Chăm sóc khi ra viện sau phẫu thuật đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hồi phục của người bệnh. Tuy nhiên không phải ai cũng biết rõ nên nghỉ ngơi, sắp xếp và điều chỉnh sinh hoạt như thế nào để phù hợp nhất với tình trạng cơ thể hiện tại. Đặc biệt với những trường hợp không có người thân hỗ trợ, việc tự chăm sóc bản thân sẽ gặp nhiều khó khăn.
Sau đây là một số câu hỏi về vấn đề này và giải đáp từ bác sĩ:
Menu xem nhanh:
Có nên sắp xếp lại nhà cửa không?
Điều này còn tùy thuộc vào loại phẫu thuật mà bạn vừa trải qua. Nếu là phẫu thuật phức tạp như phẫu thuật thay khớp gối hay phẫu thuật cắt dạ dày, bạn nên cố gắng thu xếp:
- Ngủ, nghỉ ngơi ở vị trí thuận lợi cho di chuyển: trường hợp người bệnh không thể leo lên, leo xuống cầu thang sau phẫu thuật hãy thay đổi vị trí ngủ. Thay vì ngủ ở tầng cao hãy chọn ngủ ở tầng trệt tạm thời trong khoảng thời gian chờ cơ thể phục hồi.
- Trước khi nhập viện điều trị, nên nhờ người thân và bạn bè di chuyển giường vào vị trí phù hợp cho di chuyển sau này.
- Tích trữ thức ăn: nếu không có sự hỗ trợ của người nhà, nên chuẩn bị đồ ăn sẵn, bảo quản cẩn thận để đảm bảo chắc chắn có đủ đồ ăn, thức uống ngay sau khi phẫu thuật về nhà.
- Trang thiết bị: với một số loại phẫu thuật, người bệnh cần có thiết bị đặc biệt ở nhà. Chuẩn bị trước nếu bác sĩ thông báo rằng cần có bình dưỡng khí, ghế tắm… để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.
Làm thế nào để tránh bị vấp ngã?
Người bệnh thường có xu hướng bị chóng mặt vì phải tạm ngừng ăn uống để chuẩn bị cho phẫu thuật trước đó và nằm trên giường quá lâu nên dễ bị choáng váng gây ngã. Nhiều trường hợp có thể cần tới nạng hoặc khung tập đi để giảm nguy cơ bị ngã.
Để tránh vấp ngã không đáng có sau phẫu thuật nên:
- Ngủ ở vị trí gần phòng tắm, nhà vệ sinh hoặc tốt nhất là có nhà vệ sinh bên trong phòng.
- Sắp xếp đồ đạc gọn gàng.
- Sử dụng đèn ngủ vào ban đêm.
- Mang giày, dép bệt và có độ bám tốt.
Khi nào bạn có thể trở lại sinh hoạt bình thường sau phẫu thuật?
- Lái xe: không nên lái xe ít nhất là 24 giờ sau phẫu thuật. Bạn phải chờ cho tới khi thuốc gây mê hết tác dụng. Với một số loại phẫu thuật, người bệnh tốt nhất chỉ nên lái xe khi sức khỏe đã ổn định hoàn toàn.
- Du lịch: những trường hợp phẫu thuật về mắt nên hạn chế di chuyển bằng máy bay. Sự thay đổi áp suất trên máy bay có thể ảnh hưởng xấu tới mắt.
- Quan hệ tình dục: bạn có thể tận hưởng cuộc sống tình yêu ngay sau khi phẫu thuật hay không còn tùy thuộc vào loại phẫu thuật. Ví dụ nếu phẫu thuật thoát vị bẹn hoặc phẫu thuật trong khu vực vùng xương chậu, bạn nên chờ ít nhất là 2 – 3 tuần.
- Công việc: nên hỏi ý kiến của bác sĩ để biết thời điểm nào sau phẫu thuật có thể trở lại làm việc. Lưu ý ngay cả khi đã quay lại với công việc bình thường nhưng vẫn phải hết sức cẩn thận. Tốt nhất không nên ngồi một chỗ quá lâu sẽ làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
Các dấu hiệu bất thường sau phẫu thuật cần lưu ý?
Bất cứ loại phẫu thuật nào cũng đều tồn tại những yếu tố nguy cơ nhất định. Phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường giúp người bệnh tránh được một số vấn đề nghiêm trọng.
Một số dấu hiệu bất thường sau phẫu thuật cần lưu ý:
- Sốt, đặc biệt nếu sốt kéo dài hơn 1 ngày hoặc sốt cao hơn 38 độ C.
- Đau trở nên tồi tệ dần theo thời gian.
- Đau khi đi tiểu.
- Buồn nôn và ói mửa.
- Tim đập nhanh.