Viêm xoang cấp thường xuất hiện khi thời tiết thay đổi. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời có thể dẫn tới một số biến chứng nghiêm trọng. Vậy dùng thuốc điều trị viêm xoang cấp như thế nào hiệu quả để cải thiện sớm bệnh là băn khoăn chung của nhiều người.
Hầu hết các trường hợp viêm xoang cấp là do nhiễm virut cảm lạnh thông thường hoặc sau khi bị nhiễm lạnh, do nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, nhiễm nấm… Viêm xoang cấp còn có thể xảy ra ở một số đối tượng bị dị ứng, bị các khối u bướu thịt hoặc lệch vách ngăn mũi, bị nhiễm khuẩn răng hay nhiễm khuẩn vòm họng.
Nếu không được chữa trị kịp thời, viêm xoang cấp có thể dẫn tới tình trạng khó thở, lâu ngày thành viêm xoang mạn tính, viêm màng não, ảnh hưởng đến thị giác, các nguy cơ bị phình động mạch hoặc cục máu đông và một số ít bị nhiễm khuẩn tai rất nguy hiểm.
Trong viêm xoang cấp, nếu bệnh nhẹ hầu hết người bệnh tự chăm sóc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Một số biện pháp có thể được áp dụng để giảm triệu chứng viêm xoang cấp như: dùng nước muối xịt mũi, xịt vào mũi nhiều lần trong ngày để rửa mũi. Ngoài ra người bệnh có thể được chỉ định một số loại thuốc điều trị viêm xoang cấp như:
– Thuốc thông mũi xoang, điều trị nghẹt mũi: Các dược chất thường dùng là phenylpropanolamin, pseudoephedrin. Loại thuốc này dùng dưới dạng uống hay xịt, chỉ nên dùng trong vòng 7 ngày để tránh hiện tượng nhờn thuốc tạo nên vòng bệnh lý luẩn quẩn dẫn tới viêm mũi do thuốc.
Trong trường hợp người bệnh viêm xoang cấp nặng có kèm các biểu hiện của chứng dị ứng thì nên dùng thuốc corticoid uống hoặc xịt. Thuốc xịt mũi có corticoid rất hiệu quả trong điều trị viêm mũi xoang. Thuốc có tác dụng tại chỗ mạnh, làm giảm các chất trung gian gây viêm, nên làm giảm ngứa, hắt hơi, chảy nước mũi, chảy nước mắt, phù niêm mạc, ngạt mũi…
– Thuốc kháng sinh và giảm đau: Trong viêm xoang cấp, việc dùng kháng sinh là hạn chế vì hầu hết các trường hợp viêm xoang cấp là do virut nấm nên kháng sinh sẽ không có tác dụng với các tác nhân này. Điều trị kháng sinh thường chỉ cần thiết nếu có một nhiễm trùng nặng, tái phát hoặc dai dẳng do vi khuẩn. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ chỉ kê đơn kháng sinh cho những bệnh nhân có ra dịch mũi xanh, đau nhức dữ dội ở mặt, sốt… Kháng sinh điều trị viêm xoang cấp có thể lựa chọn amoxicillin, cephalosporin (thế hệ 2,3,4), nhóm macrolid (erythromycin, azithromycin…). Với bệnh nhân có đau nhức vùng mặt, trán, cần dùng phối hợp thuốc giảm đau acetaminophen.
Việc điều trị thuốc nào với liều lượng ra sao cần có sự chỉ định cụ thể của bác sĩ. Do đó người bệnh viêm xoang cấp cần đi khám tại các cơ sở y tế, bệnh viện có chuyên khoa Tai mũi họng để kịp thời điều trị.
Trong quá trình điều trị viêm xoang cấp, người bệnh cần được nghỉ ngơi nhiều, uống nhiều nước, khi ngủ chú ý nâng cao đầu để xoang lưu thông tốt, giảm bớt tắc nghẽn. Đồng thời tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để nắm được tiến triển tình trạng bệnh và xử lý sớm những biến chứng xảy ra.