Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến và ngày càng gia tăng trong xã hội hiện đại. Tình trạng này xảy ra khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản, gây ra cảm giác khó chịu như ợ nóng, đau ngực và ho kéo dài. Mặc dù có thể điều trị, nhưng nhiều người vẫn gặp khó khăn trong việc kiểm soát và điều trị dứt điểm bệnh. Cùng tìm hiểu những lý do tại sao điều trị dạ dày trào ngược mãi không khỏi, và làm sao để cải thiện bệnh nhanh chóng, hiệu quả, lấy lại chất lượng cuộc sống trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Dạ dày trào ngược là gì?
Dạ dày trào ngược hay trào ngược dạ dày thực quản (GERD), là một tình trạng khi axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản, gây ra cảm giác khó chịu như ợ nóng, đau ngực và ho kéo dài. Bệnh lý này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
1.1 Nguyên nhân chính khiến dạ dày bị trào ngược
Trước khi tìm cách trị dạ dày trào ngược, điều quan trọng là phải hiểu rõ nguyên nhân gốc rễ gây bệnh, bao gồm:
– Chế độ ăn uống không lành mạnh: Sử dụng quá nhiều thức ăn cay như ớt, tiêu; dầu mỡ từ đồ chiên rán; hoặc đồ uống có ga như nước ngọt, bia. Những thực phẩm này có thể kích thích sản xuất axit dạ dày và làm nặng thêm triệu chứng.
– Lối sống thiếu khoa học: Stress kéo dài, thói quen ăn uống không điều độ hoặc nằm ngay sau khi ăn.
– Yếu tố sinh lý: Rối loạn cơ vòng thực quản dưới, gây suy yếu khả năng ngăn chặn axit trào ngược.
– Bệnh lý khác: Loét dạ dày, thoát vị hoành hoặc tiểu đường. Các bệnh này có thể làm suy yếu chức năng cơ vòng thực quản hoặc tăng áp lực trong ổ bụng, tạo điều kiện thuận lợi cho axit dạ dày trào ngược.
1.2 Triệu chứng nhận biết
Trào ngược dạ dày thường biểu hiện thông qua các triệu chứng được liệt kê sau đây:
– Ợ nóng, cảm giác cháy rát ở ngực
– Ho khan hoặc khó thở, nhất là vào ban đêm
– Cảm giác đầy hơi, buồn nôn
– Hôi miệng do axit dạ dày tiếp xúc với khoang miệng
2. Vì sao trị dạ dày trào ngược mãi không khỏi?
Mặc dù có nhiều phương pháp trị dạ dày trào ngược hiện nay, nhưng không phải ai cũng đạt được kết quả như mong đợi, bởi một số lý do sau đây:
2.1 Sử dụng phương pháp điều trị không phù hợp
Rất nhiều người tự ý mua thuốc hoặc áp dụng các bài thuốc dân gian mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Ví dụ, một số người sử dụng baking soda để trung hòa axit hoặc uống nước lá bạc hà, nhưng những cách này chỉ làm giảm triệu chứng tạm thời và có thể gây tác dụng phụ nếu lạm dụng. Điều này có thể khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn hoặc chỉ làm giảm triệu chứng tạm thời mà không giải quyết được gốc rễ.
2.2 Không thay đổi thói quen sống
Việc điều trị trào ngược dạ dày sẽ không hiệu quả nếu người bệnh không cải thiện các thói quen gây hại như ăn uống không điều độ, sử dụng chất kích thích hoặc căng thẳng kéo dài.
2.3 Không tuân thủ phác đồ điều trị dạ dày trào ngược
Một số bệnh nhân không kiên nhẫn thực hiện đúng liệu trình điều trị do bác sĩ đề ra, hoặc ngừng thuốc khi thấy triệu chứng giảm bớt, dẫn đến tình trạng bệnh tái phát. Điều này có thể khiến bệnh trở nên khó kiểm soát hơn, thậm chí gây tổn thương thực quản nghiêm trọng hoặc làm tăng nguy cơ biến chứng như hẹp thực quản hoặc viêm thực quản. Để đảm bảo hiệu quả điều trị, hãy duy trì việc dùng thuốc theo hướng dẫn và tái khám định kỳ để bác sĩ điều chỉnh liệu trình phù hợp.
