Tìm hiểu nguyên nhân bệnh gan nhiễm mỡ

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Ước tính có khoảng 30 triệu người Việt Nam đang bị gan nhiễm mỡ. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu người bệnh chủ quan không điều trị. Cùng đọc bài viết sau để tìm hiểu nguyên nhân bệnh gan nhiễm mỡ và các phương pháp điều trị.

1. Các nguyên nhân bệnh gan nhiễm mỡ cần biết

1.1. Nguyên nhân bệnh gan nhiễm mỡ – lạm dụng bia rượu

Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh lý về gan trong đó có bệnh gan nhiễm mỡ. Với lá gan khỏe mạnh, nó có thể thực hiện tốt chức năng lọc và đào thải độc tố, loại bỏ hầu hết rượu đưa vào cơ thể. Tuy nhiên khi uống quá nhiều rượu, gan không thể thực hiện tốt các nhiệm vụ đó gây tích trữ chất độc tại gan. Những chất này sẽ làm tổn thương tế bào gan, đẩy nhanh quá trình viêm gan, khiến hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể suy yếu. Càng uống nhiều bia rượu, gan càng dễ tổn thương.

Bệnh gan nhiễm mỡ do rượu là giai đoạn sớm nhất của các bệnh gan do rượu. Sau đó bệnh sẽ tiến triển thành viêm gan do rượu, xơ gan thậm chí là ung thư gan nếu không điều trị kịp thời.

Rượu bia là nguyên nhân bệnh gan nhiễm mỡ hàng đầu

Rượu bia là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh gan nhiễm mỡ cũng như các bệnh về gan

1.2. Nguyên nhân bệnh gan nhiễm mỡ – tăng cân không kiểm soát, thừa cân, béo phì

Thừa cân béo phì là một yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ. Khi cơ thể cung cấp lượng chất béo triglyceride vượt ngưỡng cơ thể cho phép sẽ xảy ra hiện tượng tích tụ và gây bệnh. Ngoài ra khi lượng calories hấp thụ quá cao cũng khiến cơ thể không chuyển hóa hết thành năng lượng. Từ đó tích trữ dưới dạng triglyceride.

1.3. Giảm cân quá mức, sử dụng các phương pháp ép cân phản khoa học

Giảm cân, ép cân quá nhanh sẽ kích thích lipolysis trong cơ thể. Các chất béo trong cơ thể sẽ tăng nhanh và gia tăng quá trình peroxy hóa lipid, từ đó làm tế bào gan bị tổn thương và khiến gan nhiễm mỡ.

Giảm cân, ép cân không khoa học là nguyên nhân bệnh gan nhiễm mỡ

Giảm cân nhanh, kiêng khem, nhịn ăn quá mức gây ra tác dụng phụ là bệnh gan nhiễm mỡ

1.4. Bệnh nhân tiểu đường, máu nhiễm mỡ

Bản chất của bệnh tiểu đường là rối loạn chuyển hóa glucose, đường huyết tăng cao tạo một lớp bao phủ khiến gan mất đi chức năng chuyển hóa cholesterol. Do đó mà dẫn đến tình trạng tích tụ quá nhiều cholesterol gây ra bệnh.

Lipid trong máu đi qua gan nhiều thì hàm lượng cholesterol trong máu cũng tăng lên. Nếu vượt ngưỡng có thể chuyển hóa của gan sẽ làm mỡ trong máu tồn động trong gan và gây bệnh gan nhiễm mỡ.

1.5. Chế độ ăn uống không khoa học, nhiều dầu mỡ, cholesterol

Chế độ ăn uống thiếu khoa học, không cân bằng dinh dưỡng cũng là nguyên nhân gây ra bệnh. Việc nạp quá nhiều thực phẩm chứa cholesterol trong khẩu phần ăn làm tăng nguy cơ tăng mỡ máu và các bệnh về tim mạch.

1.6. Ảnh hưởng từ một số nhóm thuốc điều trị

Một số loại thuốc điều trị một số bệnh có thể ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp protein, can thiệp vào quá trình chuyển hóa lipoprotein và dẫn đến gan nhiễm mỡ.

1.7. Nhóm nguyên nhân khác

Ngoài những nguyên nhân nêu trên thì di truyền và mang thai cũng là một trong những nguyên nhân của căn bệnh này. Suy dinh dưỡng cũng thuộc nhóm nguy cơ của gan nhiễm mỡ. Tình trạng này khiến cơ thể không thể tổng hợp được apolipoprotein làm cho chất triglyceride tích tụ trong gan, lâu dần gây bệnh.

2. Các phương pháp phòng tránh bệnh gan nhiễm mỡ

2.1. Tập luyện thể dục thể thao, tăng cường vận động hàng ngày

Để ngăn ngừa bệnh gan nhiễm mỡ hiệu quả, hãy tăng cường vận động đều đặn mỗi ngày. Tập luyện giúp đốt cháy calo, lưu thông tuần hoàn máu, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Bạn có thể tập bất cứ môn tập nào như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi, yoga, aerobics, … miễn là duy trì đều đặn.

