Trị trào ngược dạ dày thực quản không hề đơn giản vì cần thực hiện điều trị lâu dài và bệnh lại dễ tái phát. Người bệnh cần tìm hiểu đúng các thông tin về điều trị bệnh chẩn phác đồ để tránh những sai lầm thường gặp cũng như không để bệnh tái phát.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh trào ngược dạ dày và dấu hiệu nhận biết
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản gặp phải khi axit ở dạ dày có thể trào ngược lên thực quản. Trào ngược dạ dày có thể chỉ là biểu hiện sinh lý bình thường nhưng cũng có thể là triệu chứng bệnh lý dạ dày không thể chủ quan. Hầu hết các trường hợp trào ngược dạ dày ban đầu đến từ việc người bệnh có chế độ ăn không lành mạnh, ăn uống thất thường gây ra rối loạn hoạt động tiêu hóa.
Dấu hiệu nhận biết về trào ngược dạ dày cần lưu ý là những cơn ợ chua, ợ hơi, nóng rát vùng cổ, cảm giác nuốt nghẹn, khàn giọng, đôi khi có thể là buồn nôn hoặc nôn. Các dấu hiệu trên khá dễ nhận biết nhưng nhiều người bệnh lại thường chủ quan bỏ qua.
2. Khi bị trào ngược dạ dày thực quản người bệnh cần làm gì?
Khi thường xuyên gặp phải các dấu hiệu của trào ngược, người bệnh có thể chưa cần thực hiện điều trị ngay. Ban đầu, hãy chủ động thay đổi chế độ ăn lành mạnh, đủ chất, ăn uống đúng giờ, đúng bữa, hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ cùng đồ uống có ga hoặc chất kích thích,… Nếu tình trạng trào ngược thuyên giảm ngay thì bạn không cần quá lo lắng, hãy tiếp tục duy trì ăn uống khoa học.
Trường hợp dù đã thay đổi chế độ ăn mà vẫn thường xuyên bị ợ hơi, ợ chua,.. thậm chí số lần trào ngược trong ngày nhiều hơn thì người bệnh cần chủ động thăm khám chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán đúng nguyên nhân trào ngược và tiến hành điều trị theo phác đồ được chỉ định.
3. Điều trị trào ngược dạ dày thực quản chuẩn không để bệnh tái phát
Điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản chuẩn và ngăn ngừa bệnh tái phát cần đảm bảo nguyên tắc 4 đúng quan trọng sau:
– Có chẩn đoán đúng
– Điều trị đúng từ chính căn nguyên bệnh
– Tuân thủ đúng các chỉ định trong điều trị bệnh của bác sĩ
– Thực hiện phòng bệnh đúng cách ngay cả khi bệnh đã được điều trị khỏi.
3.1. Chẩn đoán đúng bệnh
Chẩn đoán và yêu cầu quan trọng đầu tiên. Có chẩn đoán đúng mới có thể tiến hành điều trị đúng. Để chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản có thể thực hiện theo 3 phương pháp phổ biến như sau:
– Chụp X quang: Chụp X – quang barium thực quản là phương pháp không xâm lấn, thời gian thực hiện nhanh chóng (thường chỉ mất khoảng 10 – 15 phút) và đảm bảo kết quả có độ chính xác cao
– Xét nghiệm theo dõi pH thực quản trong 24h: Thực hiện phương pháp này, bạn sẽ được đặt 1 ống đo ở thực quản. Bạn vẫn có thể sinh hoạt, ăn uống bình thường trong quá trình đặt ống đo, đặc biệt có thể được phép về nhà theo dõi nên đảm bảo tính riêng tư, thoải mái.
– Nội soi dạ dày thực quản: Đây là phương pháp chẩn đoán có xâm lấn. Bác sĩ đưa ống nội soi mềm từ miệng xuống thực quản và dạ dày nên có thể theo dõi được toàn bộ tình trạng bên trong ống tiêu hóa trên. Phát hiện mọi bất thường ở cả dạ dày và thực quản, đặc biệt là những biến chứng gặp phải nếu có. Nội soi là phương pháp tiêu chẩn trong chẩn đoán các bệnh lý đường tiêu hóa.
