Thông tin cơ bản cần biết về xét nghiệm lậu

Tham vấn bác sĩ

Xét nghiệm lậu là một trong những xét nghiệm kiểm tra bệnh truyền nhiễm cơ bản, được Bộ Y tế khuyến cáo thực hiện đối với các cặp đôi sắp kết hôn. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về xét nghiệm quan trọng này nhé.

Menu xem nhanh:

1. Khái quát chung về bệnh lậu

Bệnh lậu là một bệnh lây truyền do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường tình dục (do không bảo vệ qua đường âm đạo, hậu môn, sinh dục – miệng) hoặc truyền từ người mẹ sang bé trong khi sinh. Cả nam hay nữ đều có thể mắc bệnh này và 15 – 24 là độ tuổi có tỷ lệ mắc bệnh nhiều nhất.

Theo thông tin nghiên cứu, bệnh lậu có thể gây nên những biến chứng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh. Người mắc bệnh lậu thường xuất hiện những triệu chứng như tiểu buốt, tiểu rắt. Nữ giới có thể thấy xuất hiện khí hư có mùi hôi khó chịu. Nếu lậu ở hậu môn, trực tràng có thể thấy hậu môn đỏ, có mủ. Ngoài ra nhiễm trùng ở một số cơ quan khác như viêm kết mạc mắt, nhiễm trùng hầu họng có thể xảy ra do lậu…

Nữ giới khi mắc bệnh lậu sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh: Viêm âm đạo, tử cung, viêm ống dẫn trứng, buồng trứng… Phụ nữ mang thai bị bệnh lậu nếu không điều trị có thể làm tăng nguy cơ sảy thai hoặc làm lây bệnh sang em bé. Ở nam giới, người bệnh sẽ phải đối mặt với tình trạng viêm tuyến tiền liệt, viêm túi tinh, viêm ống dẫn tinh, viêm mào tinh hoàn, viêm niệu đạo…

Vì các biến chứng của bệnh lậu đều tập trung ở cơ quan sinh dục nên nếu tình trạng kéo dài, người bệnh có thể bị suy giảm chức năng sinh sản. Thậm chí, một số người sẽ phải đối mặt với nguy cơ vô sinh.

xét nghiệm lậu có đắt không

Bệnh lậu có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của người bệnh

2. Xét nghiệm lậu được chỉ định trong trường hợp nào?

Là một bệnh lây truyền chủ yếu qua đường tình dục, xét nghiệm phát hiện bệnh lậu nên được thực hiện khi bạn đã có quan hệ tình dục. Đặc biệt, bạn nên sớm thực hiện xét nghiệm trong những trường hợp sau:

– Có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục không an toàn.

– Có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh lậu: cảm thấy đau buốt khi đi tiểu, đi tiểu ra máu hoặc mủ, bị viêm nhiễm cơ quan sinh dục…

– Dùng chung đồ dùng cá nhân hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người nghi ngờ nhiễm bệnh lậu.

– Người từng mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (mụn sinh dục, giang mai, sùi mào gà…).

– Thực hiện sàng lọc bệnh lậu ngay cả khi không có triệu chứng, trước khi kết hôn hay trước khi phát sinh quan hệ tình dục. 

– Phụ nữ mang thai nên thực hiện xét nghiệm trong thai kỳ, trước thời điểm sinh để chắc chắn bản thân không bị nhiễm bệnh. Điều này sẽ giúp tránh lây nhiễm cho trẻ nếu bạn sinh thường.

xét nghiệm lậu là gì

Phụ nữ mang bầu nên thực hiện xét nghiệm lậu để có biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho em bé

3. Các phương pháp xét nghiệm bệnh lậu

Hiện nay, có nhiều phương pháp xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán bệnh lậu. Trong đó, các xét nghiệm dưới đây được đánh giá khá cao về mức độ chính xác của xét nghiệm:

3.1. Xét nghiệm lậu bằng phương pháp nuôi cấy

Đây được xem là phương pháp tiêu chuẩn trong chẩn đoán và điều trị bệnh lậu. Mẫu bệnh phẩm có thể lấy được từ nhiều cơ quan trên cơ thể, ví dụ như mắt, cổ họng, âm đạo, trực tràng… Các mẫu bệnh phẩm sẽ được nuôi cấy trong môi trường phù hợp, sau đó mang đi kiểm tra để phát triển vi khuẩn lậu. Bên cạnh đó, xét nghiệm nuôi cấy còn được sử dụng để làm xét nghiệm kháng sinh đồ trong quá trình điều trị bệnh.

Phương pháp này có độ chính xác cao nhưng việc thực hiện khá khó khăn. Nguyên nhân là do vi khuẩn lậu rất nhạy cảm với nhiệt độ cũng như môi trường. Nên việc nuôi cấy có thể thất bại dẫn tới xét nghiệm cho kết quả sai. Thời gian cho kết quả cũng khá lâu, vì việc nuôi cấy thường mất khoảng 3-5 ngày.

các phương pháp xét nghiệm lậu

Xét nghiệm PCR cho độ chính xác cao

3.2. Xét nghiệm nhuộm gram tìm lậu cầu

Nhuộm gram là kỹ thuật sử dụng thuốc nhuộm chuyên dụng để phát hiện song cầu gram âm điển hình khi quan sát dưới kính hiển vi. Bệnh phẩm của phương pháp này là mẫu dịch ở nhiều vị trí nghi ngờ mắc bệnh. Phương pháp này có hiệu quả nhiều hơn ở nam giới, bởi dịch âm đạo của nữ giới và các vị trí khác có nhiều loại vi khuẩn khác cũng bắt màu nhuộm, dễ nhầm lẫn với vi khuẩn lậu cầu.

3.3. Xét nghiệm lậu bằng phương pháp PCR

Kỹ thuật này cho phép phát hiện vi khuẩn lậu ở giai đoạn sớm của bệnh khi mà các phương pháp khác không làm được. Phương pháp này có độ đặc hiệu, độ nhạy lên tới 98%. Xét nghiệm PCR thường được chỉ định cho các trường hợp nghi ngờ nhiễm, triệu chứng chưa rõ ràng.

Mẫu bệnh phẩm để thực hiện xét nghiệm PCR khá đa dạng: dịch niệu đạo (đối với nam giới), nước tiểu đầu dòng (mẫu nước tiểu lấy ở lượt đầu tiên, sau khi nhịn tiểu ít nhất 2h hoặc khi ngủ dậy), dịch âm đạo (nữ giới)…

xét nghiệm lậu ở đâu tốt

Xét nghiệm nước tiểu được sử dụng khá phổ biến để kiểm tra khả năng mắc bệnh lậu

Với sự phát triển của y học hiện nay, việc xác định bạn có mắc bệnh lậu hay không khá đơn giản. Việc thực hiện xét nghiệm khá đơn giản và sớm cho kết quả. Từ đó, bác sĩ sẽ có cơ sở để chỉ định điều trị bệnh kịp thời, chính xác. Tuy nhiên, để có được kết quả xét nghiệm chính xác thì bạn phải thận trọng lựa chọn những cơ sở y tế uy tín, có cơ sở vật chất đảm bảo, đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital