Sán lá gan lớn là bệnh lý nguy hiểm, có thể gây tắc nghẽn mật, gây viêm túi mật, viêm gan, xơ gan, ung thư gan… Vậy triệu chứng bệnh sán lá gan lớn gồm những gì? Làm thế nào để phòng tránh, phát hiện và điều trị bệnh? Thu Cúc TCI sẽ giúp bạn hiểu rõ ở bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Thế nào là sán lá gan lớn?
Sán lá gan thường có 2 loại là sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ. Sán lá gan lớn có hình như những chiếc lá, thân dẹt, bờ mỏng, sinh sản lưỡng tính, vừa có tinh hoàn và buồng trứng trong 1 cá thể. Điều này, giúp chúng có thể nhân lên nhanh chóng mà không cần phải dựa vào điều kiện gặp nhau. Sán lá gan lớn có 2 loại Fasciola gigantica, Fasciola hepatica. Ở nước ta, sán lá gan lớn chủ yếu ở miền Bắc, còn ở miền trung, nam thì chủ yếu là sán lá gan nhỏ.
2. Nguyên nhân dẫn đến bệnh sán lá gan lớn
Nguyên nhân dẫn đến bệnh sán lá gan lớn có thể kể đến:
2.1 Bắt nguồn từ cây thủy sinh
Một số loại cây sống dưới nước mà nhiều người thường hay có thói quen ăn sống hoặc ăn tái như: cải xoong, rong biển, rau muống, mùng, nhút, rau ôm… Là những loại cây sống dưới nước, rất dễ nhiễm sán.
2.2 Ăn thịt sống, cá sống khiến nhiều người có triệu chứng bệnh sán lá gan lớn
Một số người có sở thích ăn thịt tươi như cá sống, mực sống… những con vật này sống dưới nước, ăn cây cối dưới nước nhiễm sán, khiến những động vật này cũng vô tình nhiễm sán. Khi con người ăn thịt sống, chưa qua chế biến, rất dễ nhiễm sán và ấu trùng sán. Ngoài ra, sán còn có thể ở một số động vật trên cạn như: lợn, trâu, bò, cừu, gà, gia súc… do ăn phải thực phẩm nhiễm sán.
2.3 Uống nước ao hồ
Một số người có thói quen uống nước chưa qua đun nấu, uống trực tiếp ở ao hồ, sông suối. Điều này có thể khiến bạn nhiễm sán mà không biết. Sán sẽ chỉ bị tiêu diệt khi qua đun sôi, nấu chín.
2.4 Nhiễm sán qua ăn uống
Đồ ăn vỉa hè, quán ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh trong khâu chế biến, giọn đồ ăn người trước người sau không sạch sẽ. Một chậu nước tráng qua cho hàng chục lượt cốc, bát người này người khác ăn chắc hẳn lây nhiễm bệnh qua đường ăn uống là khó tránh khỏi. Sán còn lây nhiễm qua đường thực phẩm không được rửa sạch sẽ, cũng sẽ là nguyên nhân gây bệnh.
2.5 Do vệ sinh kém
Một số người vẫn chưa có thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh, hoặc nơi vệ sinh, khu trang trại gần nơi ăn uống. Sán có thể lây nhiễm từ ấu trùng trong phân lây qua người này người kia qua ăn uống.
3. Diễn biến quá trình sán lá gan lớn tấn công cơ thể người
3.1 Giai đoạn đầu
Khi người bệnh ăn phải thức ăn có nhiễm sán với số lượng ít, sán di chuyển theo đường tiêu hóa vào trú ngụ ở gan. Giai đoạn này, sán chưa gây tổn thương nhiều ở gan, vì thế chưa có triệu chứng gì biểu hiện ra bên ngoài. Giai đoạn này, nếu người bệnh không có sở thích ăn đồ sống, ăn ít, thì có thể biểu hiện bệnh sau 1 – 2 tháng. Tuy nhiên, ở một số người thích ăn đồ sống, ăn với số lượng lớn một lần, liên tục. Lúc này, lượng sán trong cơ thể đạt ngưỡng cao, có thể gây tổn thương gan cấp tính trong thời gian ngắn.
