Sỏi bàng quang là một bệnh lý xảy ra ở nam giới nhiều hơn nữ giới, gây ra triệu chứng đau bụng dưới cho người bệnh khi có sỏi. Triệu chứng đau sỏi bàng quang gây ra không ít những khó khăn, làm gián đoạn cuộc sống sinh hoạt và làm việc. Kết hợp đau bụng dưới cùng những triệu chứng khác của sỏi bàng quang nếu để lâu ngày sẽ có thể gây hại cho sức khỏe. Vì thế cách loại bỏ cơn đau hiệu quả là tiêu diệt viên sỏi đang hiện hữu trong bàng quang.
Menu xem nhanh:
1. Sỏi bàng quang và nguyên nhân hình thành
Sỏi bàng quang là một loại sỏi có mức độ phổ biến thứ hai trong các dạng sỏi đường tiết niệu. Sỏi được hình thành do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do hai nguyên nhân chính sau đây:
– Nguyên nhân do sỏi từ đường tiết niệu phía trên rơi xuống đó là sỏi thận, sỏi niệu quản. Các loại sỏi này không tiếp tục di chuyển xuống niệu đạo ra ngoài mà kẹt lại bàng quang.
– Nguyên nhân do các bệnh lý gây tắc nghẽn, ứ đọng nước tiểu dẫn đến cặn lắng kết tinh hình thành sỏi: Sang bàng quang ở nữ giới, phì đại tiền liệt tuyến ở nam giới, hội chứng bàng quang thần kinh, hẹp niệu đạo…
2. Triệu chứng đau do sỏi bàng quang và cách giải quyết
2.1 Biểu hiện của triệu chứng đau sỏi bàng quang
Khi sỏi đạt được kích thước lớn không thể đi ra khỏi cổ bàng quang, kẹt tại bàng quang, sẽ di chuyển qua lại khi người bệnh vận động, dẫn đến tác động vào niêm mạc bàng quang. Chính sự tác động liên tục sẽ khiến người bệnh cảm thấy đau âm ỉ, đau tức hoặc đau dữ dội khu vực bụng dưới tùy vào mỗi người. Cơn đau có thể lan xuống bộ phận sinh dục ở nam giới.
Bên cạnh triệu chứng đau vùng bụng dưới người bệnh có thể gặp kèm theo các triệu chứng đau khi đi tiểu, tiểu khó, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu nhiều lần, tiểu không hết nước hoặc tiểu lẫn máu. Các triệu chứng này xuất hiện cũng là do sỏi kẹt dẫn đến sự lưu thông của nước tiểu ra bên ngoài bị ảnh hưởng.
Nhìn chung triệu chứng đau do sỏi bàng quang gây nên có thể có hoặc không xuất hiện tùy vào từng người bệnh. Đồng thời mỗi bệnh nhân cũng sẽ cảm nhận mức độ, tần suất của cơn đau tác động là khác nhau.
2.2 Những ảnh hưởng của triệu chứng sỏi bàng quang đến sức khỏe của người bệnh
Nếu người bệnh liên tục chịu những cơn đau và những triệu chứng của sỏi bàng quang gây ra thì có thể người bệnh đã bỏ qua dấu hiệu nhận biết bệnh, tiếp tục để sỏi phát triển. Đồng thời rất có thể sẽ phải đối mặt với những hệ lụy cho sức khỏe như:
– Trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống, người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, bực bội trong người vì các triệu chứng đeo bám liên tục không dứt. Từ đó ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt, lao động và làm việc.
– Khi sỏi phát triển đến kích thước lớn có thể gây viêm bàng quang bởi sỏi to, cạnh sắc nhọn sẽ làm tổn thương niêm mạc bàng quang gây, từ đó tạo điều kiện hình thành viêm loét.
– Viêm bàng quang nếu phát triển đến viêm bàng quang mãn tính có thể sẽ gây teo bàng quang, rò bàng quang.
– Sỏi bàng quang còn có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm là viêm thận, suy thận do nhiễm khuẩn ngược dòng. Biến chứng này gây nhiều khó khăn trong điều trị, ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh thế.
2.2 Cách cải thiện triệu chứng đau sỏi bàng quang
Cách cải thiện triệu chứng đau do sỏi bàng quang tốt nhất là nên nhanh chóng đến bệnh viện, trực tiếp thăm khám với bác sĩ chuyên khoa. Sau khi có được kết quả xác định về tình trạng sỏi, kích thước sỏi, mức độ biến chứng… kết hợp với triệu chứng đau lâm sàng của người bệnh bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị tốt nhất. Thông thường để loại bỏ hoàn toàn cơn đau sỏi bàng quang, người bệnh sẽ cần phải loại bỏ sỏi ra khỏi cơ thể. Hiện nay có hai phương pháp phổ biến được sử dụng để giúp bệnh nhân thoát sỏi đó là điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa ít xâm lấn là tán sỏi.
Điều trị nội khoa
Nếu sỏi trong bàng quang kích thước còn nhỏ có thể di chuyển được ra ngoài, bệnh nhân sẽ được sử dụng thuốc theo liệu trình kết hợp uống nhiều nước để đưa viên sỏi ra ngoài theo dòng nước tiểu. Các loại thuốc thường nằm trong nhóm thuốc giãn cơ trơn, thuốc kháng sinh chống viêm, thuốc lợi tiểu…
Điều trị ngoại khoa ít xâm lấn – Tán sỏi bàng quang ngược dòng
Đối với tán sỏi bàng quang người bệnh cần đáp ứng không có tình trạng niệu đạo hẹp, gấp khúc, không có nhiễm khuẩn đường tiết niệu, không có rối loạn đông máu và phụ nữ hiện đang không mang thai.
Đây là cách lấy sỏi trực tiếp ra ngoài cơ thể. Với một ống nội soi đưa từ lỗ tiểu vào niệu đạo tới bàng quang tìm sỏi. Dựa trên hình ảnh từ màn hình máy nội soi sẽ phát hiện chính xác viên sỏi bàng quang, và viên sỏi sẽ được bắn phá thành những mảnh vụn bằng năng lượng laser được dẫn vào thông qua con đường tự nhiên này. Dưới hướng dẫn của máy nội soi viên sỏi sẽ được bắn phá vỡ dần dần, khi đã vỡ hoàn toàn thành những mảnh nhỏ thì sẽ được hút gắp ra bên ngoài.
Với kỹ thuật loại bỏ sỏi qua đường tự nhiên, người bệnh không có vết thương, không chảy máu ngoài da, không mất sức sau tán sỏi, sau 24h là bệnh nhân có thể xuất viện. Biến chứng sau tán sỏi bàng quang hầu như không có, năng lượng laser chỉ tác động vào sỏi nên chức năng hệ tiết niệu được đảm bảo.
3. Kết luận
Sỏi bàng quang không chỉ gây ra triệu chứng đau bụng dưới, mà còn có thể xảy ra nhiều triệu chứng khác nhau cùng tần suất và mức độ khác nhau tùy vào tình trạng của mỗi người. Tuy nhiên ngay khi có dấu hiệu bất thường bạn nên nhanh chóng đi thăm khám và điều trị dưới hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Việc giữ sỏi trong cơ thể hoặc điều trị bằng những phương pháp không đảm bảo có thể làm sỏi tăng kích thước, triệu chứng gia tặng, dễ đối mặt với biến hơn.