Sỏi niệu đạo nếu không được điều trị kịp thời đúng cách sẽ là nguyên nhân gây ra các biến chứng xấu ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Điều trị loại bỏ sỏi bằng phương pháp tán sỏi niệu đạo thông qua nội soi ngược dòng đang là phương pháp được áp dụng điều trị cho người bệnh mang lại hiệu quả cao.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh sỏi niệu đạo và tại sao cần thực hiện tán sỏi niệu đạo
1.1 Bệnh sỏi niệu đạo – những thông tin cơ bản
Đây là sỏi nằm trên đường ống niệu đạo, một đường ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể. Sỏi niệu đạo là bệnh lý thường xảy ra ở nam giới hơn so với nữ giới. Lý do là bởi niệu đạo của nam giới dài hơn nữ giới nên quá trình sỏi tự di chuyển ra ngoài sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, dẫn đến tình trạng mắc kẹt cao hơn.
Nguyên nhân dẫn đến sỏi xuất hiện tại niệu đạo chủ yếu là bởi quá trình rơi của sỏi ở đường tiết niệu trên như sỏi bàng quang, sỏi niệu quản, sỏi thận, kẹt tại niệu đạo mà không được bài xuất ra ngoài.
Một số nguyên nhân ít gặp hơn đó là do hẹp niệu đạo, có túi thừa niệu đạo, tình trạng hẹp bao quy đầu, dính bao quy đầu… Những vấn đề này dẫn đến nước tiểu bị đọng lại, khiến cặn sỏi kết tinh lại và hình thành nên viên sỏi.
1.2 Tại sao cần thực hiện tán sỏi niệu đạo kịp thời
Sỏi niệu đạo hay sỏi tiết niệu nói chung khi giữ lâu trong cơ thể đều dẫn đến những hệ lụy đối với sức khỏe của người bệnh. Sỏi càng để lâu, kích thước càng lớn có thể sẽ dẫn đến tần suất tăng theo của các triệu chứng, khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, bất tiện trong cuộc sống hàng ngày. Cụ thể đó là đi tiểu không thuận lợi, tiểu rắt, tiểu són, tiểu không hết nước, tia nước tiểu nhỏ… Hoặc người bệnh có thể cảm thấy đau khu vực bọng đái, bộ phận sinh dục hoặc đau quặn thận khi sỏi làm bí tắc hoàn toàn dòng tiểu gây áp lực lớn đến cho thận.
Không chỉ gây ra những triệu chứng kể trên, nếu sỏi lớn gây cản trở dòng nước tiểu kéo dài mà không có phương pháp điều trị khắc phục, tán sỏi loại bỏ sỏi kịp thời, khả năng gặp những biến chứng tiềm ẩn là rất lớn.
– Bệnh lý nhiễm khuẩn đường tiết niệu nghĩa là người bệnh có thể gặp tình trạng nhiễm trùng ở bất kỳ cơ quan nào trong hệ tiết niệu, bao gồm: Thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo.
– Các bệnh lý thận ứ nước, ứ mủ, giãn đài thận, giãn bể thận.
– Người bệnh có thể phải trải qua quá trình chạy thận, ghép thận nếu thận đã mất chức năng hoạt động bình thường, không còn khả năng lọc máu.
2. Phương pháp tán sỏi niệu đạo công nghệ cao
Khi sỏi có kích thước lớn, tồn tại trong lòng niệu đạo mà không tự di chuyển theo dòng nước tiểu ra ngoài, gây ra những biến chứng thì việc can thiệp ngoại khoa để bỏ sỏi là cần thiết. Tán sỏi niệu đạo nội soi ngược dòng bằng laser là phương pháp tán sỏi công nghệ cao tân tiến, với nhiều ưu điểm vượt trội loại bỏ sỏi đơn giản, an toàn, không để lại sẹo, không có nhiễm trùng vết thương hở như mổ mở, tỷ lệ sạch sỏi cao chỉ trong một lần thực hiện.
2.1 Chỉ định sử dụng phương pháp tán sỏi niệu đạo
Điều trị sỏi niệu đạo bằng tán sỏi nội soi ngược dòng sử dụng cho bệnh nhân mắc sỏi kích thước lớn, không thể tự đi ra ngoài, cũng như tiếp tục để lâu sẽ gây ra biến chứng.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần đáp ứng những điều kiện như: Bệnh nhân không có chống chỉ định gây mê phẫu thuật, không có nhiễm khuẩn đường tiết niệu hoặc đã được điều trị ổn định. Bệnh nhân có tình trạng hẹp niệu đạo hay niệu đạo dị dạng không đưa máy nội soi vào để tiếp cận sỏi.
