Tình trạng trẻ bị đau mắt có ghèn vàng, nhất là sau khi ngủ dậy khá phổ biến ở giai đoạn sơ sinh. Đó là biểu hiện của bệnh gì, có thể xử lý được không? Tìm hiểu ngay những thông tin sau đây để lý giải hiện tượng và lưu lại hướng khắc phục, phòng ngừa tốt nhất cho trẻ.
Menu xem nhanh:
1. Trẻ bị đau mắt có ghèn vàng là bệnh gì?
Mắt trẻ có ghèn vàng khi ngủ dậy có thể là biểu hiện bình thường. Mắt của con người có một chất dịch lỏng tự tiết ra để giữ ẩm. Chất dịch này màu trong hoặc trắng, ngà vàng, có thể ở trạng thái lỏng, ướt dính hoặc đóng vảy. Nó không gây hại cho mắt và có thể dễ dàng loại bỏ. Tuy nhiên, nếu trẻ bị đau mắt có ghèn vàng kèm theo một số triệu chứng khác, đó rất có thể là dấu hiệu của bệnh.
1.1 Trẻ bị đau mắt có ghèn vàng do tắc tuyến lệ
Tuyến lệ (hay ống lệ) có nhiệm vụ dẫn nước mắt. Bộ bận này ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất dễ bị tắc. Khi bị tắc tuyến lệ, nước mắt trẻ bị ứ đọng trong túi lệ, gây ra hiện tượng:
– Chảy nước mắt liên tục, chảy nhiều khi trẻ ở nơi có gió hoặc nhiệt độ thấp.
– Bé nhìn mọi vật đều bị mờ đi.
– Ghèn vàng xuất hiện nhiều hơn bình thường.
Bệnh tắc tuyến lệ có thể tự hết khi bé ngoài 1 tuổi. Tuy nhiên, nếu không cải thiện được, trẻ có nguy cơ nhiễm trùng, có mủ ở mắt. Về lâu dài rất dễ gây ảnh hưởng đến thị lực của trẻ.
1.2 Viêm kết mạc đổ ghèn vàng
Viêm kết mạc là tình trạng nhiễm trùng ở mắt xảy ra do vi khuẩn, virus tấn công hoặc có dị vật làm mắt bé bị dị ứng, kích ứng. Trẻ bị đổ ghèn vàng kèm theo mủ làm cho mi trên và mi dưới dính chặt vào nhau khi vừa ngủ dậy.
Viêm kết mạc do virus thường kèm theo biểu hiện mắt đỏ, ghèn nhầy lỏng, ngứa và đau mắt. Trẻ có thể bị sốt nhưng mắt không có mủ.
Nếu trẻ vừa sinh bị viêm kết mạc do khuẩn Chlamydia Trachomatis gây ra thì có khả năng bị lây truyền từ mẹ trong quá trình sinh. Lý do là bởi khuẩn này có thể xâm nhập và làm nhiễm trùng bộ phận sinh dục. Triệu chứng bệnh sẽ xuất hiện trong 1, 2 tuần sau sinh. Bố mẹ nên cho con đi viện kiểm tra vì có đến một nửa trường hợp nhiễm Chlamydia từ mẹ trong quá trình sinh cũng nhiễm trùng ở phổi, vòm họng.
Một trường hợp khác, trẻ cũng bị đau mắt với biểu hiện khá giống với viêm kết mạc, nhưng trong mắt dày mủ, mí sưng, đó là do lây khuẩn lậu mủ từ mẹ. Với bệnh này, trẻ có nguy cơ nhiễm trùng máu, nhiễm trùng tủy sống, viêm màng não rất nguy hiểm.
1.3 Viêm bờ mi
Một số trẻ bị đau mắt đổ ghèn vàng do viêm nhiễm ở các nang lông mi, gọi là viêm bờ mi. Khác với hiện tượng đổ ghèn vàng thông thường, khi viêm bờ mi, mắt của trẻ có nhiều ghèn vàng và dính chặt vào nhau sau khi trẻ ngủ dậy. Còn ở trẻ khỏe mạnh, ghèn vàng xuất hiện ít và không làm dính hai bờ mi vào nhau.