Người bệnh thực hiện thăm khám để được chỉ định phương pháp chẩn đoán phù hợp theo đúng tình trạng bệnh, mục đích và kinh phí.
3.2. Điều trị trào ngược dạ dày thực quản đúng căn nguyên
Mỗi trường hợp trào ngược dạ dày thực quản nguyên nhân sẽ có chỉ định điều trị dùng thuốc và kết hợp các yêu cầu cụ thể.
– Người bệnh trào ngược dạ dày thực quản do chế độ ăn thì cần điều chỉnh ăn uống lành mạnh. Người bệnh không nên ăn quá no, không uống các loại chất có cồn, các bữa ăn trong 1 ngày nên được chia nhỏ hợp lý, cũng không nên nằm xuống ngay sau khi vừa ăn no.
– Người bệnh trào ngược dạ dày thực quản do béo phì cần giảm cân và điều chỉnh chế độ ăn.
– Trào ngược dạ dày do stress, thức khuya thì bên cạnh việc dùng thuốc cần cân đối thời gian nghỉ ngơi và làm việc. Ngủ nghỉ theo đúng giờ, tâm lý luôn thoải mái.
– Trào ngược dạ dày do dùng các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc giảm đau nhóm NSAIDs,… thì cần dừng uống thuốc ngay. Nếu bắt buộc phải sử dụng hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về loại thuốc ít gây tác dụng phụ nhất có thể.
– Đặc biệt, với trường hợp trào ngược do bệnh lý dạ dày, người bệnh cần được nội soi và điều trị đúng bệnh, đúng phác đồ.
3.3. Tuân thủ chỉ định điều trị trào ngược dạ dày thực quản
Tính tuân thủ xuất phát từ chính người bệnh. Khi đã được bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh, lên đúng phác đồ, kê đúng đơn thuốc thì bạn cần thực hiện theo đúng chỉ định bao gồm:
– Uống đúng loại thuốc được kê, không tự ý thay đổi khi không có chỉ định.
– Uống theo đúng hướng dẫn, liều lượng được chỉ định.
– Không tự ý ngưng dùng thuốc giữa chừng. Nhiều người bệnh khi thấy triệu chứng thuyên giảm thì liền bỏ bê việc uống thuốc hoặc dừng lại. Trên thực tế, hết triệu chứng không đồng nghĩa đã khỏi bệnh nên cần duy trì uống thuốc theo đúng lộ trình bác sĩ chỉ định.
3.4. Phòng bệnh hiệu quả
Bệnh trào ngược dạ dày có tỉ lệ tái phát bệnh rất cao, khoảng 70% bệnh nhân bị tái phát lại trong vòng một năm. Vì vậy, ngay cả khi được điều trị khỏi, người bệnh trào ngược vẫn cần tuân thủ phòng bệnh đúng cách.
– Thực hiện ăn uống khoa học, ăn uống lành mạnh.
– Tránh căng thẳng kéo dài.
– Cẩn trọng khi cần sử dụng đến các loại thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau,…
– Kiểm soát cân nặng bản thân luôn ở ngưỡng ổn định. Người béo phì cần giảm cân khoa học.
– Thăm khám, kiểm tra sức khỏe đường tiêu hóa trên và dưới theo định kỳ. Nên chủ động nội soi dạ dày đại tràng khi cần thiết.
Điều trị trào ngược dạ dày thực quản cần thực hiện lâu dài, tuân thủ đúng chỉ định. Ngoài ra, người bệnh không được chủ quan kể cả khi đã điều trị khỏi vì bệnh dễ tái phát trở lại. Hãy xây dựng nếp sống lành mạnh, ăn uống khoa học để có một sức khỏe ổn định.