Trẻ biếng ăn không tăng cân là tình trạng “muôn thuở” mà bất cứ cha mẹ nào cũng phải đối mặt trong quá trình nuôi con nhỏ. Nhiều phụ huynh khi gặp tình trạng này thường có xu hướng ép con ăn hoặc cho con uống thuốc bổ mà không nắm rõ nguyên nhân bắt nguồn từ đâu dẫn đến con ngày càng lười ăn, cơ thể kém phát triển so với trẻ cùng độ tuổi.
Menu xem nhanh:
1. Mẹ đã biết những nguyên nhân nào khiến trẻ biếng ăn chậm tăng cân
1.1 Biếng ăn sinh lý là nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn không tăng cân
Đây được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ biếng ăn và chậm tăng cân mà ba mẹ cần phải biết. Trên thực tế, trẻ biếng ăn do sinh lý thường gặp ở những trẻ có độ tuổi từ 1 đến 6 tuổi.
Mẹ nên biết rằng, trong giai đoạn trước 12 tháng tuổi, tốc độ phát triển cơ thể của bé khá nhanh do đó nhu cầu lương thực cần nạp vào cơ thể cũng tăng. Vì vậy, trẻ thường tăng từ 6-7kg trong 1 năm ở độ tuổi này. Sau đó, tốc độ tăng trưởng của bé sẽ giảm dần, lượng thức ăn nạp vào cơ thể hàng ngày của trẻ cũng giảm nhiều so với giai đoạn trước. Do đó, nếu bé đang trong độ tuổi từ 1 đến 6, có biểu hiện biếng ăn, tăng cân chậm, chỉ khoảng 2kg/năm thì phụ huynh cũng không nên quá lo lắng.
1.2 Biếng ăn do mắc bệnh lý
Trẻ nhỏ là đối tượng hay bị vi khuẩn, virus dễ dàng tấn công vì hệ miễn dịch còn non yếu, dẫn đến khả năng cao mắc nhiều các bệnh lý đặc biệt là bệnh về đường hô hấp, hệ tiêu hoá, chẳng hạn như: ho, viêm tiểu phế quản, tiêu chảy, táo bón,… Những bệnh này khiến trẻ có cảm giác đau đớn, mệt mỏi kéo dài, gây cảm giác chán ăn, lười vận động. Như vậy, tình trạng trẻ biếng ăn, tăng cân chậm là không thể tránh khỏi.
1.3 Biếng ăn do tâm lý là nguyên nhân quan trọng khiến trẻ biếng ăn không tăng cân
Tâm lý sợ ăn ở con trẻ là nguyên nhân phổ biến và khó điều trị nhất. Có rất nhiều tác động bên ngoài có thể ảnh hưởng đến tâm lý của bé khiến tình trạng lười ăn, chán ăn ngày một trầm trọng. Các tác nhân đó có thể kể đến như là:
– Việc thay đổi chế độ ăn từ bú mẹ chuyển sang ăn dặm hoặc thay đổi môi trường. Ví dụ như trẻ đi học mầm non, mẫu giáo trong giai đoạn đầu tiên thường chưa thích nghi được dẫn đến lười ăn.
– Bố mẹ cho con ăn thực phẩm lạ hoặc không đúng với sở thích thậm chí đánh lừa con, quát mắng doạ nạt con trong bữa ăn, ép con ăn nhiều gây ra tâm lý sợ hãi ở trẻ mỗi khi đến giờ ăn.
– Bé ham chơi, chỉ thích chơi mà bỏ qua những bữa ăn.
1.4. Chế độ dinh dưỡng không phù hợp
Khi trẻ có dấu hiệu biếng ăn, nhiều phụ huynh có xu hướng dùng bánh, kẹo, đồ ăn vặt,… làm giải pháp để “dụ” cho bé ăn. Tuy nhiên, bố mẹ không biết rằng chính những đồ ăn vặt này là “thủ phạm” làm cho trẻ ngày càng lười ăn, có thể không đủ chất dinh dưỡng, con có nguy cơ cơ bị suy dinh dưỡng. Bởi vì, những thực phẩm này khiến bé bị đầy bụng, không còn thích thúc đối với bữa ăn chính và chứa nhiều thành phần không tốt cho cơ thể đang phát triển của bé.
1.5 Cơ thể của bé bị thiếu máu
Đây là nguyên nhân mà ít phụ huynh biết đến. Thiếu máu, thiếu sắt sẽ khiến cho hệ thống miễn dịch của bé bị suy giảm nặng nề, trẻ thường xuyên mệt mỏi, thiếu tập trung… Bên cạnh đó, hệ tiêu hóa của trẻ cũng bị ảnh hưởng dẫn đến hiện tượng trẻ biếng ăn và kém hấp thu. Vì vậy, khi chế biến thức ăn cho con, bố mẹ nên bổ sung những thực phẩm như thịt bò, hải sản, trứng,… để cung cấp đủ chất sắt cho cơ thể của bé.
