Trẻ bị sốt về đêm là biểu hiện của bệnh gì?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI
Trẻ bị sốt về đêm khiến ba mẹ cảm thấy lo lắng, không biết rằng bé yêu đang gặp phải bệnh lý gì? Có nguy hiểm không? Khi nào thì nên đưa bé đến bệnh viện? Bài viết sau đây, xin chia sẻ những bệnh mà trẻ có thể đang gặp phải khi có biểu hiện sốt về đêm. Ba mẹ hãy lưu ý để có biện pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả cho bé yêu.
Trẻ bị sốt về đêm có thể bé đang gặp phải một số bệnh lý nào đó mà ba mẹ không biết.
Trẻ bị sốt về đêm có thể bé đang gặp phải một số bệnh lý nào đó mà ba mẹ không biết. (ảnh minh họa)

1. Nguyên nhân khiến trẻ sốt về đêm

Trẻ bị sốt về ban đêm hay ban ngày là như nhau về biểu hiện cũng như các bệnh lý mà trẻ có thể gặp phải. Trong 24h, trẻ có thể bị sốt bất cứ lúc nào. Sốt về ban đêm hay sốt ban ngày đều có thể do các nguyên nhân và bệnh lý sau đây:

Trẻ bị sốt về đêm có thể do không mắc các bệnh nhiễm trùng hoặc không do nhiễm trùng gây ra.
Trẻ bị sốt đêm có thể do không mắc các bệnh nhiễm trùng hoặc không do nhiễm trùng gây ra. (Ảnh minh họa)

1.1. Sốt không do nhiễm trùng

Sốt do mọc răng, sốt do tiêm phòng, sốt do ban ngày trẻ hoạt động bị cảm nắng, trúng gió, … cũng có thể khiến trẻ bị sốt về ban đêm. Tuy nhiên nếu trẻ bị sốt do các nguyên nhân trên thì ba mẹ không nên quá lo lắng vì chúng không thể hiện bệnh lý nào, mà đó là một phản ứng tốt của cơ thể để bé chống lại các tác động bên ngoài.

Khi đó ba mẹ chỉ cần biết cách chăm sóc tốt cho trẻ như bổ sung chất dinh dưỡng, cho con ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý thì triệu chứng sốt này sẽ mau chóng biến mất.

1.2. Sốt do nhiễm trùng

Khi trẻ có biểu hiện sốt về đêm không do các nguyên nhân kể trên, thì rất có thể trẻ đang bị sốt do nhiễm trùng. Khi đó việc trẻ bị sốt về đêm cũng có thể biểu hiện một số bệnh lý mà bé có thể mắc phải, ba mẹ cần chú ý như:

Sốt virus: sốt cao (thường 39-40 độ C), nhức mỏi cơ thể, đau đầu, buồn nôn có thể tiêu chảy.

– Sốt xuất huyết: Sốt cao đột ngột, sort trên 3 ngày và có biểu hiện xuất huyết da hay chảy máu mũi, chảy máu răng. Trẻ có biểu hiện lừ đừ, vật vã, tay chân lạnh, ói ra máu, đau bụng, tiêu phân đen.

– Sốt do viêm phổi: Sốt cao, thở nhanh, thở bất thường, khò khè, ho, nôn, chán ăn, bỏ bú, lừ đừ; khi bệnh nặng, trẻ có thể bị tím tái môi và móng tay.

– Sốt do cảm cúm: sốt 2 – 3 ngày, kèm theo sổ mũi hay nghẹt mũi, đau họng, ho, mệt mỏi, chán ăn.

– Sốt do bệnh sởi: trẻ sốt cao liên tục, ho nhiều, chảy nước mũi, mắt đỏ, từ ngày thứ 4 ban xuất hiện ở mặt, lan ra chân và chi.

