đoạn bệnh
Như theo phân loại phía trên, ung thư phổi SCLC chỉ diễn biến qua hai giai đoạn bệnh. Ở giai đoạn khu trú người bệnh có thể được can thiệp điều trị ban đầu bằng hóa trị kết hợp xạ trị. Sau đó tiếp tục thực hiện điều trị bằng xạ trị để ngăn tế bào ung thư không di căn sang não, giúp người bệnh có cơ hội thoát bệnh.
Ở giai đoạn lan tràn tế bào ung thư đã phát triển rất mạnh mẽ, lúc này việc điều trị trở nên khó khăn, các phương pháp điều trị chủ yếu nhằm giảm nhẹ triệu chứng, kéo dài thêm tuổi thọ cho người bệnh.
3.2 Chi tiết các phương pháp điều trị
Như đã đề cập trong phần đặc tính của SCLC, tế bào ác tính của loại bệnh này nhạy cảm đối với hóa xạ trị, vậy nên sử dụng hóa xạ trị kết hợp là một phương thức điều trị phổ biến. Bên cạnh đó, có thêm các phương pháp điều trị tân tiến khác giúp người bệnh tăng thêm cơ hội sống.
Hóa trị
– Được sử dụng trong tất cả các giai đoạn của ung thư phổi loại tế bào nhỏ. Thuốc hoặc hóa chất được đưa vào cơ thể bệnh nhân, thâm nhập vào trong máu sau đó đi đến phổi và các cơ quan ngoài phổi để tấn công, tiêu diệt và kiểm soát các tế bào ác tính đang phát triển bất thường.
– Việc hóa chất đi đến tất cả các cơ quan theo đường máu để tấn công tế bào ác tính, cũng sẽ có tác động phần nào đến tế bào khỏe mạnh. Vậy nên người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như: Buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn, khô miệng… Các triệu chứng này có thể cải thiện được thông qua một số điều chỉnh trong lối sống và thuốc uống.
– Đặc biệt ở giai đoạn khu trú, hóa trị có thể kết hợp với xạ trị để gia tăng hiệu quả trong điều trị ung thư phổi SCLC.
Xạ trị
Là phương pháp sử dụng tia bức xạ năng lượng cao tập trung vào khu vực phổi có khối u ác tính để tiêu diệt chúng. Trong đó, hình thức xạ trị ngoài là cách điều trị được sử dụng nhiều nhất.
Phương pháp điều trị ung thư phổi có thể được tiến hành một hoặc hai lần mỗi ngày. Một số trường hợp cần thực hiện xạ trị liều cao thì cần tiến hành mỗi ngày một lần. Phác đồ kết hợp xạ trị cùng hóa trị được đánh giá là mang lại hiệu quả cao cho người bệnh. Tùy vào mỗi tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định cách phối kết hợp, thời gian điều trị khác nhau.
Phẫu thuật
Là một phương pháp điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn sớm khi có một khối u khu trú tại phổi, chưa lan sang vị trí khác khỏi vị trí nguyên phát. Sau phẫu thuật bệnh nhân sẽ được đánh giá mức độ tổn thương hạch từ đó chỉ định xạ trị, xạ trị bổ sung.
Liệu pháp miễn dịch
Còn được biết đến là liệu pháp sinh học, nhằm mục đích tăng cường khả năng phòng thủ tự nhiên của cơ thể chống lại sự lan tràn của tế bào ác tính. Liệu pháp miễn dịch có thể được kết hợp với hóa chất sử dụng trong điều trị bước đầu đối với loại ung thư phổi này giai đoạn lan tràn hoặc bệnh nhân ở giai đoạn lan tràn đã thất bại với điều trị bằng hóa chất đơn lẻ.
Phát hiện những bất thường sớm ở phổi sẽ càng gia tăng cơ hội điều trị, nâng cao khả năng sống, ngăn chặn bệnh tiến triển thành giai đoạn cuối. Vì vậy thực hiện tầm soát ung thư phổi định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường này ngay cả khi chưa phát bệnh, giúp việc điều trị kịp thời tránh những đáng tiếc xảy ra.