Bệnh viêm tụy ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa và sức khỏe tổng thể. Vậy viêm tụy là bệnh gì, người bị viêm tụy được chẩn đoán, điều trị như thế nào? Cùng theo dõi bài viết sau để tìm câu trả lời.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về tuyến tụy và bệnh viêm tụy
1.1. Vị trí và nhiệm vụ tuyến tụy
Tuyến tụy dài khoảng từ 15 đến 25 cm, dài theo chiều ngang bụng và có hình dạng như quả lê phẳng. Tụy có vị trí ở vùng bụng bên trái, ở phía sau dạ dày. Bên cạnh tuyến tụy có nhiều cơ quan khác như ruột non, lá lách.
Tuyến tụy đảm nhận 2 nhiệm vụ chính như sau :
– Tạo ra các enzym tiêu hóa cung cấp cho ruột non để thực hiện phân hủy thức ăn.
– Tạo ra các hormone insulin và glucagon cho máu, hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu.
1.2. Hiểu đúng viêm tụy là gì
Viêm tụy là tình trạng tuyến tụy bị viêm và sưng đỏ. Nguyên nhân do dịch tiêu hóa hoặc enzyme tấn công bộ phận này.
Viêm tụy thường được chia làm 2 loại như sau:
– Viêm tụy cấp: tuyến tụy viêm sưng đột ngột, diễn ra trong thời gian ngắn. Bệnh diễn tiến đến suy cơ quan, nhiễm trùng huyết, hoại tử tụy. Người bệnh lơ là điều trị có thể dẫn đến tử vong. Nguyên nhân gây ra viêm tụy cấp thường do sỏi mật, lạm dụng rượu bia, mỡ máu cao.
– Viêm tụy mạn: là tình trạng viêm tuyến tụy diễn ra trong thời gian dài. Nguyên nhân chủ yếu là do viêm tụy cấp tái phát nhiều lần. Bệnh thường gây ra biến chứng mạn tính như tiểu đường, rối loạn chức năng nội tiết, nguy hiểm nhất là ung thư tụy.
2. Triệu chứng cảnh báo bị viêm tụy
Hầu hết những người bị viêm tụy cấp tính hoặc mạn tính thường có các biểu hiện sau đây:
2.1. Triệu chứng của người bị viêm tụy cấp
– Cơn đau ở mức độ nhẹ tăng dần cấp độ ở vùng bụng trên, có thể lan ra sau lưng.
– Cơn đau có thể âm ỉ đến vài ngày.
– Sốt
– Buồn nôn
– Nôn
– Chướng bụng
– Nhịp tim nhanh bất thường
2.2. Triệu chứng cảnh báo bị viêm tụy mạn tính
– Đau ở bụng trên, thường đau sau ăn, cơn đau lan ra sau lưng.
– Tiêu chảy
– Buồn nôn
– Nôn
– Sụt cân
– Phân có mỡ nhầy
3. Các phương pháp chẩn đoán bệnh viêm tụy là gì?
Để chẩn đoán viêm tụy, các phương pháp có thể được áp dụng là:
– Xét nghiệm máu: nhằm hỗ trợ chẩn đoán xác định viêm tụy cấp, chẩn đoán nguyên nhân và đánh giá mức độ viêm tụy cấp.
– Chụp X-quang bụng: giúp phân biệt viêm tụy cấp với các bệnh lý khác.
– Siêu âm ổ bụng: chẩn đoán nguyên nhân cũng như chẩn đoán phân biệt nguyên nhân khác gây đau bụng như viêm ruột thừa, viêm túi mật.
– Chụp CT, chụp MRI, siêu âm nội soi: giúp tìm ra nguyên nhân và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
4. Điều trị viêm tụy
Việc điều trị viêm tụy sẽ căn cứ người bệnh bị viêm tụy cấp tính hay viêm tụy mạn tính.
4.1. Điều trị viêm tụy cấp tính
Nguyên tắc nền tảng đề điều trị viêm tụy cấp là giảm đau, bù dịch. Tiếp theo là giải quyết nguyên nhân gây bệnh bao gồm giảm mỡ máu, can thiệp soi mật và chấn thương liên quan. Một số biện pháp để cải thiện viêm tụy cấp là:
– Giảm đau, bù dịch
Giảm đau: người bệnh được giảm đau tích cực với các loại thuốc giảm đau phù hợp.