– Sốt do viêm tai: trẻ có thể sốt cao, bỏ ăn, ù tai, đau tai, chảy mủ tai, nghe không rõ. Đặc biệt, nếu chưa biết nói, trẻ có thể biểu hiện bằng cách kéo kéo tai.

– Sốt rét: Trẻ thường sốt kéo dài, liên tục, có hoặc không kèm lạnh run, đôi khi chỉ ớn lạnh, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ.

– Viêm màng não: sốt kèm theo thốp phồng, cổ cứng (trẻ không cử động cổ được, không cúi đầu xuống được), nhạy cảm với ánh sáng, nôn mửa, li bì.

– Lao: trẻ thường có dấu hiệu sốt kéo dài, thường sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi trộm, biếng ăn, đứng cân hay sụt cân, ho nhiều, ho ra máu và không đáp ứng với kháng sinh thông thường.

– Nhiễm trùng huyết: trẻ có biểu hiện nhiễm trùng, sốt cao liên tục, không ăn uống được, nôn ra tất cả, li bì, mạch nhanh, thở nhanh, có thể có phát ban da,…

2. Các biện pháp xử lý khi bé bị sốt về đêm

Trẻ bị sốt về đêm mẹ cần theo dõi và cho trẻ uống thuốc hạ sốt (nếu nhiệt độ từ 38.5 độ C trở lên)
Mẹ cần theo dõi và cho trẻ uống thuốc hạ sốt (nếu nhiệt độ từ 38.5 độ C trở lên). Để phòng thoáng khí, cởi bớt quần áo, bổ sung nước và cho trẻ đi khám kịp thời.(ảnh minh họa)

2.1. Uống thuốc hạ sốt

Trẻ sốt về đêm cần xử trí như sốt ban ngày. Nếu trẻ sốt trên 38.5 độ C, bạn nên cho con uống hạ sốt. Đối với trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi việc sử dụng thuốc hạ sốt này cần được sự tư vấn từ phía bác sĩ, tránh cho con uống tùy ý gây nguy hiểm.

Đối với trẻ bị sốt cao co giật, bố mẹ cần bình tĩnh xử lý, không nên cho tay hay vật dụng nào đó vào miệng trẻ. Bố mẹ nên đặt trẻ nằm nghiêng, nới rộng quần áo. Sau đó đợi hết cơn co giật, bố mẹ lấy khăn cho vào miệng trẻ để phòng tránh cơn co giật sau và đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ xử lý kịp thời và chẩn đoán xem trẻ có mắc bệnh lý nào trong những bệnh lý kể trên không.

2.2. Để phòng thoáng khí, không đóng kín cửa

Khi bé bị sốt về đêm, bố mẹ cần mở cửa phòng để cho phòng thoáng khí. Tránh việc đắp chăn, đóng kín cửa sẽ khiến bệnh của trẻ nặng hơn.

2.3. Cởi bớt quần áo

Khi trẻ bị sốt, ba mẹ nên cởi bớt quần áo, tã lót cho con. Đồng thời lấy khắn ấm vắt khô lau hai bên hốc nách và bẹn cho trẻ, thay khăn 2-3 phút/lần để trẻ hạ nhiệt.

Nếu cho trẻ uống hạ sốt, cửa phòng để thoáng mát và cởi bớt quần áo, lau người mà trẻ vẫn không đỡ thì bạn cần cho trẻ đến viện ngay để xử trí kịp thời tránh để trẻ sốt cao gây nguy hại.

2.4. Bổ sung nước cho trẻ

Khi bị sốt sẽ khiến trẻ bị mất nước, do đó cần cho trẻ uống nhiều nước. Nếu trẻ còn bú thì cho trẻ bú nhiều hơn và theo dõi nhiệt độ cơ thể của trẻ thường xuyên. Tình trạng sốt vẫn kéo dài không đỡ, bạn nên cho trẻ đến ngay cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ theo dõi thăm khám, chẩn đoán và phát hiện nguyên nhân sớm giúp trẻ cắt cơn sốt.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital