Bệnh thoái hóa hoàng điểm ở mắt có thể dẫn tới mù lòa nếu người bệnh không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Để ngăn ngừa biến chứng do bệnh gây ra, mọi người cần chủ động trong việc thăm khám nhãn khoa thường xuyên hoặc khi có dấu hiệu bất thường.
Menu xem nhanh:
1. Thoái hóa hoàng điểm ở mắt là gì?
Thoái hóa điểm vàng là một vấn đề thường gặp ở mắt, xảy ra do tổn thương hoàng điểm ở trung tâm võng mạc khiến thị lực trung tâm bị suy giảm nghiêm trọng hoặc mất đi. Tuổi già là một trong những yếu tố hàng đầu khiến mọi người có nguy cơ cao mắc bệnh do cơ thể bước vào giai đoạn láo hóa. Hiện nay, tỷ lệ người trưởng thành mắc thoái hóa điểm vàng cũng đang có dấu hiệu tăng mạnh cho thấy đây là một vấn đề đáng báo động.
Vùng trung tâm thị lực của mắt bị ảnh hưởng khi mắc thoái hóa hoàng điểm khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Tầm nhìn bên ngoài tuy không bị ảnh hưởng quá lớn nhưng sẽ giảm dần theo thời gian nếu người bệnh không được điều trị đúng cách và kịp thời.
Có hai thể thoái hóa điểm vàng thường gặp hiện nay là thoái hóa thể khô và thoái hóa thể ướt với các đặc trưng của bệnh như sau:
– Thể khô: Đặc trưng với các mảng lắng đọng chất béo màu vàng ở võng mạc mắt khiến bệnh nhân mất đi một phần thị lực. Ở thể khô, bệnh ít khi gây suy giảm thị lực nghiêm trọng hoặc khiến người bệnh bị mù lòa nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới thị lực và sinh hoạt hằng ngày.
– Thể ướt: Mạch máu tăng sinh phát triển ở dưới võng mạc có thể gây rò rỉ máu hoặc dịch khiến tầm nhìn bị gợn sóng hoặc méo mó cũng như xuất hiện các điểm mù. Thoái hóa hoàng điểm thể ướt gây mất thị lực nghiêm trọng, nguy cơ dẫn tới mù lòa cao và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, sinh hoạt của người bệnh.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân chính dẫn tới thoái hóa điểm vàng được xác định là do tuổi tác. Khi con người bước vào giai đoạn ngoài 50, cơ thể bắt đầu lão hóa khiến tế bào suy giảm khả năng chống lại gốc tự do và giảm khả năng tự phục hồi. Mắt cũng là một trong những cơ quan chịu ảnh hưởng nặng nề của sự lão hóa. Thoái hóa điểm vàng được thống kê là có tỷ lệ mắc cao hơn ở những người ngoài 50 trên khắp toàn cầu.
Tuy vậy, người trẻ tuổi cũng có nguy cơ mắc bệnh do gen di truyền. Tỷ lệ người mắc bệnh được sinh ra trong gia đình có thành viên mắc thoái hóa điểm vàng cao hơn so với gia đình không có tiền sử mắc bệnh. Ngoài ra, sự ảnh hưởng của các tác nhân bên ngoài như tia UV, ánh sáng xanh, khói thuốc, rượu bia, chất kích thích… cũng có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc thoái hóa điểm vàng.
Người bệnh cần đi khám sớm khi có dấu hiệu bất thường để được xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Bởi đây là yếu tố quan trọng giúp bác sĩ có thể đưa ra phương án điều trị và phác đồ điều trị phù hợp nhằm mang lại hiệu quả cao cho người bệnh.
3. Dấu hiệu nhận biết
Bệnh thoái hóa điểm vàng khi ở giai đoạn khởi phát thường không có dấu hiệu nào đặc biệt và thường tiến triển âm thầm nên không phải ai cũng có thể nhận ra dấu hiệu của bệnh từ sớm để điều trị kịp thời. Tùy thuộc vào giai đoạn mà bệnh lý cũng sẽ biểu hiện thành các dấu hiệu khác nhau như:
– Giai đoạn đầu: Phần lớn dấu hiệu của bệnh chưa quá rõ nét nên người bệnh thường khó phát hiện. Ở một số người có thể gặp phải tình trạng nhìn mờ, thị lực giảm khi trời tối. Tuy nhiên, dây là dấu hiệu thường gặp và có thể phổ biến ở mọi bệnh lý, thậm chí có nhiều người nhầm tưởng là suy giảm thị lực do tuổi tác.
– Giai đoạn giữa: Các triệu chứng bắt đầu biểu hiện rõ dần nhưng chưa quá nghiêm trọng. Tình trạng mờ, mỏi mắt thường xuyên xảy ra có thể khiến người bệnh thấy bất tiện trong sinh hoạt nhưng cũng chưa ảnh hưởng quá lớn tới thị lực. Một số người bệnh có thể bị sai lệch màu sắc nhẹ.
– Giai đoạn cuối: Ở giai đoạn này, các dấu hiệu thị lực suy giảm trở nên nghiêm trọng và rõ nét hơn. Người bệnh thường xuyên nhìn mờ, thậm chí là mù màu. Một số trường hợp có thể có thị lực méo mó, gấp khúc,.. tầm nhìn hạn chế và có thể xuất hiện điểm mù.
4. Phương pháp điều trị
Hiện nay vẫn chưa có giải pháp điều trị dứt điểm tình trạng thoái hóa hoàng điểm. Nguyên tắc điều trị đang được áp dụng là làm chậm quá trình bệnh phát triển và chậm quá trình thị lực suy giảm cho người bệnh. Các phương pháp được áp dụng tại cơ sở nhãn khoa để điều trị thoái hóa điểm vàng cụ thể như sau:
– Điều trị nội khoa: Bác sĩ sẽ sử dụng một số loại thuốc phù hợp để ngăn cản mạch máu tăng sinh và giảm nguy cơ rò rỉ chất lỏng vào trong mắt.
– Điều trị ngoại khoa: Sử dụng tia laser để phá hủy hệ thống mạch máu tăng sinh bất thường, giảm thiểu nguy cơ bệnh tiến triển nặng cho người bệnh.
– Điều trị quang động học: Kết hợp điều trị bằng thuốc và laser để cải thiện tình trạng thoái hóa hoàng điểm. Thuốc được các mạch máu tăng sinh hấp thụ, sau đó sử dụng tia laser để phá hủy các mạch máu này.
Trong quá trình điều trị, người bệnh sẽ được tư vấn và hướng dẫn sinh hoạt với một chế độ lành mạnh, dinh dưỡng khoa học và cân bằng để cải thiện sức khỏe.
Bệnh thoái hóa hoàng điểm ở mắt tiến triển âm thầm nhưng có thể “phá hủy” thị lực một cách nghiêm trọng. Cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe thị lực chính là mọi người cần chủ động thăm khám nhãn khoa thường xuyên để có thể phát hiện sớm các bệnh lý và điều trị kịp thời.