Khám sức khỏe quân đội hay còn gọi là khám sức khoẻ nghĩa vụ quân sự là tiêu chuẩn được quy định cụ thể bới Bộ quốc phòng với công dân Việt Nam trong độ tuổi được gọi làm nghĩa vụ quân sự tại ngũ, quân nhân dự bị và công dân đăng ký dự thi tuyển sinh quân sự. Bạn đã biết và hiểu toàn bộ những quy định này hay chưa, hãy cùng cập nhật trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Hiểu đúng về khám sức khỏe quân đội
Cùng phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân, nhưng hình thức tham gia nghĩa vụ quân sự tại ngũ, quân nhân dự bị và tuyển sinh vào trường quân sự sẽ có những tiêu chuẩn sức khỏe riêng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa phân biệt được sự khác nhau của những hình thức này, dẫn đến sự chuẩn bị không tốt có thể ảnh hướng tới kết quả cuối cùng.
Theo Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP, tương ứng với mỗi hình thức tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự, tên gọi của các bài kiểm tra sức khỏe sẽ được phân biệt như sau:
- Đối với quân nhân dự bị, việc kiểm tra, phân loại, kết luận sức khỏe gọi là kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
- Đối với công dân được gọi nhập ngũ sẽ trải qua 2 bài kiểm tra là sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự và khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự (với người đã vượt qua sơ tuyển).
- Đối với thí sinh đăng ký dự thi tuyển sinh vào các trường quân đội, các công dân sẽ chỉ tham gia một kỳ khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ để cập tới khái niệm khám sức khỏe quân đội được hiểu là kỳ kiểm tra sức khỏe dành cho kỳ tuyển sinh vào trường quân đội. Qua đó, chúng tôi sẽ giải thích rõ ràng và kỹ lưỡng về các yêu cầu sức khỏe tuyển sinh, giúp các sĩ tử có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ tuyển sinh.
2. Nội dung khám sức khỏe dành cho thí sinh dự tuyển vào các trường quân đội
2.1. Danh mục bắt buộc khám sức khỏe quân đội
- Khám thể lực (trừ chiều cao, cân nặng có quy định riêng với từng trường quân đội)
- Kiểm tra thị lực (trừ tật khúc xạ cận thị có quy định riêng với từng trường quân đội)
- Khám tai-mũi-họng
- Khám răng-hàm-mặt
- Khám nội – ngoại khoa
- Khám tâm thần kinh
- Khám da liễu
- Khám sản phụ khoa đối với nữ
Thông thường, các thí sinh sẽ phải thực hiện toàn bộ các danh mục nói trên. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu một danh mục không đạt tiêu chuẩn sức khỏe tối thiểu thì Hội đồng khám sức khỏe sẽ xem xét có cho thí sinh thực hiện các danh mục khác hay không.
2.2. Danh mục khám sức khỏe quân đội cận lâm sàng
- Xét nghiệm nhóm máu
- Kiểm tra chỉ số huyết học, sinh hóa máu
- Xét nghiệm nước tiểu
- Siêu âm tổng quát
- Điện tâm đồ
- Chụp X-quang tim phổi
Các danh mục khám cận lâm sàng là không bắt buộc, chỉ thực hiện khi cần có thêm thông tin để phục vụ cho việc đánh giá và kết luận sức khỏe, trong đó có xét nghiệm ma túy.
3. Tiêu chuẩn sức khỏe tuyển sinh vào trường quân đội
3.1. Phân loại sức khỏe trong khám sức khỏe quân đội
Tương ứng với mỗi chỉ tiêu trong danh mục khám, bác sĩ sẽ cho điểm chẵn theo thang điểm 6 với ý nghĩa xác định tình trạng sức khỏe như sau:
Điểm | Tình trạng sức khỏe |
1 | Rất tốt |
2 | Tốt |
3 | Khá |
4 | Trung bình |
5 | Kém |
6 | Rất kém |
Với mức điểm kiểm tra chuyên khoa xếp điểm 5 hoặc 6 thì người khám chuyên khoa có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch Hội đồng khám sức khỏe để xem xét, quyết định việc có tiếp tục khám chuyên khoa khác hay không. Đặc biệt khi nhận điểm kiểm tra sức khỏe thấp thì khả năng thí sinh không vượt qua kỳ sát hạch sức khỏe là rất cao. Vì các điểm khám chuyên khoa sẽ là cơ sở để phân loại sức khỏe của thí sinh. Cụ thể mức phân loại tình trạng sức khỏe trong bài kiểm tra, đánh giá sức khỏe nghĩa vụ quân sự như sau:
Loại 1 | 8 chỉ tiêu đều đạt điểm 1 |
Loại 2 | Ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 2 |
Loại 3 | Ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 3 |
Loại 4 | Ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 4 |
Loại 5 | Ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 5 |
Loại 6 | Ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 6 |
3.2. Tiêu chuẩn sức khỏe thể chất của các trường quân đội
- Đối với các trường đào tạo sĩ quan chỉ huy, chính trị, hậu cần: Tuyển thí sinh nam cao trên 1,65m, cân nặng trên 50kg và không cận thị.
- Đối với các trường đào tạo sĩ quan chuyên môn kỹ thuật: Tuyển thí sinh nam cao trên 1,63m, cân nặng trên 50kg trở lên; thí sinh nữ phải đạt điểm 1 trong bài kiểm tra thể lực, cao từ 1,54m trở lên và cân nặng từ 48 kg trở lên. Cả hai đối tượng trên đều không bị cận thị quá 3 độ, sau khi chỉnh kính phải đạt được điểm 1 trong bài kiểm tra thị lực.
- Thí sinh có hộ khẩu thường trú 3 năm trở lên tại khu vực 1, hải đảo và thí sinh người dân tộc thiểu số: Thể lực đạt điểm 1 và điểm 2 với bài kiểm tra thể lực, thí sinh nam đạt chiều cao từ 1,62m trở lên.
- Thí sinh nam là người thuộc 16 dân tộc rất ít người theo quy định tại Nghị định số 57/2017/NĐ-CP của Chính phủ: Chiều cao từ 1,60m trở lên, các tiêu chuẩn khác thực hiện tương tự đối với thí sinh là người dân tộc thiểu số nói chung.
- Đối với trường hợp tuyển sinh phi công tại Trường Sĩ quan Không quân, chỉ tuyển chọn thí sinh được Quân chủng Phòng Không – Không quân khám tuyển sức khỏe và kết luận đủ điều kiện xét tuyển đào tạo phi công quân sự.
4. Lưu ý khi đi khám sức khỏe quân đội
Khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự được tổ chức tập trung, do đó số lượng thí sinh tham gia sẽ rất đông. Mặt khác, tỷ lệ cạnh tranh để vào các trường quân đội cũng khá cao, do đó thí sinh khi tham gia khám sức khỏe tuyển sinh quân sự cần lưu ý những nội dung dưới đây để đảm bảo thực hiện bài kiểm tra thuận lợi với kết quả cao nhất.
- Mang đầy đủ các giấy tờ gồm: Lệnh gọi khám sức khỏe của Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện, chứng minh nhân dân, các giấy tờ liên quan đến sức khỏe cá nhân (nếu có).
- Không sử dụng rượu bia hoặc dùng chất kích thích.
- Chấp hành nội quy và hướng dẫn của Hội đồng khám sức khỏe.
Thời gian tiến hành kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự sẽ được thông báo trực tiếp với các thí sinh có hồ sơ tuyển sinh đạt chuẩn. Để đạt kết quả như mong đợi, các thí sinh nên chủ động rèn luyện sức khỏe hàng ngày, duy trì lối sinh hoạt lành mạnh, cân đối giữa việc học tập và nghỉ ngơi.