Vắc xin phế cầu không chỉ được khuyến cáo cho trẻ em mà ngay cả người lớn cũng cần được tiêm để phòng ngừa những bệnh nguy hiểm do vi khuẩn phế cầu gây ra. Vậy cụ thể tiêm phế cầu cho người lớn giúp phòng bệnh gì? Liều tiêm như thế nào? Những thông tin trong bài viết này sẽ giúp bạn có câu trả lời chính xác về tiêm vắc xin phế cầu cho người lớn.
Menu xem nhanh:
1. Tiêm phế cầu cho người lớn giúp phòng bệnh gì?
Vi khuẩn phế cầu là loại vi khuẩn thuộc chi Streptococcus. S.Pneumoniae. Vi khuẩn này có thể gây ra những bệnh nguy hiểm cho cả người lớn và trẻ em. Tiêm vắc xin phế cầu là cách tốt nhất để người lớn có kháng thể chống lại mầm bệnh này.
1.1. Tiêm phế cầu giúp người lớn phòng bệnh viêm phổi
Viêm phổi là một trong những bệnh nguy hiểm có thể gây tử vong nhanh, đặc biệt là ở người cao tuổi, những người lớn mắc các bệnh mãn tính, người có sức đề kháng bị giảm sút,…
Người lớn được tiêm phòng vắc xin phế cầu nếu không may mắc bệnh sẽ diễn tiến chậm hơn và ít xảy ra biến chứng nguy hiểm hơn.
1.2. Tiêm phế cầu giúp người lớn phòng bệnh viêm tai giữa
Theo một vài nghiên cứu, phế cầu khuẩn chính là vi khuẩn gây nên bệnh viêm tai giữa nhiều nhất thế giới. Nếu không được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời bệnh có thể tiến triển nặng nhanh chóng và gây ra những biến chứng nặng hơn như giảm thính lực, thủng màng nhĩ, liệt mặt, viêm màng não, áp xe não, viêm xương chũm,….
1.3. Tiêm phế cầu giúp người lớn phòng bệnh viêm màng não
Viêm màng não do vi khuẩn phế cầu gây ra là một bệnh lý vô cùng nguy hiểm khiến cho màng não (lớp vỏ bảo vệ bên ngoài não và tủy sống) bị viêm.
Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào và nguy cơ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như động kinh, mù, điếc, tê liệt chân tay, phù não, hôn mê, thậm chí là tử vong nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời.
1.4. Tiêm phế cầu giúp người lớn phòng bệnh nhiễm trùng huyết
Bên cạnh trẻ em, người lớn cũng là đối tượng có tỷ lệ mắc nhiễm trùng huyết cao, đặc biệt nhóm người cao tuổi có tỷ lệ mắc bệnh này cao gấp 13 lần so với người trẻ do hệ miễn dịch của họ đã suy yếu, dễ bị vi khuẩn tấn công.
Nhiễm trùng huyết ở người lớn sẽ gây ra tổn thương cho các cơ quan như gan, thận,.. khiến cho sức khỏe của bệnh nhân bị suy giảm mạnh. Ngoài ra các tình trạng nguy hiểm khác như rối loạn đông máu, giảm lưu lượng máu di chuyển đến các cơ quan, chứng hạ huyết áp, sốc nhiễm khuẩn, thậm chí là tử vong cũng là biến chứng dễ gặp phải nếu không được điều trị sớm.
2. Liều tiêm vắc xin phế cầu cho người lớn
Hiện nay ở Việt Nam vắc xin Prevenar 13 là vắc xin phế cầu được sử dụng cho người lớn. Vắc xin giúp tạo ra kháng thể phòng 13 chủng vi khuẩn phế cầu khác nhau bao gồm chủng 1,3, 4, 5, 6A, 7F, 9V, 14, 18C, 19A, 19F và 23F.
Phác đồ tiêm vắc xin Prevenar 13 cho người lớn: Chỉ cần tiêm một mũi duy nhất.
Sau khi được đưa vào cơ thể, hệ thống miễn dịch của người được tiêm sẽ nhận dạng các bộ phận của vi khuẩn phế cầu và tạo ra kháng thể nhanh hơn khi tiếp xúc với vi khuẩn này.
3. Những người lớn nên/ không nên tiêm vắc xin phế cầu
3.1. Những người lớn nên tiêm vắc xin phế cầu khuẩn
Những trường hợp người lớn nên tiêm vắc xin phế cầu khuẩn:
– Người cao tuổi, đặc biệt là người lớn hơn 65 tuổi vì tuổi càng cao hệ thống miễn dịch càng yếu, kéo theo việc cơ thể sẽ gặp phải khó khăn trong việc chống lại vi khuẩn.
– Người lớn có hệ thống miễn dịch yếu, bị giảm khả năng chống lại vi khuẩn.
– Người lớn bị bệnh tim, đái tháo đường hoặc đang mắc các bệnh nghiêm trọng.
– Người lớn gặp các vấn đề về hô hấp (khí phế thủng, hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính).
– Người lớn phải trải qua hóa trị liệu.
– Người đã từng cấy ghép tạng hoặc từng trải qua phẫu thuật.
– Người lớn nhiễm bệnh HIV/AIDS.
– Người hút thuốc lá.
– Người nghiện rượu nặng.
3.2. Những người lớn không nên tiêm vắc xin phế cầu khuẩn
Tiêm vắc xin phế cầu là cần thiết để bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của vi khuẩn phế cầu. Tuy nhiên không phải người lớn nào cũng cần tiêm vắc xin phế cầu khuẩn, những người lớn khỏe mạnh trong độ tuổi từ 18 đến 50 có thể không cần tiêm tùy thuộc vào đánh giá của bác sĩ.
Những người đã từng bị dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc trong vắc xin trước đó cũng không nên tiêm vắc xin phế cầu.
4. Những lưu ý khi tiêm vắc xin phế cầu cho người lớn
Khi tiêm vắc xin phế cầu, người lớn cần lưu ý và ghi nhớ một số thông tin dưới đây:
– Thông báo chi tiết cho bác sĩ về tình trạng sức khỏe, tình trạng mang thai (đối với phụ nữ) tiền sử bệnh (nếu có) để bác sĩ đưa ra chỉ định phù hợp.
– Cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ để được đảm bảo an toàn khi tiêm chủng.
– Sau khi tiêm vắc xin phế cầu bạn có thể sẽ gặp một số phản ứng phụ như đau cơ, đau người, mệt mỏi,… các phản ứng này là hoàn toàn bình thường và không cần quá lo lắng, phản ứng sẽ tự biến mất sau 1 đến 2 ngày.
– Nếu trong quá trình tiêm thấy xuất hiện triệu chứng bất thường hãy đến ngay cơ sở y tế uy tín gần nhất để được hỗ trợ.
– Lựa chọn cơ sở tiêm chủng uy tín có đội ngũ bác sĩ khám giỏi, nguồn gốc vắc xin rõ ràng và được tích hợp đầy đủ chức năng xử lý/cấp cứu trong trường hợp cần thiết
Trên đây là những thông tin cơ bản về tiêm phế cầu cho người lớn. thuốc tiêm, liều tiêm, đối tượng tiêm chủng,…Nếu có câu hỏi nào về tiêm phòng phế cầu, hay có nhu cầu đặt lịch khám/tư vấn tiêm chủng bạn có thể liên hệ với Thu Cúc TCI để được hỗ trợ.