3.2 Giai đoạn nhiễm trùng
Ấu trùng sán chưa trưởng thành di chuyển qua thành ruột, tấn công vào nhu mô gan, sinh sôi phát triển. Sán lá gan có cả tinh hoàn và trứng trong một cơ thể, khiến chúng có thể trưởng thành, sinh nở dễ dàng. Sau một thời gian, sán di chuyển vào đường mật, sinh sôi phát triển, đẻ trứng, gây tắc nghẽn đường mật. Giai đoạn này, bệnh nhân sẽ bị viêm túi mật, tắc nghẽn đường mật, gây sốt, viêm, buồn nôn, đau lưng… phải nhập viện.
4. Triệu chứng bệnh sán lá gan lớn như thế nào?
Bệnh nhân sau một thời gian ăn đồ ăn có chứa sán, sau khoảng vài tuần đến vài tháng người bệnh sẽ có một số triệu chứng sau:
4.1 Đau bụng là một trong những triệu chứng bệnh sán lá gan lớn thường gặp
Nhiễm trùng cấp tính do tổn thương gan, mật khiến người bệnh đau bụng hạ sườn phải, kèm theo triệu chứng buồn nôn, nôn, sốt, mệt mỏi. Cơn đau có tính chất không liên tục, đau âm ỉ đôi khi dữ dội từng cơn. Cơn đau có thể lan về phía sau lưng, đau tức vùng thượng vị, mũi ức.
4.2 Vàng da
Sán lá gan gây tắc mật, gây viêm tụy cấp, viêm đường mật… Bệnh nhân có triệu chứng vàng da do tắc nghẽn đường đi của dịch mật.
4.3 Gầy sút cân, chán ăn
Bệnh nhân gầy sút, suy mòn, mệt mỏi, chán ăn không rõ nguyên nhân. Trẻ em bị sán có dấu hiệu chậm lớn, biếng ăn, còi xương, suy dinh dưỡng.
4.4 Rối loạn chức năng đường ruột
Bệnh nhân rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, nôn, đầy bụng, khó tiêu.
4.5 Sốt
Bệnh nhân có những cơn sốt cao kèm sốt rét run, có những trường hợp sốt thoáng qua tự hết, có trường hợp lại sốt kéo dài.
4.6 Thiếu máu
Bệnh nhân có triệu chứng thiếu máu mạn tính, da xanh xao, móng tay trắng, niêm mạc lưỡi, mắt, môi nhợt nhạt, xuất huyết tiêu hóa…
5. Bệnh sán lá gan lớn điều trị ra sao?
Khi có triệu chứng sán lá gan lớn, người bệnh không nên tự điều trị ở nhà. Điều này có thể khiến tình trạng tắc mật ngày càng trầm trọng hơn, ảnh hưởng đến tính mạng. Bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng kết hợp kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng để xác định điểm tổn thương, mức độ và tính chất lan rộng của sán. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
– Bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng một số thuốc như Triclabendazole, Nitazoxanide.
– Trường hợp tổn thương ở khối nhu mô gan, gây áp xe gan thì việc điều trị nội khoa bằng thuốc không có hiệu quả để tiêu diệt hết ký sinh trùng. Bác sĩ sẽ xem xét can thiệp chọc hút ổ áp xe có kích thước trên 6cm.
6. Theo dõi bệnh nhân sau điều trị sán lá gan lớn
Sau khi dùng thuốc điều trị sán, bệnh nhân được tái khám sau 3 ngày, sau đó là 3 tháng, 6 tháng sau điều trị sán. Bác sĩ sẽ kiểm tra, đánh giá:
– Khả năng hồi phục chức năng tiêu hóa
– Xét nghiệm tổng phân tích máu, đánh giá tỷ lệ bạch cầu ái toan. Kết hợp siêu âm gan kiểm tra kích thước, đánh giá hồi phục tổn thương gan.
– Xét nghiệm tìm trứng sán trong phân hoặc trong dịch mật.
– Trường hợp theo dõi điều trị không hiệu quả, bác sĩ sẽ cân nhắc tăng liều Triclabendazole lần nữa. Sau đó quá trình theo dõi vẫn lặp lại 3 ngày sau dùng thuốc, 3 tháng và 6 tháng.
Do thói quen ăn thịt sống, rau sống khiến nhiều người ở nước ta có nguy cơ nhiễm căn bệnh này. Việc thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt sẽ giúp phòng ngừa tái nhiễm sán trong cộng đồng. Hãy đi khám sớm khi có dấu hiệu đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy liên tục để kịp thời phát hiện bệnh.