Cấp cứu:0901793122
English
Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Thucuc | Hệ thống y tế TCI Hospital
Chăm sóc sức khoẻ trọn đời cho bạn
Tổng đài1900558892
Điều cần biết về ung thư hạch bạch huyết giai đoạn cuối

Điều cần biết về ung thư hạch bạch huyết giai đoạn cuối

Chia sẻ:

Ung thư hạch bạch huyết giai đoạn cuối là một trong những chẩn đoán khiến nhiều người lo lắng. Tuy nhiên, với những tiến bộ y học hiện nay, ngay cả ở giai đoạn này, bệnh vẫn có thể được kiểm soát và điều trị để cải thiện chất lượng sống. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn về toàn cảnh, từ dấu hiệu, chẩn đoán đến các phương pháp điều trị và cách chăm sóc bệnh nhân.

1. Ung thư hạch bạch huyết giai đoạn cuối và điều bạn cần biết

1.1. Cơ bản về ung thư hạch bạch huyết

Ung thư hạch bạch huyết (U lympho) là một loại ung thư xuất phát từ các tế bào bạch cầu lympho, phần quan trọng của hệ miễn dịch cơ thể. Các tế bào này lưu thông khắp cơ thể qua hệ thống bạch huyết. Theo số liệu của Globocan 2022, Việt Nam ghi nhận khoảng 613 ca u lympho Hodgkin mới mỗi năm, xếp vào hàng phổ biến ở nước ta.

Ung thư hạch gồm hai loại chính:

– U lympho Hodgkin: Xuất hiện tế bào Reed-Sternberg, những tế bào miễn dịch B trưởng thành đã trở thành ung thư..Khoảng 95% các trường hợp u lympho Hodgkin là u lympho Hodgkin cổ điển (với 4 phân loại), còn lại là u lympho Hodgkin thể nốt chiếm ưu thế lympho.

– U lympho không Hodgkin: Khác với u lympho Hodgkin, u lympho không Hodgkin có thể phát triển từ cả tế bào miễn dịch B hoặc T. Chúng có thể hình thành trong các hạch bạch huyết hoặc các cơ quan khác như dạ dày, ruột và da. Có hơn 90 loại u lympho không Hodgkin, được phân loại theo nhiều cách.

Giống như nhiều loại ung thư khác, ung thư hạch bạch huyết được chia thành bốn giai đoạn, với giai đoạn 4 (giai đoạn cuối) là giai đoạn tiến triển di căn xa.

1.2. Giai đoạn cuối khi ung thư hạch bạch huyết

Khi bệnh nhân bước vào giai đoạn 4 ung thư hạch, tế bào ung thư không còn giới hạn ở hệ bạch huyết mà đã lan đến các cơ quan như phổi, gan, xương tủy hoặc tủy sống. Ung thư hạch là bệnh phát sinh từ lymphocyte, một loại tế bào bạch cầu trong hệ miễn dịch.

Thực tế, nhiều bệnh nhân thường được phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn khi các triệu chứng đã trở nên rõ ràng. Sức khỏe của người bệnh ở giai đoạn này thường suy giảm nhiều, đi kèm với áp lực tâm lý và lo lắng, ảnh hưởng lớn đến việc ăn uống và sinh hoạt.

Ở giai đoạn này, bệnh ở mức nghiêm trọng nhưng vẫn có thể điều trị để kiểm soát triệu chứng và kéo dài tuổi thọ.

ung thư hạch bạch huyết giai đoạn cuối và cách nhận biết
Trong giai đoạn cuối, tế bào ung thư hạch lan mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe

1.3. Tiên lượng sống ung thư hạch bạch huyết giai đoạn cuối

Tỷ lệ sống sót được tính theo khoảng thời gian (thường là 5 năm) sau khi được chẩn đoán. Ước tính, ung thư hạch Hodgkin di căn có tỷ lệ sống 5 năm là khoảng 83%. Với u lympho không Hodgkin, tỷ lệ này trung bình là 74%, nhưng có thể lên tới 85% ở một số thể cụ thể.

Tuy vậy, tiên lượng phụ thuộc vào nhiều yếu tố:

– Loại ung thư (Hodgkin hay không Hodgkin), mức độ xâm lấn, tốc độ phát triển.

– Các dấu hiệu kèm theo như sốt kéo dài, sụt cân nhanh, đổ mồ hôi ban đêm (gọi là “triệu chứng B”).

– Tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe tổng quát và tính đáp ứng với điều trị của người bệnh.

2. Điều cần lưu ý khi ung thư hạch bạch huyết giai đoạn cuối

2.1. Dấu hiệu khi ung thư hạch bạch huyết giai đoạn cuối

U lympho Hodgkin và u lympho không Hodgkin có nhiều triệu chứng tương tự nhau. Một số triệu chứng xuất hiện khi bệnh ảnh hưởng đến các cơ quan nằm ngoài hệ thống bạch huyết, như dạ dày hoặc phổi.