2.2. Giảm cân, kiểm soát cân nặng ở ngưỡng phù hợp

Điều này là yếu tố bắt buộc với người bệnh gan nhiễm mỡ. Kiểm soát cân nặng sẽ kiểm soát tốt lượng calo và chất béo nạp vào cơ thể. Nên tăng cường ăn rau củ quả tươi, tập luyện đều đặn và hạn chế đồ ăn nhanh. Khi cân nặng vượt chuẩn sẽ tăng nguy cơ bị gan nhiễm mỡ.

2.3. Bỏ rượu, bia, đồ uống có cồn

Để tránh mắc các bệnh về gan, hãy hạn chế tối đa hoặc loại bỏ hoàn toàn rượu, bia. Người đã bị gan nhiễm mỡ nhẹ mà vẫn uống bia rượu sẽ khiến bệnh tiến triển nhanh, nguy hiểm.

2.4. Kiểm soát tốt bệnh tiểu đường

Tiểu đường là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh gan nhiễm mỡ và nhiều bệnh khác. Hãy theo dõi đường huyết thường xuyên, sử dụng thuốc theo chỉ dẫn và ăn uống theo thực đơn của bác sĩ.

2.5. Ăn uống lành mạnh, đủ chất

Để hạn chế lượng mỡ trong máu, bạn cần có chế độ ăn cân bằng, đủ dưỡng chất. Nên tăng cường rau xanh, hoa quả tươi, uống các loại trà có tính mát. Một số loại rau quả tốt cho gan mà người bệnh nên bổ sung là:

– Bắp cải

– Bông cải xanh

– Bông atiso

– Chuối

– Táo

– Cam

– Quýt

– Bưởi

– Bơ

– Mâm xôi

– Óc chó

– Cherry

– Trà xanh

– Trà hoa cúc

Tránh ăn các đồ ăn nhiều dầu mỡ, quá ngọt hoặc quá mặn, nhiều tinh bột. Nên chiên rán món ăn bằng dầu thực vật thay cho các dầu thông thường, bao gồm:

– Dầu oliu

– Dầu hướng dương

– Dầu hạt cải

– Dầu điều …

Nên bổ sung cá vào thực đơn hàng ngày như cá hồi, cá ngừ. Nhóm cá này giàu omega -3 và các nhóm chất tốt cho gan.

Rau xanh, trái cây tươi là nguồn thực phẩm tốt cho bệnh gan nhiễm mỡ và sức khỏe nói chung

Rau xanh, trái cây tươi là nguồn thực phẩm tốt cho bệnh gan nhiễm mỡ và sức khỏe nói chung

3. Các phương pháp chẩn đoán bệnh gan nhiễm mỡ người bệnh cần biết

Để chẩn đoán chính xác tình trạng gan nhiễm mỡ, bác sĩ chỉ định thực hiện xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh như sau:

Người bệnh thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra các chỉ số sau đây:

– Cholesterol

– Triglyceride

– Các định lượng men gan bao gồm AST, ALT, GGT

Nếu nghi ngờ gan nhiễm mỡ tiến triển thành xơ gan, phải thực hiện xét nghiệm thêm các chỉ số Bilirubin, Albumin, protein máu…

Thực hiện các xét nghiệm để kiểm tra người bệnh có đang nhiễm virus viêm gan A, B, C hay không.

Siêu âm ổ bụng: phương pháp thực hiện này có ưu điểm nhanh chóng, không xâm lấn để chẩn đoán tình trạng bệnh.

Chụp CT, chụp cộng hưởng từ MRI cũng dùng để chẩn đoán tình trạng gan nhiễm mỡ.

4. Trả lời câu hỏi: Bệnh gan nhiễm mỡ điều trị như thế nào?

Tùy vào tình trạng nhiễm mỡ ở gan của từng người, bác sĩ sẽ tư vấn một phác đồ điều trị phù hợp. Một số gợi ý để kiểm soát tốt căn bệnh này là:

– Giảm cân: đối với những người béo phì và bị gan nhiễm mỡ bắt buộc phải giảm cân. Khi trọng lượng cơ thể giảm lượng mỡ trong gan cũng được cải thiện ít nhiều. Người bệnh nên giảm cân khoa học, chọn chế độ phù hợp với sức khỏe. Tránh giảm cân cấp tốc, ép cân phản khoa học hay uống thuốc giảm cân. Những phương pháp này sẽ khiến tình trạng bệnh biến chuyển xấu hơn.

– Sử dụng vitamin E hỗ trợ điều trị gan nhiễm mỡ trong trường hợp bệnh nhân không mắc bệnh tiểu đường.

– Kiểm soát rối loạn mỡ máu cũng là cách giảm tình trạng gan nhiễm mỡ.

– Tiêm phòng vắc xin ngừa virus viêm gan A, B để bảo vệ gan khỏi virus gây bệnh.

Bệnh gan nhiễm mỡ là một trong những bệnh lý gan mật phổ biến hiện nay. Ở giai đoạn đầu, bệnh không ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng người bệnh cũng nên chú ý cải thiện và uống thuốc nếu cần. Bên cạnh đó cần thăm khám và kiểm tra sức khỏe gan thường xuyên, tránh bệnh diễn biến âm thầm và gây ra biến chứng nguy hiểm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital