U mi mắt là tình trạng có khối u lành tính hoặc ác tính xuất phát ở mi mắt. Nó không chỉ ảnh hưởng tới thẩm mỹ mà còn gây cản trở tầm nhìn của mắt, ảnh hưởng cả tới chức năng của mi. U mi mắt được chia thành rất nhiều phân loại dựa vào nguồn gốc và đặc điểm hình thành nên chúng.
Menu xem nhanh:
1. U mi mắt có nguồn gốc biểu mô
1.1 U mi mắt có nguồn gốc biểu mô lành tính
– U nhú: U có dạng nhiều thùy như bắp cải, mỗi thùy đó đều chứa một lõi mạch máu ở trung tâm. U nhú mi mắt thường phát triển từ những tổn thương như: mụn cơm, dày sừng bã, dày sừng quang hóa.
– U sừng – gai: U sừng – gai mi mắt là loại u lành hoạt tính, phát triển nhanh trong 6-8 tuần. U có dạng là một khối da gần như hình tròn, nhô lên và chứa một lõm keratin ở trung tâm, không có loạn sản.
– Dày sừng do tăng tiết bã nhờn: U có hình khuy áo nổi trên mặt da mi mắt, bề mặt màu nâu nhạt và có tiết ra chất dầu nhờn. Thường u sẽ không có viêm trừ khi phải chịu kích thích cơ học hoặc chấn thương. Loại u này dễ bị nhầm lẫn với tổn thương tiền ác tính là tình trạng dày sừng quang hóa.
– Dày sừng nhú lộn ngược: Đây là một loại tăng sản giả u biểu mô với bản chất là tình trạng dày sừng bã nhờn bị viêm và bị kích thích. Khối u thường có xu hướng nhú lên, những chỗ bề mặt lõm thường là nang lông.
– U nang: Là những khối biểu bì tròn, nhẵn, bao gồm một vòng tế bào gai bao quanh lấy các mảnh tế bào và keratin và có nhiều dạng như dạng biểu bì, vùi biểu bì, bã nhờn.
– U mềm lây: Là những nốt nổi, bề mặt nhẵn, có một lõm ở trung tâm, thường nhỏ và ít viêm hơn u sừng – gai.
– Mụn cơm: Đây là tổn thương tăng sừng hóa dạng u nhú ở da, thường không có biểu hiện triệu chứng gì.
1.2 U mi mắt có nguồn gốc biểu mô tiền ác tính
– Dày sừng quang hóa (do lão hóa tự nhiên hoặc do ánh sáng mặt trời): Đây là những tổn thương có tăng sừng hóa, lớp gai dày và di sản, thường xuất hiện ở những vùng da hở của người lớn tuổi phơi nắng quá nhiều trong thời gian dài.
Dày sừng quang hóa thường có viêm mạn tính ở chân bì và có nhiều tổn thương. Khối u là tiền triệu chứng của carcinoma tế bào gai. Có khoảng 25% bệnh nhân bị dày sừng quang hóa xuất hiện carcinoma tế bào gai ở 1 hoặc nhiều tổn thương này.
– Khô da sắc tố: Đây là bệnh di truyền lặn đặc trưng bởi sự tổn hại khả năng sửa chữa DNA do ánh nắng gây ra. Khởi đầu thường xuất hiện những vùng tăng sắc tố, teo và giãn mao mạch. Về sau hình thành nhiều khối u da, bao gồm cả carcinoma tế bào gai, tế bào đáy và u hắc tố.
1.3 U mi mắt có nguồn gốc biểu mô ác tính
– Carcinoma tế bào đáy: Đây là u ác tính thường gặp nhất tại mi mắt, đặc biệt là vùng quanh hốc mắt. Khối u xuất phát là một vết loét nhỏ, cứng, có bờ loét nối cao, tăng sừng hóa. U phát triển chậm nhưng có thể đạt kích thước rất lớn.
Loại u này xâm lấn dần và hủy hoại tại chỗ nhưng hiếm khi di căn. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và xử trí đúng cách, chúng có thể xâm lấn rộng dưới da, xương thậm chí tới cả não. Ranh giới khối u sâu và vùng ngoại vi khó phân định nên có thể xảy ra tình trạng không cắt hết, dẫn đến tái phát.
– Carcinoma tế bào gai: Loại u này chiếm 5% số u ác tính ở mi mắt, có liên quan trực tiếp đến sự tiếp xúc lâu dài với ánh nắng. Bệnh thường gặp ở mi trên, phát triền chậm, nhưng cuối cùng có thể di căn vào hạch lympho khu vực hoặc vị trí và nội tạng xa.
2. Các loại u tuyến và u tại phần phụ cận:
– Carcinoma và u lành tuyến bã: Tình trạng tăng sản và u tuyến bã thường hay xảy ra ở tuyến Meibomius nhưng ít gặp hơn carcinoma tuyến bã. Các u này thường bị nhầm thành viêm mi – kết mạc mạn tính hoặc chắp mắt tái phát.
Đáng lưu ý là carcinoma tuyến bã thường khởi đầu ở mi mắt nhiều hơn những vị trí khác và rất ác tính,tỉ lệ tử vong do di căn ít nhất 20% dù đã được điều trị.
– Carcinoma và u lành tuyến mồ hôi: u lành tại tuyến mồ hôi của mi mắt khá phổ biến và được phân loại dựa theo mô bệnh học và mức độ biệt hóa của u. Ngược lại, Carcinoma tuyến mồ hôi rất hiếm gặp, thường có nguồn gốc từ tuyến ngoại tiết hoặc bán hủy.
– Các u tại nang lông: Đây là loại u lành tính xuất phát từ các tế bào nang lông. Nó có dạng nốt, bề mặt nhẵn, có nhiều nang keratin được bao quanh bởi tế bào đáy.
3. Các u mi mắt có nguồn gốc ngoại bì thần kinh
3.1 Tổn thương sắc tố lành tính
– Vết tàn nhang: Chấm nhỏ, phẳng, màu nâu, xuất hiện do tăng sắc tố ở lớp đáy biểu bì.
– Nốt ruồi: Là những nốt giả u bẩm sinh với những ổ tế bào hắc tố đã bị biến đổi. Nốt ruồi thường có màu nhạt, hoặc k rõ nét ở trẻ nhỏ.
– U hắc tố: U hắc tố của da nguyên phát tại mi mắt hiếm gặp hơn tại những vị trí khác. U hắc tố có thể phát sinh từ nốt ruồi nhưng sự phát triển của khối u cũng có thể nhanh và lớn đến mức che khuất nốt ruồi bên dưới.
– Nốt ruồi ác tính: Loại nốt ruồi này thường có sắc đỏ, hay xuất hiện trên mặt bệnh nhân cao tuổi và có thể ảnh hưởng bởi sự phơi nắng. Những tổn thương tiền ác tính này có mức độ sắc tố đa dạng, viền nốt không đều, lan rộng và có sự thoái triển theo từng đợt.
3.2 Các u thần kinh
– U xơ thần kinh: Đây là bệnh di truyền trội có đặc điểm quan trọng là nhiều khối u da làm mi mắt to ra và biến dạng nhiều.
– U bao Schwann: Là u bao thần kinh mi mắt lành tính khá hiếm gặp, xuất hiện đơn độc và thường có vỏ bao bọc.
4. Các u mạch tại mi mắt
– U mạch mao mạch: Loại u mi mắt này lành tính và xuất hiện ngay từ khi sinh ra. U này thường to ra trong 18 tháng đầu sau đó thoái triển trong vòng 5-8 năm.
– U mạch hang: gồm những mạch máu giãn to, ít khả năng tự thoái triển.
– U tế bào nội mạc và ngoại mạc: Đây là dạng tăng sinh lành tính của các tế bào nội mạc, ngoại mạc của mạch máu. Chúng có khả năng chuyển thành u ác tính nhưng rất hiếm xảy ra.
– U bạch mạch: loại u này chủ yếu xuất hiện ở hốc mắt nhưng cũng có thể gặp ở mi mắt.
– U hạt ác tính (còn gọi là Sarcoma Kaposi): u bao gồm nhiều mao mạch, tế bào nội mạc, tế bào dạng nguyên bào sợi. U này thường gặp ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch và có khả năng lây qua đường tình dục.
5. Các u vàng tại mi mắt
– Ban vàng: Đây là dạng u mô bào lành tính, có dạng là một mảng màu vàng nằm ngay dưới biểu bì tại mi mắt. Bệnh thường gặp ở nữ giới, hầu hết là ở vùng góc trong tại mi trên và mi dưới, không có tình trạng viêm.
– U vàng xơ mi mắt: dạng u này tương tự ban vàng nhưng trong tổ chức u chứa nhiều mô xơ, có viêm và ít biến đổi thành ác tính.
– Bệnh mô bào huyết: Bệnh rất hiếm gặp, có biểu hiện là những ổ tổn thương nhỏ tại mi mắt, tương tự u hạt vàng xảy ra ở người trẻ.
– U hạt vàng mi mắt ở người trẻ: Đây là những khối u lành tính, xảy ra ở cả trẻ em. U có thể xảy ra ở mống mắt, mi mắt và hốc mắt và có hình dạng tròn, nhẵn, màu vàng cam.
6. Những tổn thương viêm
– Lẹo mắt: Đây là tình trạng thường gặp với biểu hiện là những nốt viêm mủ cấp tính ở mi mắt. Nguyên nhân hầu hết là do nhiễm tụ cầu vàng.
– Chắp mắt: Loại u hạt mạn tính này thường bị nhầm lẫn với lẹo mắt. Nó xuất phát từ tuyến Zeis hoặc tuyến Meibomius tại mắt bị bít tắc. Tổn thương có thể sẽ tiêu đi sau nhiều ngày, nhiều tháng và để lại mô sẹo nhỏ tại vị trí đó.
– U hạt sinh mủ: Có dạng khối gồ lên màu đỏ như thịt bò, có cuống. U xuất phát từ da hoặc niêm mạc mắt, gồm kết mạc, tiết tố mủ hoặc nhày mủ tại mắt. U hạt này có thể được cắt bỏ, tự mất đi do tróc hoặc tự thu nhỏ dần.
– Bệnh Sarcoit: Bệnh xảy ra ở mi mắt, kết mạc mắt và mô nội nhãn. Là dạng u hạt riêng rẽ, không sinh bã đậu.
Trên đây là những dạng u tại vùng mắt thường gặp với các mức độ và biểu hiện khác nhau. Để phát hiện và chẩn đoán chính xác tình trạng u mi mắt nổi bất thường là lành tính hay ác tính và phương pháp điều trị ra sao, người bệnh nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được thăm khám và điều trị sớm, tránh kéo dài gây nhiều biến chứng.