Các dấu hiệu của ung thư hạch bạch huyết giai đoạn 4 có thể bao gồm:

– Phì đại hạch cổ, nách, bẹn kéo dài, không đau.

– Mệt mỏi liên tục, suy nhược nặng.

– Đổ mồ hôi đêm, thường xuyên sốt cao không rõ nguyên nhân.

– Chán ăn, buồn nôn, nôn ói, khiến người bệnh chậm ăn.

– Ho kéo dài, khó thở, đau ngực nếu di căn phổi.

– Đầy bụng, cảm giác no sớm khi khối u lan đến vùng bụng.

– Dễ bị bầm tím, chảy máu chân răng, mũi, phân có màu bất thường.

– Nhiễm khuẩn tái đi tái lại do hệ miễn dịch suy giảm.

Ngoài ra, một nhóm các triệu chứng được gọi là “triệu chứng B” có ý nghĩa quan trọng trong việc phân giai đoạn của cả u lympho Hodgkin và u lympho không Hodgkin. Sự hiện diện của những triệu chứng này thường liên quan đến bệnh ở giai đoạn tiến triển hơn, bao gồm:

– Sụt cân không chủ ý: Giảm hơn 10% trọng lượng cơ thể trong vòng 6 tháng.

– Sốt không rõ nguyên nhân: Sốt từng đợt, không do nhiễm trùng.

– Đổ mồ hôi đêm dữ dội: Ra mồ hôi ướt đẫm vào ban đêm.

phát hiện các dấu hiệu sớm ung thư hạch bạch huyết
Một số triệu chứng xuất hiện khi bệnh ảnh hưởng đến các cơ quan dạ dày hoặc phổi

2.2. Phương pháp điều trị ung thư hạch bạch huyết di căn

Đối với ung thư hạch di căn, phương pháp điều trị chủ yếu là kiểm soát và giảm nhẹ triệu chứng. Các phương pháp phổ biến gồm:

– Hóa trị: Dùng thuốc mạnh để tiêu diệt tế bào ung thư, điển hình như ABVD (với Hodgkin) hoặc R-CHOP (với không Hodgkin).

– Xạ trị: Dùng tia ion hóa để tiêu diệt tế bào ung thư ở những vùng tổn thương cục bộ.

– Liệu pháp miễn dịch hoặc sinh học: Sử dụng hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại ung thư hoặc sử dụng các chất được tạo ra từ các sinh vật sống để điều trị ung thư.

– Ghép tế bào gốc: Sau khi hóa trị liều cao, tế bào gốc (tự thân hoặc hiến tặng) sẽ được truyền lại vào tủy để phục hồi hệ miễn dịch.

Phương pháp phù hợp phụ thuộc vào loại u lympho, mức độ di căn, điều kiện sức khỏe và mong muốn chất lượng cuộc sống.

2.3. Theo dõi và đồng hành cùng người bệnh mỗi ngày

Người bệnh mắc ung thư hạch bạch huyết giai đoạn cuối thường có sức khỏe rất yếu và suy kiệt, do đó, sự hỗ trợ từ người thân đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị và sinh hoạt hàng ngày.

– Theo dõi triệu chứng thường xuyên, khi xuất hiện tình trạng như khó thở, chảy máu, sốt…, cần can thiệp sớm.

– Tuân thủ phác đồ điều trị: Nhắc nhở bệnh nhân uống thuốc đúng giờ, đúng liều và đảm bảo họ tham gia các buổi khám bệnh định kỳ, xét nghiệm theo lịch hẹn của bác sĩ.

– Hỗ trợ dinh dưỡng, sinh hoạt: Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, cân bằng, dễ tiêu hóa để tăng cường sức đề kháng. Khuyến khích ăn thực phẩm giàu chất đạm, vitamin, hạn chế đường và chất béo bão hòa.

– Tâm lý và tinh thần: Cùng tham gia hoạt động nhẹ như thiền, yoga, trò chuyện với chuyên gia tâm lý hoặc người thân để giảm stress.

– Giảm tác dụng phụ của điều trị: Như buồn nôn, đau miệng, mệt mỏi… Có thể dùng thuốc hỗ trợ hoặc thay đổi chế độ sinh hoạt phù hợp.

sự hỗ trợ từ người thân đóng vai trò quan trọng
Người thân cần quan tâm, chia sẻ và động viên bệnh nhân trong giai đoạn khó khăn này.

Ung thư hạch bạch huyết giai đoạn cuối là một thử thách lớn, nhưng không phải là dấu chấm hết. Với sự tiến bộ của y học hiện đại, nhiều phương pháp điều trị mới và hiệu quả đã và đang mang lại hy vọng đáng kể cho người bệnh. Hãy luôn giữ vững tinh thần lạc quan và tham khảo ý kiến từ các bác sĩ uy tín để chăm sóc tốt nhất cho bản thân hoặc người thân của bạn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Liên hệ ngay: 0936388288 để được tư vấn chi tiết!

Middle2 – Banner Ung bướu
1900558892
zaloChat