Theo các số liệu thông kê gần đây, có tới 70% dân số nước ta nhiễm vi khuẩn HP. Các trường hợp bị viêm loét dạ dày có vi khuẩn HP khá phổ biến. Vậy nguyên nhân từ đâu khiến loại vi khuẩn này dễ lây lan như vậy? Cách chẩn đoán và phòng tránh bệnh như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về bệnh viêm loét dạ dày qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm viêm loét dạ dày có vi khuẩn HP
Viêm loét dạ dày có vi khuẩn hp là bệnh lý thường gặp ở hệ tiêu hóa. HP (Helicobacter pylori) dạ dày là là một loại vi khuẩn có khả năng tồn tại trong dạ dày. Chúng có thể sống trong môi trường acid đậm đặc. Vi khuẩn HP tồn tại ở 2 trạng thái không hoạt động và hoạt động. Nếu người nhiễm vi khuẩn HP ở trạng thái không hoạt động sẽ không gây ảnh hưởng gì. Tuy nhiên khi vi khuẩn hoạt động sẽ tiết ra độc tố gây hại cho dạ dày.
2. Vi khuẩn HP lây qua các con đường nào?
Vi khuẩn HP là loại vi khuẩn dễ lây lan. Bệnh có thể lây rộng rãi qua nhiều con đường khác nhau.
2.1 Đường miệng – miệng
Lây qua đường miệng là con đường lây lan chính của vi khuẩn HP. Người khỏe mạnh khi tiếp xúc với nước bọt hoặc dịch tiết đường tiêu hóa của người bệnh có khả năng nhiễm bệnh. Nếu sống chung với người mắc vi khuẩn HP thì có khả năng cao những thành viên khác trong gia đình cũng mắc bệnh. Vi khuẩn có thể lây qua việc dùng chung bát đũa, nước chấm, hôn nhau, mẹ mớm cơm cho con,…
2.2 Đường phân – miệng
Vi khuẩn HP có thể tồn tại trong chất thải của con người. Vì vậy chúng có thể lây lan nếu người bệnh sau khi đi vệ sinh không rửa tay sạch sẽ. Khuẩn HP cũng có thể được lây lan qua con đường trung gian như: Ruồi, chuột, gián,…
2.3 Các con đường khác
Các thực phẩm chưa được rửa sạch và chế biến chín như: Rau sống, gỏi sống cũng có thể chứa vi khuẩn gây bệnh.
Các cơ sở y tế, bệnh viện nếu không khử trùng dụng cụ nghiêm ngặt, sạch sẽ cũng có thể là nguồn lây vi khuẩn.
3. Đối tượng bị viêm dạ dày HP
Tất cả mọi người đều có thể là đối tượng bị viêm loét dạ dày. Tuy nhiên có một số đối tượng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn người bình thường.
3.1 Người sống tại nơi ô nhiễm, điều kiện sinh hoạt còn hạn chế
Vi khuẩn HP hoạt động mạnh ở những nước kém phát triển do môi trường ô nhiễm và điều kiện sống còn hạn chế. Những nơi này có nguồn nước không đảm bảo, nước sinh hoạt thậm chí được lấy từ nguồn nước bẩn. Đây là môi trường sống lý tưởng của các vi khuẩn gây hại cho sức khỏe hoạt động.
Bên cạnh đó do trình độ dân trí chưa cao nên ý thức tự bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng thấp. Người dân sống ở những khu vực này rất dễ nhiễm vi khuẩn HP.
3.2 Sống ở những nơi đông người
Sống ở những nơi đông người tiềm ẩn nguy cơ bệnh lây lan rộng do không biết ai mắc bệnh để phòng tránh. Vì vậy mỗi người cần tự nâng cao ý thức bảo vệ bản thân như tránh dùng chung bát đũa, đồ dùng cá nhân, thức ăn chưa được nấu chín,…
3.3 Sống cùng nhà với người bị viêm loét dạ dày có vi khuẩn HP
Vi khuẩn HP có khả năng lây nhiễm từ người sang người qua dịch nước bọt, dịch tiết đường tiêu hóa, thói quen không giữ gìn vệ sinh. Vì vậy khi sống cùng người mắc bệnh bạn có khả năng nhiễm bệnh.
4. Cách chẩn đoán vi khuẩn HP
Nhiều trường hợp người nhiễm vi khuẩn HP không có dấu hiệu rõ ràng. Tuy nhiên phần lớn người bệnh sẽ gặp các cơn đau ở vùng thượng vị, đầy bụng, khó tiêu,…Khi gặp phải các dấu hiệu trên bạn nên tới bệnh viện để được chẩn đoán chính xác.
4.1 Chẩn đoán viêm loét dạ dày có vi khuẩn HP bằng phương pháp xét nghiệm
Xét nghiệm H.pylori giúp xác định xem trong dạ dày của bạn có tồn tại vi khuẩn HP hay không. Vi khuẩn này có thể được phát hiện qua xét nghiệm hơi thở, xét nghiệm máu, xét nghiệm phân.
4.2 Nội soi đường tiêu hóa trên
Bác sĩ sẽ dử dụng một ống mảnh và dài, dễ di chuyển với một máy ghi hình nhỏ được gắn ở đầu. Ống này được luồn qua cổ họng đi vào thực quản và đi xuống dạ dày ruột non. Ống nội soi di chuyển và đồng thời ghi lại hình ảnh bên trong các cơ quan mà chúng đi qua. Bác sĩ sẽ quan sát được các vết viêm loét trên bề mặt niêm mạc dạ dày.
4.3 Chụp X-quang đường tiêu hóa
Phương pháp này sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh của các cơ quan trong hệ tiêu hóa. Hình ảnh thu được gồm thực quản, ruột non, dạ dày. Để các vết loét rõ nét hơn trên hình ảnh bạn cần uống thuốc cản quang có chứa barium theo hướng dẫn trước khi tiến hành chụp.
5. Biện pháp phòng ngừa viêm loét dạ dày có vi khuẩn HP
Viêm loét dạ dày là bệnh rất dễ mắc phải và cũng dễ tái nhiễm. Chính vì vậy mọi người cần có các biện pháp phòng tránh bệnh từ sớm.
– Nếu trong gia đình bạn có người thân từng mắc bệnh viêm dạ dày thì cần thận trọng để tránh bị lây bệnh. Vi khuẩn có thể lây qua nước bọt, dịch tiết đường tiêu hóa, rửa tay bằng xà phòng sạch sẽ sau khi đi ngoài.
– Hạn chế ăn quán xá, nên vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ chế biến thức ăn. Không nên ăn các thực phẩm chưa qua chế biến như rau sống, gỏi,…
– Nên tạo thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi năm 1 lần đối với người khỏe mạnh và 6 tháng một lần với người có vi khuẩn HP. Bạn cũng nên lựa chọn các bệnh viện và cơ sở y tế uy tín để đảm bảo sức khỏe.
– Nếu không may bị nhiễm vi khuẩn, người bệnh cần được điều trị càng sớm càng tốt để hạn chế xảy ra biến chứng nặng hơn. Bạn cũng nên nhờ bác sĩ tư vấn để có phác đồ điều trị phù hợp và tránh lây bệnh cho những người thân trong gia đình.
Mong rằng qua bài viết bạn đã trang bị được những kiến thức cần thiết giúp hạn chế nguy cơ lây bệnh. Ngay khi biết nhiễm bệnh mọi người cần nghiêm túc điều trị để tiêu diệt vi khuẩn sớm. Bệnh viêm loét dạ dày có vi khuẩn HP nếu để lâu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.