1.6. Trẻ không vận động thể lực
Trong thời kỳ công nghệ 4.0 hiện đại, các bé thường được tiếp xúc nhiều hơn với các thiết bị điện tử như tivi, điện thoại thông minh, máy tính thay vì các trò chơi hoặc hoạt động ngoài trời. Điều này khiến trẻ em ngày nay ngày càng lười vận động, xương không phát triển được từ đó năng lượng không tiêu hao dẫn đến tình trạng lười ăn, tăng cân chậm, kém phát triển.
2. Mách mẹ một số thực phẩm giúp con hết biếng ăn
Chế độ dinh dưỡng phong phú, đa dạng luôn là giải pháp hàng đầu giúp trẻ hết biếng ăn, tăng cân nhanh. Dưới đây là một số những loại thực phẩm mà các phụ huynh có thể tham khảo đưa vào thực đơn hàng ngày để con hết biếng ăn và tăng cân vù vù:
– Quả bơ: một loại quả dẫn đầu về hàm lượng dinh dưỡng với lượng chất béo tốt cho cơ thể cao và hàm lượng đạm, vitamin, chất khoáng giúp cơ thể trẻ phát triển toàn diện. Quả bơ cũng có tác dụng giúp trẻ tiêu hóa dễ dàng, tăng cân nhanh chóng. Chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích nên bổ sung bơ vào thực đơn hàng ngày cho trẻ ăn dặm sau 6 tháng tuổi.
– Chuối: là thực phẩm lành tính và tăng cân hữu hiệu ở trẻ em vì chuối chứa nhiều calo, đường, vitamin A, C, D, E và các vi khoáng như magie, kali, sắt, fluor, iốt…
– Trứng: giúp trẻ tăng cân với hàm lượng chất đạm và chất béo tốt cao. Đồng thời trứng chế biến được nhiều món giúp thực đơn hàng ngày của bé thêm phong phú, hạn chế tình trạng trẻ biếng ăn. Đây cũng là một trong những thực phẩm an toàn cho trẻ nhỏ vì nguy cơ nhiễm độc từ các loại thuốc bảo quản, thuốc tăng trưởng, thuốc trừ sâu thấp hơn so với thực phẩm khác. Tuy nhiên để tránh việc dị ứng thì cha mẹ nên cho con ăn trứng khi từ 9 tháng tuổi trở lên và chỉ nên ăn từ 3-4 quả trứng/tuần.
– Phomat: là sản phẩm được chế biến từ sữa cung cấp cho cơ thể bé protein, cabonhydrat và nhiều dưỡng chất quan trọng khác, đặc biệt phù hợp với trẻ em gầy còm, suy dinh dưỡng. Phomat được khuyến khích bổ sung vào bữa sáng hàng ngày của con để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể và tránh tình trạng đầy bụng ở bé.
– Thịt nạc: một nguồn cung cấp protein, canxi, chất béo, carbohydrate cần thiết cho việc tăng cân và giải quyết lười ăn ở trẻ nhỏ.
– Khoai tây, khoai lang bên cạnh việc cung cấp lượng carbohydrate lớn cho cơ thể, hai loại khoai này còn chứa nhiều chất xơ có lợi cho hệ tiêu hoá ở trẻ nhỏ. Ngoài ra, khoai lang, khoai tây còn dễ dàng chế biến nhiều món ăn hấp dẫn cho bé như nghiền, nấu cháo, trộn với sữa,… giúp con có hứng thú với các món ăn hơn.
– Ngũ cốc: được biết đến là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn của trẻ em vì có thể dễ dàng trộn vào cháo, sữa để tăng thêm hương vị, kích thích con ăn ngon miệng hơn mà vẫn cung cấp nguồn chất dinh dưỡng dồi dào như chất xơ, protein, chất béo.
– Dầu oliu: với đặc tính kháng viêm, hỗ trợ tiêu hóa rất tốt, các bé không còn tình trạng “no giả”, lười ăn nữa.
Để giải quyết triệt để tình trạng trẻ biếng ăn và lo lắng của phụ huynh về cân nặng cũng như sự phát triển của bé, các bậc cha mẹ cần phải hiểu roc nguyên nhân bắt nguồn từ đâu từ đó mới có giải pháp khắc phục hiệu quả.