U diệp thể là khối u hiếm ở vú, chỉ chiếm 1% trong tổng số các khối u ở vú. U diệp thể bao gồm các dạng lành tính, ác tính, và nằm giữa ranh giới lành và ác tính. Dù là loại nào, u diệp thể có xu hướng phát triển nhanh chóng, và đều cần điều trị.
Theo tiếng Hy Lạp, diệp thể có nghĩa là giống hình lá, đề cập đến việc các tế bào khối u phát triển trong một mô hình giống như chiếc lá. Khối u diệp thể có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng có xu hướng phát triển ở phụ nữ trên 40. Mặc dù hầu hết các khối u diệp thể là lành tính (không phải ung thư), nhưng có một số trường hợp là ác tính (ung thư) và một số trường hợp nằm giữa ranh giới lành tính và ác tính.
Không giống như ung thư vú được gọi là ung thư biểu mô, phát triển bên trong ống dẫn (ống mang sữa) hoặc thùy (tuyến sản xuất sữa) của vú, các khối u diệp thể bắt đầu bên ngoài các ống dẫn sữa và thùy. Khối u diệp thể phát triển trong mô liên kết của vú, được gọi là mô đệm. Các mô đệm bao gồm các mô mỡ và dây chằng bao quanh các ống dẫn, thùy, máu và các mạch bạch huyết ở vú.
Menu xem nhanh:
1. Các triệu chứng của u diệp thể
Triệu chứng phổ biến nhất là có một khối u trong vú bạn có thể cảm thấy, sờ thấy khi kiểm tra vú tại nhà hoặc khám lâm sàng với bác sĩ. Khối u diệp thể ở vú có xu hướng phát triển nhanh chóng trong khoảng thời gian vài tuần hoặc vài tháng, với kích thước 2-3 cm hoặc đôi khi lớn hơn.
Sự tăng trưởng nhanh này không có nghĩa là khối u diệp thể là ác tính, bởi các khối u lành tính cũng có thể phát triển nhanh chóng. U diệp thể thường không đau. Nếu không được phát hiện, khối u có thể phình to ra, đẩy vào da. Trong các trường hợp muộn hơn – dù là lành tính, khối u giữa ranh giới hoặc ác tính, khối u diệp thể có thể gây loét hoặc vết thương hở trên da vú.
2. Chẩn đoán khối u diệp thể
Giống như các loại u vú hiếm gặp khác, khối u diệp thể có thể khó chẩn đoán vì ít người gặp phải. Khối u diệp thể vú cũng có thể trông giống như bệnh u xơ hóa – một điều kiện lành tính của vú rất thường gặp.
Khác biệt lớn nhất giữa u xơ hóa và u diệp thể là các khối u diệp thể có xu hướng phát triển nhanh hơn, và thường gặp ở người trên 40 tuổi. Trong khi đó, u xơ vú thường gặp ở phụ nữ trẻ hơn, độ tuổi 30. Chính sự khác biệt này có thể giúp bác sĩ phân biệt.
Chẩn đoán khối u diệp thể có thể bao gồm các biện pháp sau đây:
- Khám lâm sàng: Bác sĩ có thể sờ thấy khối u trong vú, hoặc bệnh nhân tự phát hiện ra khi tự khám vú tại nhà.
- Chụp quang tuyến vú: Trên phim chụp X-quang tuyến vú, khối u diệp thể xuất hiện dưới dạng hình tròn lớn hoặc hình bầu dục với các cạnh rõ ràng. Bác sĩ có thể yêu cầu làm thêm xét nghiệm bổ sung để xác nhận rằng đó là khối u diệp thể, từ đó lên phác đồ điều trị phù hợp nhất.
- Siêu âm vú: để quan sát hình dạng và tính chất của khối u.
- Chụp MRI để có quan sát chi tiết hơn hình ảnh của khối u và lên kế hoạch phẫu thuật.
