Ung thư mí mắt là một dạng ung thư tương đối hiếm gặp. Bệnh xảy ra khiến mắt người bệnh vô cùng khó chịu. Trong nhiều trường hợp có thể dẫn đến các vấn đề nguy hiểm đe dọa sức khỏe và tính mạng. Vậy, triệu chứng ung thư mí mắt là gì và làm sao để điều trị? Để giúp bạn đọc hiểu hơn về bệnh lý này, hãy cùng Thu Cúc TCI tìm hiểu ngay thông qua bài viết dưới đây nhé!
Menu xem nhanh:
1. Ung thư mí mắt là gì?
Ung thư mí mắt là một thuật ngữ chung mô tả loại ung thư xảy ra trên hoặc trong mí mắt. Khối u mí mắt có thể bắt đầu từ tuyến bã nhờn hoặc tuyến mồ hôi. Bệnh thường được chẩn đoán ở người lớn từ 50 đến 80 tuổi.
Nguyên nhân gây ung thư mí mắt chưa được xác định rõ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, các yếu tố nguy cơ gây bệnh là tia tử ngoại, một số hóa chất như các chất chiết xuất từ dầu mỏ, nhựa đường, xăng, các muối arsenic,… Ung thư mi có nhiều loại khác nhau về nguồn gốc mô học nên triệu chứng và độ ác tính khác nhau. Do đó, tiên lượng và phương pháp điều trị cũng khác nhau. Hai loại ung thư mi mắt hay gặp nhất là ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tuyến bã.
2. Triệu chứng ung thư mí mắt
Tùy vào loại ung thư, giai đoạn bệnh mà các triệu chứng của ung thư mí mắt có thể khác nhau. Dưới đây là một số triệu chứng ở giai đoạn tiến triển:
– Loét ở vùng da mí, bờ xung quanh mí nổi gồ đen. Tình trạng này thường lâu lành mặc dù đã được điều trị, hoặc có thể tạm khỏi rồi lại tái phát (thường nghĩ đến ung thư biểu mô tế bào đáy).
– Nổi cục ở da mí, có thể có loét hoặc không loét, có sắc tố hoặc màu trắng nhợt, có giãn mạch.
– Da mi cứng như “tờ bìa”, ranh giới với vùng xung quanh không rõ.
– Nốt ruồi thay đổi bất thường, to nhanh, ngứa, thay đổi màu sắc hoặc loét rỉ máu. Trường hợp này thường phải nghĩ đến u hắc tố ác tính.
– Đôi khi, bệnh biểu hiện như một “chắp” tồn tại dai dẳng, tái đi tái lại nhiều lần. Hoặc đôi khi là chắp một lần nhưng làm loét kết mạc mi (mặt trong của mi). Trường hợp này cần nghĩ đến một ung thư biểu mô tuyến bã.
– Các trường hợp u lympho ác tính ở mi mắt thường làm cho mi dày lên mà không gây loét da mi cũng như không gây loét kết mạc mi.
Để chẩn đoán xác định, người bệnh cần được làm sinh thiết. Theo đó, bác sĩ sẽ cắt một mẩu nhỏ mô vùng tổn thương để làm xét nghiệm giải phẫu. Riêng đối với các trường hợp nghi ngờ u hắc tố ác tính, vì tính chất bệnh dễ di căn nên tốt nhất là phẫu thuật lấy bỏ rộng tổn thương để chẩn đoán và điều trị luôn.
3. Phương pháp điều trị ung thư mí mắt
Ung thư mí mắt có thể gây ra các vấn đề nguy hiểm đe dọa sức khỏe và tính mạng. Do vậy, cần chú ý để nhận biết các dấu hiệu bất thường kịp thời. Khi nhận thấy các triệu chứng ung thư, bạn cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán. Tùy từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất để giúp kiểm soát bệnh.
– Phẫu thuật cắt bỏ khối u là phương pháp hiệu quả nhất trong điều trị ung thư mi mắt. Một số trường hợp như ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy nếu được phát hiện sớm có thể chữa khỏi bằng phương pháp phẫu thuật cắt hết toàn bộ khối ung thư.
– Điều trị bằng hóa chất với trường hợp u lympho ác tính, hoặc phối hợp với phẫu thuật để điều trị ung thư biểu mô tuyến bã, ung thư biểu mô tế bào vảy và u hắc tố ác tính khi u ở giai đoạn lan rộng hoặc di căn.
– Điều trị bằng tia xạ thường áp dụng với các ung thư mi có một số hạn chế. VD: khó che chắn để bảo vệ nhãn cầu; ung thư mi không nhạy cảm với tia như ung thư biểu mô tế bào vảy;…
– Phương pháp lạnh đông thường ít được sử dụng do tỷ lệ tái phát cao. Ngoài ra, phương pháp này có thể gây ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ (gây mất sắc tố da, teo mô,…). Nếu dùng thường chỉ áp dụng cho các trường hợp ung thư biểu mô tế bào đáy.
4. Làm sao để phòng ngừa ung thư mí mắt?
Dù là bệnh hiếm gặp, tuy nhiên các biện pháp phòng tránh ung thư mí mắt vẫn được rất nhiều người quan tâm. Đặc biệt là người ở trong độ tuổi từ 50 đến 80 tuổi. Vậy, làm sao để phòng tránh bệnh?
Để phòng bệnh ung thư mi mắt, điều cơ bản nhất là hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Đặc biệt, nên tránh đi ra ngoài trời nắng trong khoảng thời gian từ 10h đến 14h. Nguyên nhân là bởi đây là khoảng thời gian có nhiều tia tử ngoại nhất trong ngày.
Nếu phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, bạn hãy có các biện pháp che chắn để bảo vệ mắt. VD: đội mũ rộng vành, mặc áo chống nắng, đeo kính râm hoặc dùng khăn che mặt,… Trong điều kiện làm việc phải tiếp xúc nhiều với hóa chất thì cần có quần áo bảo hộ, kính bảo hộ,…
Đặc biệt, nếu có các triệu chứng bất thường ở mắt thì cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa mắt hoặc ung bướu để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. VD: cục u bất thường ở mi mắt, vết loét trên da mi lâu lành, nốt ruồi tự nhiên to nhanh và đổi màu, “chắp” dai dẳng,…
Như vậy, trên đây là những chia sẻ về các triệu chứng ung thư mí mắt và các phương pháp điều trị mà chúng tôi muốn gửi đến bạn. Thông qua bài viết, chắc hẳn bạn đọc đã có thêm cho mình nhưng thông tin hữu ích. Để được giải đáp các thắc mắc về bệnh lý ở mắt, hãy liên hệ với chúng tôi ngay và nhận tư vấn nhé!