Những cơn đau khi chuyển dạ và trong quá trình sinh nở đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều chị em. Hiện nay, dưới sự phát triển của y học, phương pháp tiêm gây tê ngoài màng cứng đã ra đời giúp phụ nữ “đẻ không đau”. Vậy phương pháp này là gì và mẹ bầu có nên sử dụng khi sinh thường không? Các mẹ hãy cùng tìm hiểu vấn đề này qua bài viết bên dưới nhé.
Menu xem nhanh:
1. Thế nào là kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng?
Gây tê ngoài màng cứng là kỹ thuật gây tê bằng cách tiêm thuốc tê vào vùng khoang ngoài màng cứng để ức chế dẫn truyền thần kinh tại một vùng trên cơ thể. Gây tê ngoài màng cứng là phương pháp hiệu quả và được áp dụng để giúp mẹ bầu giảm thiểu những cơn đau trong quá trình sinh nở.
Các bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám để đánh giá mức độ phù hợp và giải thích các tác dụng phụ cho mẹ bầu trước khi thực hiện gây tê ngoài màng cứng. Phương pháp này sẽ được các bác sĩ thực hiện như sau:
Bước 1: Bác sĩ hướng dẫn mẹ bầu nằm nghiêng hơi uốn cong lưng để lộ khe giữa hai đốt sống.
Bước 2: Các bác sĩ sát khuẩn vùng thắt lưng, xác định vị trí khoang màng cứng để luồn ống thông.
Bước 3: Đặt ống thông catheter qua kim chuyên dụng và rút kim, cố định ống thông.
Bước 4: Bác sĩ truyền thuốc tê vào khoang ngoài màng cứng và quan sát để phát hiện nếu mẹ bầu có những phản ứng bất thường.
Bước 5: Sản phụ tiếp tục được truyền thuốc tê trong suốt quá trình sinh em bé.
Bước 6: Sau khi sinh con, bác sĩ sẽ thực hiện rút ống truyền. Mẹ sẽ cảm nhận được cơn đau sau khoảng 4-6 tiếng sau sinh khi thuốc tê hết tác dụng.
2. Mẹ bầu có nên gây tê ngoài màng cứng khi sinh thường không?
2.1 Những ưu điểm của tiêm gây tê ngoài màng cứng
Gây tê ngoài màng cứng là lựa chọn của nhiều sản phụ bởi những ưu điểm giúp mẹ bầu dễ dàng sinh con hơn.
– Giảm đau hiệu quả trong quá trình chuyển dạ, tuy nhiên chị em vẫn có thể nhận biết những cơn gò tử cung.
– Mẹ bầu vẫn có thể rặn đẻ bình thường.
– Phù hợp với những ca khó sinh, chuyển dạ kéo dài hoặc thai đôi giúp mẹ giữ sức để tiếp tục cuộc sinh.
– Chỉ gây tê cục bộ nên thai phụ hoàn toàn tỉnh táo, đảm bảo an toàn cho mẹ trong suốt quá trình sinh
Với những lợi ích mà phương pháp gây tê ngoài màng cứng đem lại, quá trình chuyển dạ và sinh con sẽ tốn ít sức lực hơn và hỗ trợ mẹ nhanh chóng phục hồi sau sinh.
2.2. Tác dụng phụ của phương pháp này đối với mẹ bầu
Bên cạnh những ưu điểm, gây tê ngoài màng cứng cũng tiềm ẩn những tác dụng phụ đối với sản phụ:
– Mất cảm giác ở bàng quang: Bàng quang của sản phụ có thể mất cảm giác do tác dụng của thuốc tê. Bác sĩ sẽ đặt ống để thông tiểu cho sản phụ.
– Hạ huyết áp: Do thuốc tê sẽ gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh chi phối mạch máu gây giảm huyết áp. Mẹ có thể bị chóng mặt, buồn nôn, khó thở. Để hạn chế điều này, các bác sĩ có thể truyền dịch trước khi gây tê và theo dõi huyết áp của sản phụ.
– Đau đầu: Sản phụ có thể gặp những cơn đau đầu sau khi thực hiện gây tê màng cứng trong trường hợp màng cứng vô tình bị thủng, rách.
– Đau lưng: Mẹ cũng có thể bị đau lưng kéo dài một vài ngày. Tuy nhiên tình trạng đau lưng kéo dài không phải do gây tê ngoài màng cứng.
– Ngứa da: Mẹ cũng có thể gặp trường hợp ngứa râm ran dưới da khi thuốc tê còn tác dụng.
– Vết bầm: Vị trí tiêm gây tê có thể có vết bầm nhỏ và sẽ biến mất sau một thời gian ngắn.
Mẹ cần lưu ý những tác dụng phụ này và liên hệ ngay với bác sĩ nếu các triệu chứng này kéo dài gây ảnh hưởng tới sức khỏe và gây khó khăn trong sinh hoạt thường ngày.
2.3 Tiêm gây tê ngoài màng cứng có ảnh hưởng đến em bé không?
Thực hiện kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng có ảnh hưởng đến thai nhi không là thắc mắc của nhiều mẹ bầu. Tuy nhiên, thuốc tê được tiêm vào phần ngoài màng cứng và chỉ tác dụng lên các rễ dây thần kinh giúp giảm đau. Phương pháp này không ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng mẹ. Do đó sản phụ hoàn toàn yên tâm khi sử dụng cách này để việc sinh nở dễ dàng hơn mà không gây nguy hiểm đến con.
3. Các trường hợp chống chỉ định sử dụng gây tê ngoài màng cứng
Mặc dù gây tê ngoài màng cứng được nhiều chị em ủng hộ và có nhu cầu sử dụng nhưng cũng có các trường hợp bác sĩ chống chỉ định sử dụng phương pháp này. Nếu các chị em thuộc một trong các trường hợp sau đây thì sẽ không nên dùng phương pháp này.
– Phụ nữ mắc các bệnh về tim mạch cấp và mãn tính.
– Chất lượng máu không đạt tiêu chuẩn theo chẩn đoán của bác sĩ.
– Phụ nữ bị viêm nhiễm ở vùng lưng cần tránh gây tê ngoài màng cứng.
– Thai phụ đang sử dụng thuốc có tác dụng làm loãng máu, gặp vấn đề trong quá trình đông máu.
– Người bị dị ứng với các thành phần trong thuốc tê.
Thu Cúc TCI đang áp dụng phương pháp gây tê ngoài màng cứng được nhiều chị em tin tưởng như một vị cứu tinh giúp mẹ bầu “đẻ không đau”. Tại TCI, mẹ sẽ được kiểm tra sức khỏe kỹ càng trước khi thực hiện kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, đội ngũ chuyên gia đầu ngành khoa sản cùng các bác sĩ gây tê giàu kinh nghiệm sẽ đồng hành giúp mẹ vượt cạn dễ dàng dù là những ca sinh khó. Thu Cúc TCI còn trang bị máy móc và trang thiết bị hiện đại để các bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe của mẹ và bé hiệu quả hơn, mẹ hoàn toàn an toàn trong suốt quá trình sinh. Không gian lưu viện thoáng mát, rộng rãi giúp mẹ an tâm dưỡng sức để chóng hồi phục sức khỏe sau sinh.
Mẹ hãy liên hệ với TCI qua tổng đài tư vấn để đặt lịch thăm khám miễn phí.