Menu xem nhanh:
Trẻ sơ sinh đi ngoài bao nhiêu lần một ngày là bình thường?
Các bác sĩ cho biết rằng: ở trẻ sơ sinh, việc đi ngoài ngay sau khi ăn hoặc đi nhiều lần trong ngày (so với người lớn) là hiện tượng bình thường, đặc biệt là trong thời gian đầu sau khi sinh. Ban đầu, bé đi đại tiện khoảng 5 – 10 lần/ngày. Lần đại tiện đầu tiên, phân của bé có màu xanh lá đen hoặc màu vàng, hơi kết dính – đây là phân su. Những ngày về sau, bé vẫn có thể đi phân lỏng hoặc dạng hoa cải nhưng số lần đi sẽ giảm dần (từ 5 – 10 lần/ngày đến khoảng 1 – 2 ngày/lần) một cách đều đặn.
Cha mẹ chỉ phải đặc biệt chú ý nếu bé đột ngột đi ngoài với tần suất cao hơn bình thường hoặc phân của bé có sự thay đổi rõ rệt về màu sắc… Khi đó, cha mẹ nên cho bé đi khám ngay để tìm cách khắc phục, không tự ý mua thuốc cho con uống.
Nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ sơ sinh
Bé đi ngoài có thể là dấu hiệu của việc bị mắc bệnh nhiễm trùng, dẫn đến tiêu chảy cấp hoặc có vấn đề về tiêu hóa, đi tướt do mọc răng, bị ảnh hưởng do mẹ đang sử dụng thuốc nhuận tràng hay mẹ đang dùng ăn những thức ăn không phù hợp…
Để việc điều trị thuận lợi hơn trong việc điều trị, nếu cha mẹ phát hiện bé bị đi ngoài nên đưa bé đến khám ngay tại các cơ sở y tế tin cậy. Tránh gây tình trạng bé mất quá nhiều nước rồi mới đưa con đi thăm khám có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ.
Cách xử trí khi trẻ sơ sinh đi ngoài nhiều
Bé đi ngoài do mọc răng
+ Biểu hiện: Ngoài việc bị đi ngoài, nếu nguyên nhân là do mọc răng, bé thường có các biểu hiện như chảy dãi, hay cho tay, cho đồ vật vào miệng. Bên cạnh đó, bé còn có thể bị sốt nhẹ (dưới 38,5 0C).
+ Cách xử trí: Trong trường hợp này, bé sẽ bị tiêu chảy không vượt quá 4 ngày và tự khỏi khi răng nhú lên. Như vậy, khi bé bị đi ngoài do mọc răng, mẹ nên cho bé bú nhiều cữ hơn để bé có đủ dinh dưỡng và không bị mất nước.
Bé đi ngoài do rối loạn tiêu hóa, nhiễm khuẩn
+ Biểu hiện: Bé đi ngoài và bị mất nước, cơ thể mệt mỏi, hay quấy khóc, lười ăn. Trong một số trường hợp, bé có thể bị sốt cao tới 390C.
+ Cách xử trí: Trong trường hợp bé đi ngoài nhiều và có những biểu hiện như trên hoặc tiêu chảy kéo dài hơn 4 ngày, cha mẹ nên đưa bé tới cơ sở y tế uy tín để khám và điều trị sớm.
Ngoài ra, mẹ cần chú ý chế độ ăn uống của mình như: luôn ăn chín, uống sôi; luôn vệ sinh cá nhân cho bản thân và cho trẻ thật sạch sẽ; không ăn các thực phẩm nhuận tràng và không để bé cho tay hay các đồ vật vào miệng…
Cha mẹ cũng không được tự ý cho trẻ uống các thuốc kháng sinh, thuốc cầm tiêu chảy mà không có chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho bé.
Trước và sau khi cho bé ăn, cần vệ sinh và khử trùng bình sữa, núm vú thật sạch. Mẹ nên rửa sạch tay mình bằng xà phòng và thường xuyên vệ sinh tay của trẻ bằng nước ấm để đảm bảo vệ sinh. Tã bẩn của bé phải được ngâm, giặt và phơi nắng khử trùng một cách cẩn thận để tránh làm tiêu chảy kéo dài.