2.4 Yếu tố cá nhân
Cơ địa mỗi người khác nhau, do đó hiệu quả của các phương pháp điều trị trào ngược dạ dày thực quản cũng sẽ khác nhau. Từ đó dẫn đến một số người có thể cần thời gian lâu hơn để đạt được kết quả, nhưng có những người cũng sẽ rất nhanh chóng là thấy cải thiện triệu chứng rõ rệt.
3. Giải pháp hiệu quả để trị dạ dày trào ngược
Nếu bạn đã cố gắng nhiều nhưng vẫn chưa thành công, bạn nên đi thăm khám kiểm tra lại, điều trị đồng thời nhiều giải pháp một cách hợp lý, thay đổi loại thuốc, phác đồ điều trị khác…
3.1 Chẩn đoán chính xác điều trị hiệu quả trào ngược dạ dày
Để xác định nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh trào ngược dạ dày, việc chẩn đoán chính xác là rất quan trọng. Các phương pháp chẩn đoán hiện đại chẳng hạn như nội soi, đo áp lực cơ vòng thực quản độ phân giải cao (HRM), đo pH trở kháng thực quản 24 giờ giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả:
Đo áp lực thực quản độ phân giải cao (HRM)
Phương pháp này giúp đo lường áp lực và chức năng của cơ vòng thực quản dưới, từ đó đánh giá khả năng ngăn chặn axit trào ngược lên thực quản. Đây là công cụ quan trọng trong việc xác định nguyên nhân gây trào ngược và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Ngoài ra HRM còn giúp bác sĩ lâm sàng khẳng định các triệu chứng tương tự trào ngược có phải do bệnh trào ngược hay do các bệnh lý khác liên quan đến rối loạn vận động thực quản. Từ đó giúp bác sĩ có phương pháp điều trị phù hợp, trúng đích cải thiện trào ngược hoặc các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự trào ngược hiệu quả.
Đo pH trở kháng thực quản 24h – Tiêu chuẩn vàng chẩn đoán GERD
Đo pH trở kháng 24h là một phương pháp tiên tiến, đo lường mức độ axit trong thực quản trong suốt 24 giờ. Thiết bị này giúp xác định thời gian và mức độ axit trào ngược, đánh giá mức độ nghiêm trọng của trào ngược dạ dày, đặc biệt trong các trường hợp không rõ ràng hoặc khi không có tổn thương tại niêm mạc thực quản được tìm thấy thông qua nội soi.
Ngoài ra, đo pH trở kháng thực quản 24h còn phân biệt được trào ngược dạ dày với các bệnh lý khác gây triệu chứng nhầm lẫn với trào ngược dạ dày thực quản, từ đó giúp bác sĩ điều trị trúng đích.
Đặc biệt, việc kết hợp các phương pháp chẩn đoán này sẽ giúp bác sĩ có cái nhìn toàn diện về tình trạng bệnh, từ đó đưa ra giải pháp điều trị chính xác và hiệu quả hơn.
3.2 Thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt để cải thiện trào ngược
Đây là yếu tố cốt lõi trong việc điều trị và phòng ngừa trào ngược dạ dày:
– Chế độ ăn uống hợp lý: Tránh thức ăn kích thích axit như đồ cay, chua, nhiều dầu mỡ. Ưu tiên các thực phẩm nhẹ nhàng như cháo, súp, rau xanh.
– Thói quen sinh hoạt: Ăn chậm, nhai kỹ, không nằm ngay sau khi ăn, nâng cao đầu khi ngủ.
– Giảm stress: Thực hành thiền, yoga hoặc các hoạt động thư giãn khác để áp lực căng thẳng được giải phóng.
3.3 Sử dụng thuốc đúng cách, điều trị dạ dày trào ngược hiệu quả
Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để điều trị trào ngược. Bên cạnh đó cần tuân thủ phác đồ dùng các loại thuốc kê toa thường được bác sĩ chỉ định cho người bị trào ngược sau đây:
– Thuốc kháng axit: Loại thuốc làm giảm độ axit trong dạ dày.
– Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Hạn chế sản xuất axit dạ dày.
– Thuốc điều hòa cơ vòng thực quản: Tăng cường chức năng của cơ vòng để ngăn axit trào ngược.
Trào ngược dạ dày không phải là bệnh khó chữa, nhưng để điều trị dạ dày trào ngược một cách triệt để, bạn cần hiểu rõ nguyên nhân, tuân thủ phác đồ điều trị và duy trì lối sống lành mạnh. Đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ từ các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa nếu bạn đang gặp khó khăn trong quá trình điều trị trào ngược, điều trị mãi nhưng không khỏi nhé.