Bù dịch: tùy mức độ nặng và các bệnh lý đi kèm, người bệnh được truyền dung dịch Ringer lactat hoặc Sodium cloride 0.9%.
Người bệnh sẽ được theo dõi lượng nước tiểu, sinh hiệu, xét nghiệm máu bao gồm dung tích hồng cầu, nồng độ ure máu để xác định lượng dịch truyền cần thiết, tránh tình trạng thừa hoặc thiếu dịch.
– Cho ăn sớm
Tùy theo mức độ nặng nhẹ và khả năng dung nạp, người bệnh viêm tụy cấp được cho ăn sớm trong vòng 24-72h sau khi nhập viện. Nếu bệnh nhân không thể dung nạp bằng đường miệng có thể nuôi ăn thông qua sonde dạ dày. Những trường hợp chống chỉ định nuôi ăn sớm có thể được thay thế nuôi ăn qua đường tĩnh mạch.
– Sử dụng thuốc kháng sinh
Bệnh nhân có thể được kê đơn thuốc để làm giảm triệu chứng đau và phòng ngừa nhiễm trùng.
4.2. Điều trị viêm tụy mãn tính
Bệnh nhân viêm tụy mạn thường có triệu chứng đau bụng mạn tính, suy dinh dưỡng, tiêu phân mỡ do thiếu men tụy, đái tháo đường và thậm chí ung thư tụy.
Do đó, trong điều trị viêm tụy mạn tập trung vào các mục tiêu như sau:
– Cải thiện triệu chứng
– Ngăn ngừa bệnh tiến triển
– Phát hiện, điều trị kịp thời các biến chứng nguy hiểm
– Các biện pháp cải thiện tình trạng viêm tụy mạn bao gồm:
– Điều trị nguyên nhân như ngưng rượu bia, thuốc lá, sỏi mật, tăng triglyceride máu… mục đích ngăn ngừa viêm tụy tái phát.
– Giảm đau nếu như bệnh nhân đau dai dẳng.
– Dùng thuốc, nội soi hoặc phẫu thuật lấy sỏi tụy
– Điều trị hỗ trợ men tụy ở bệnh nhân thiếu men tụy ngoại tiết.
– Điều trị với insulin ở những bệnh nhân có biến chứng tiểu đường.
– Theo dõi định kỳ để phát hiện ung thư tụy.
5. Các biến chứng nghiêm trọng do viêm tụy gây ra
– Nhiễm trùng: viêm tụy cấp khiến tuyến tụy dễ bị nhiễm trùng. Nguy hiểm hơn là gây ra hoại tử phá hủy tụy, làm rò rỉ enzym tiêu hoa ra ổ bụng. Khi đó, bệnh nhân có thể bị viêm nhiễm phúc mạc, sốc nhiễm trùng và tỷ lệ tử vong rất cao.
– Suy thận: viêm tụy cấp dẫn đến suy thận, tổn thương thận cấp tính và phải điều trị bằng lọc máu nếu suy thận nặng, dai dẳng.
– Các vấn đề về hô hấp: viêm tụy cấp gây ra những thay đổi hóa học trong cơ thể, làm ảnh hưởng đến chức năng phổi, khiến lượng oxy trong máu giảm xuống mức thấp và gây hại tới sức khỏe.
– Nang giả: viêm tụy cấp khiến chất lỏng và mảnh vụn tích tụ trong các túi giống như u nang bên trong tuyến tụy. Một nang giả lớn khi vỡ ra có thể gây chảy máu trong hoặc nhiễm trùng.
– Suy dinh dưỡng: cả viêm tụy cấp tính và mạn tính đều khiến tuyến tụy sản xuất ít enzym cần thiết để phân hủy, xử lý chất dinh dưỡng từ thức ăn. Điều này khiến người bệnh suy dinh dưỡng, tiêu chảy và sụt cân.
– Bệnh tiểu đường: viêm tụy mạn tính có thể gây tổn thương các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy từ đó gây ra bệnh tiểu đường.
– Ung thư tuyến tụy: viêm tụy mạn tính làm tăng nguy cơ phát triển thành ung thư tuyến tụy.
– Bệnh viêm tụy gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm do đó cần được điều trị sớm, kịp thời. Ngay khi xuất hiện triệu chứng, bạn hãy đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và xử trí phù hợp.