2.2 Các bước tiến hành phương pháp tán sỏi niệu đạo nội soi ngược dòng bằng laser
– Bác sĩ sẽ để bệnh nhân nằm ở vị trí thích hợp, tiến hành gây tê tủy sống hoặc gây mê toàn thân.
– Tiếp đến sẽ sử dụng máy nội soi chuyên dụng đưa vào niệu đạo đến vị trí của sỏi.
– Sau khi xác định được số lượng, kích thước sỏi, bác sĩ sẽ tiến hành phá vụn sỏi bằng laser.
– Cuối cùng bác sĩ sẽ lấy hết vụn sỏi ra ngoài và đặt ống thông niệu đạo. Ống thông này giúp theo dõi tình trạng bệnh nhân sau tán sỏi, sẽ được bác sĩ rút ra sau khoảng 24h.
– Bệnh nhân sau khoảng 1-2 ngày là có thể xuất viện về nhà, và sau khoảng 4-5 ngày bệnh nhân có thể trở lại sinh hoạt và làm việc bình thường.
Điều trị sỏi niệu đạo bằng tán sỏi nội soi ngược dòng, bệnh nhân ít đau, nhanh phục hồi bởi phương pháp này sỏi được lấy ra bằng đường tự nhiên của cơ thể, không mổ mở. Người bệnh cần lưu ý sau quá trình điều trị nếu xuất hiện các triệu chứng: Đái máu, đau buốt, đau dữ dội vùng thắt lưng lan xuống bẹn, bìu… thì cần đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ khám và xử lý biến chứng kịp thời.
3. Lời khuyên đề phòng tái phát sỏi niệu đạo, sỏi tiết niệu
Theo nhiều thống kê, có đến 30% sỏi tái phát sau khoảng 3-5 năm. Nguyên nhân dẫn đến khả năng tái phát của sỏi chủ yếu xuất phát từ chế độ ăn uống, lối sống sinh hoạt không khoa học. Chình vì vậy sau khi điều trị sỏi tiết niệu thành công, người bệnh vẫn nên áp dụng những biện pháp phòng ngừa để tránh nguy cơ tái phát về lâu dài.
– Luôn nhớ uống nước và bổ sung đủ từ 2.5 đến 3 lít nước mỗi ngày và đi tiểu ngay khi có nhu cầu. Ngoài ra bạn có thể đánh giá lượng nước nạp vào cơ thể đã đủ hay chưa dựa vào màu sắc của nước tiểu. Nếu ngày bạn đi tiểu 4 đến 6 lần, kèm theo nước tiểu màu trong, thì tức là bạn đã bổ sung đủ nước cần thiết cho cơ thể.
– Cải thiện chế độ dinh dưỡng hàng ngày: Giảm lượng đạm động vật, hạn chế ăn quá nhiều muối, đường, thức ăn nhiều oxalat. Điều tiết lượng canxi nạp vào cơ thể khoảng 400mg mỗi ngày. Tăng cường bổ sung trái cây và rau xanh, thực phẩm lợi tiểu và dễ tiêu hóa…
– Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về các loại thuốc có ý định sử dụng, bởi một số loại thuốc nếu không sử dụng theo đúng chỉ định sẽ dẫn đến nguy cơ mắc sỏi cao.
– Luyện tập thể dục thể thao hàng ngày để hệ bài tiết hoạt động tốt hơn, các độc tố trong cơ thể từ đó cũng dễ dàng được đào thải ra ngoài.
– Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm sỏi tiết niệu, từ đó có kế hoạch điều trị đạt kết quả tối ưu, tiết kiệm nhiều chi phí.
Tán sỏi niệu đạo nội soi ngược dòng bằng laser là phương pháp ưu việt, hiệu quả loại bỏ sỏi tân tiến bằng đường tự nhiên của cơ thể. Chính vì vậy bạn hoàn toàn yên tâm tán sỏi mà không cần quá lo lắng về việc có vết mổ lớn hay nhiễm trùng sau mổ như phẫu thuật mổ mở truyền thống.