Ngoài ra, ghèn vàng xuất hiện ở mắt trẻ còn do vướng dị vật trong mắt. Theo cơ chế phòng vệ, mắt sẽ tự đổ nhiều dịch để đẩy dị vật ra ngoài. Kèm theo dị vật, ghèn vàng, mắt trẻ còn bị chảy nước. Một số trường hợp khác mắt đổ ghèn vàng còn do lẹo mắt, mắt bị kích ứng…
2. Cách xử lý tốt nhất
2.1 Điều trị bệnh liên quan
Cần cho trẻ đi khám, làm rõ nguyên nhân bị đau mắt ngay khi thấy dấu hiệu của bệnh. Khi xác định trẻ bị đau mắt đổ ghèn vàng do đâu, bác sĩ sẽ hướng dẫn chi tiết cách điều trị.
Trẻ đau mắt do tắc tuyến lệ:
– Thông thường với trẻ dưới 3 tháng tuổi, chỉ cần day mắt ở vùng túi lệ và vệ sinh mắt với nước muối sinh lý hàng ngày.
– Trẻ từ 3 – 8 tháng tuổi có thể bơm thông tuyến lệ hoặc tra thuốc, kết hợp day túi lệ
– Trẻ trên 8 tháng tuổi được các bác sĩ khuyến khích đặt ống thông lệ đạo.
Xử lý viêm kết mạc:
– Viêm kết mạc do virus có thể tự khỏi sau 1 – 2 tuần. Trường hợp bệnh chuyển biến nặng, cần dùng thuốc nhỏ mắt trị đau mắt đỏ cho trẻ sơ sinh.
– Nếu viêm kết mạc do nhiễm khuẩn, cần xác định chính xác nguồn lây và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Điều trị viêm bờ mi:
– Nếu trẻ bị viêm bờ mi nhẹ, có thể vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý hàng ngày để cải thiện bệnh.
– Trường hợp viêm nặng, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh đường uống hoặc bôi, kết hợp vệ sinh bờ mi để điều trị.
2.2 Hướng dẫn vệ sinh cho trẻ bị đau mắt có ghèn vàng
Trẻ bị đau mắt có ghèn vàng cần được vệ sinh mắt thường xuyên và đúng cách. Hàng ngày, bố mẹ cần giúp con loại bỏ ghèn đọng ở khóe mắt và mí mắt thật sạch.Tránh để ghèn khô làm đau mắt trẻ và khiến trẻ khó mở mắt sau khi ngủ dậy.
– Chú ý vệ sinh tay sạch bằng xà phòng và nước trước khi rửa mắt cho trẻ.
– Sử dụng gạc vô trùng, thấm vào nước muối sinh lý ấm và lau nhẹ nhàng từ khóe mắt đến đuôi mắt cho trẻ.
– Sử dụng gạc riêng cho từng bên mắt, không tận dụng dùng chung cho cả hai bên.
– Cho gạc đã sử dụng vào thùng rác và vứt bỏ ngay, tránh để trẻ tiếp xúc với gạc bẩn.
Để bảo vệ đôi mắt cho trẻ, bố mẹ nên vệ sinh cho trẻ hàng ngày bằng khăn mặt riêng, làm sạch phòng ngủ, không gian sống. Đồng thời luôn nhắc nhở trẻ không được dụi mắt.
Nên cho trẻ đi khám mắt tại bệnh viện uy tín để chắc chắn mắt trẻ đổ ghèn do đâu. Phòng khám Chuyên khoa mắt TCI được trang bị đầy đủ các thiết bị máy móc hiện đại. Các bác sĩ giỏi chuyên môn dễ dàng khám mắt, kiểm tra nguyên nhân chính xác trẻ bị đau mắt. Từ đó giúp bố mẹ đưa ra phương án xử lý hiệu quả, an toàn và nhanh chóng nhất. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường ở mắt như có ghèn vàng kèm theo đau mắt đỏ có mủ… hãy cho trẻ đến Thu Cúc TCI ngay.