- Sinh thiết lấy mẫu khối u để kiểm tra dưới kính hiển vi: Mặc dù chẩn đoán hình ảnh rất hữu ích trong việc phát hiện vị trí, kích thước, tính chất khối u, nhưng sinh thiết là cách duy nhất để biết sự tăng trưởng này có phải là khối u diệp thể hay không.
Sinh thiết gồm 2 loại:
- Sinh thiết kim lõi, sử dụng một kim rỗng đặc biệt để lấy mẫu của khối u qua da
- Sinh thiết cắt bỏ, loại bỏ toàn bộ khối u
Một số chuyên gia tin rằng tốt hơn là nên sử dụng sinh thiết cắt bỏ nếu nghi ngờ khối u diệp thể. Kiểm tra toàn bộ khối u sẽ giúp chẩn đoán chính xác hơn là sinh thiết bằng kim lõi với số lượng mô ít hơn. Nếu như xác định đó là khối u diệp thể, bác sĩ sẽ phân loại xem khối u là lành tính, ác tính hay ranh giới giữa lành và ác tính. Trong khối u lành tính:
- Các cạnh được xác định rõ
- Các tế bào không phân chia nhanh chóng
- Các tế bào mô đệm (tế bào mô liên kết) trông vẫn giống tế bào bình thường
- Không có sự phát triển quá mức của các tế bào mô đệm
Trong khối u ác tính:
- Các cạnh không được xác định rõ
- Các tế bào đang phân chia nhanh chóng
- Các tế bào hình dạng có vẻ ngoài bất thường
- Có một sự phát triển quá mức của các tế bào mô đệm
Các khối u diệp thể nằm giữa ranh giới lành và ác có các đặc điểm của cả 2 loại trên.
3. Điều trị khối u diệp thể vú
Khối u lành tính thường khiến mọi người nghĩ rằng vô hại và không cần điều trị. Tuy nhiên, khối u diệp thể lành tính cũng giống như khối u ác tính, có thể phát triển to lớn về kích thước, tạo ra một khối u có thể nhìn thấy trên ngực và thậm chí xuyên qua da, gây đau và khó chịu. Đây là lý do tại sao cả hai khối u lành tính và ác tính đều cần điều trị. Sự khác biệt chính giữa chúng là các khối u ác tính có thể tái phát nhanh hơn và có khả năng tái phát nhiều hơn bên ngoài vú.
Các phương pháp phẫu thuật điều trị u diệp thể:
Cắt bỏ khối u: Bác sĩ phẫu thuật cắt khối u diệp thể và ít nhất 1 cm mô bình thường xung quanh.
Nếu khối u diệp thể to, hoặc vú nhỏ, việc phẫu thuật cắt bỏ rộng và bảo tồn mô vú khỏe mạnh để trông tự nhiên là khá khó khăn. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể đề nghị giải phẫu thuật cắt bỏ cả vú:
Cắt bỏ vú một phần hoặc phân đoạn: Bác sĩ giải phẫu loại bỏ phần vú có chứa khối u diệp thể.
Cắt bỏ toàn bộ hoặc 1 bên vú: Bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vú, nhưng không loại bỏ hạch hoặc cơ bắp. Những trường hợp không muốn giải phẫu cả vú thì cũng có thể cắt bỏ một phần, tuy nhiên nếu như lề nhỏ hơn 1cm sẽ làm tăng nguy cơ tái phát sau này. Chính vì thế, bệnh nhân và bác sĩ cần trao đổi kỹ về các rủi ro có thể xảy ra.
Khối u diệp thể hiếm khi lan đến các hạch bạch huyết nách, vì vậy trong nhiều trường hợp có thể không cần thiết để loại bỏ hạch nách.
U diệp thể hiếm khi là ác tính. Nếu có, nó cũng không lan ra ngoài vú và bức xạ có thể là phương pháp điều trị u diệp thể trong trường hợp này. Nhưng nếu như u ác tính lan ra bộ phận khác của cơ thể thì phương pháp điều trị trường sẽ là hóa trị.
Để được tư vấn thêm về phương pháp điều trị u diệp thể, bạn vui lòng liên hệ tổng đài 1900 55 88 92/ hotline: 0936 388 288.