Thông liên nhĩ: Bệnh tim bẩm sinh không thể coi thường!

Tham vấn bác sĩ
Đại tá, PGS.TS, BSCK II, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Văn Quýnh

Bác sĩ Nội Khoa

Tuy chỉ chiếm 5% đến 10% các trường hợp tim bẩm sinh nhưng bệnh thông liên nhĩ có thể gây ra những ảnh hưởng tới sức khỏe nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Cùng tìm hiểu xem  thông liên nhĩ bệnh tim bẩm sinh này có những đặc điểm gì và cần lưu ý những gì khi chẩn đoán, điều trị nhé.

1. Tìm hiểu nguy cơ mắc bệnh thông liên nhĩ 

Thông liên nhĩ chiếm khoảng từ 5% đến 10% các trường hợp bị bệnh tim bẩm sinh. Bệnh chủ yếu gặp ở nữ giới với tỉ lệ mắc bệnh ở nữ so với nam là 2:1. Bệnh xảy ra khi xuất hiện lỗ thông ở vách ngăn 2 tâm nhĩ thay vì đóng kín như bình thường.

Hiện tượng này chủ yếu xảy ra do khiếm khuyết của bào thai. Trong quá trình hình thành bào thai, vách liên nhĩ chưa đóng kín. Điều này nhằm đưa một phần máu giàu oxy từ nhĩ phải sang nhĩ trái khi phổi chưa hoạt động. Sau khi sinh, vách ngăn này sẽ tự động đóng lại do sức cản phổi giảm xuống, áp lực hai bên nhĩ phải và nhĩ trái cân bằng. Nếu vì một lý do nào đó mà vách liên nhĩ không tự đóng được thì sẽ gây ra bệnh thông liên nhĩ. 

Những khiếm khuyết này thường xảy ra ở trẻ sơ sinh khi thai phụ mắc các bệnh như Rubella, đái tháo đường, lupus ban đỏ,… hoặc hút thuốc, lạm dụng rượu bia khi mang thai. Nếu bố mẹ bị bệnh lý tim bẩm sinh thì trẻ sinh ra cũng dễ gặp phải bệnh này. 

Thông liên nhĩ bệnh tim la gì?

Thông liên nhĩ là bệnh tim đặc trưng bởi hiện tượng tồn tại lỗ thông trên vách ngăn nhĩ.

2. Lỗ thông liên nhĩ có khả năng tự đóng được không? Bệnh thông liên nhĩ có nguy hiểm không?

Trong 4 thể thông liên nhĩ (gồm thông liên nhĩ lỗ thứ nhất, thông liên nhĩ lỗ thứ hai, thông liên nhĩ thể xoang vành, thông liên nhĩ kiểu xoang tĩnh mạch), chỉ có thông liên nhĩ lỗ thứ hai với đường kính nhỏ hơn 8mm có thể tự đóng được trong 2 – 5 năm đầu. Nếu lỗ thông ở dạng này nhưng có kích thước lớn hơn hoặc thuộc các thể thông liên nhĩ còn lại thì không thể tự đóng được. 

Việc tồn tại lỗ thông ở vách liên nhĩ sẽ khiến máu từ nhĩ trái qua nhĩ phải và xuống thất phải. Thất phải nhận thêm một lượng máu đáng kể, có thể sẽ dần giãn ra, gây suy thất phải. Lâu dần, người bệnh có thể bị tăng áp phổi, suy tim phải, rối loạn nhịp hoặc tai biến mạch não,… Đây là những biến chứng nguy hiểm không thể coi thường. 

Vì thế, cần phát hiện và có biện pháp kiểm soát tình trạng thông liên nhĩ để tránh những biến chứng có thể xảy ra. 

3. Các triệu chứng bệnh thông liên nhĩ thường gặp 

3.1 Thông liên nhĩ bệnh tim xuất hiện các triệu chứng khi nào?

Đại đa số các bệnh nhân thông liên nhĩ ở giai đoạn nhẹ thường không có triệu chứng cơ năng mà chỉ có các biểu hiện lâm sàng rất mơ hồ. Các triệu chứng này thường bị bỏ sót. Người bệnh thường vẫn sinh hoạt bình thường cho đến tuổi trưởng thành.

Đối với các trường hợp mắc bệnh không được điều trị triệt để, các bệnh nhân sẽ dần xuất hiện các biến chứng chứng như:

Rối loạn nhịp tim: Điển hình là rối loạn nhịp nhĩ. Đó là các dấu hiệu của sự quá tải buồng tim phải. Nguy cơ này tăng dần theo tuổi của bệnh nhân.

– Tăng áp động mạch phổi 

Suy tim xung huyết

– Tắc mạch nghịch thuờng

3.2 Cách triệu chứng thường gặp khi thông liên nhĩ bệnh tim có biến chứng

Tùy từng biến chứng mà bệnh nhân có những biểu hiện sau:

– Khó thở, đặc biệt là khi thực hiện các hoạt động gắng sức

– Gan to, phù chân,tĩnh mạch cổ nổi… là những dấu hiệu điển hình của suy tim phải

– Rối loạn nhịp tim: Thường là rung nhĩ, cuồng nhĩ với biểu hiện tim đập không đều, đập rất nhanh, hồi hộp

– Nghe tim thấy tiếng thổi ở van tim động mạch phổi. Điều này xảy ra do tăng lưu lượng máu từ thất phải lên phổi.

Đột quỵ não do tắc mạch nghịch thường: khi shunt đảo chiều thành phải – trái, các huyết khối từ chi dưới, vùng chậu hoặc van tim bên phải… có thể theo dòng shunt này đi từ phải sang trái làm tắc mạch não. Đây là nguyên nhân gây đột quỵ từ mức độ nhẹ đến nặng.

– Đau đầu Migraine: Hiện tượng đau đầu ở người bệnh thông liên nhĩ thường liên quan đến dòng shunt phải – trái. Tuy nhiên cơ chế shunt phải – trái gây đau đầu đến nay còn chưa được biết rõ.

– Tím: Các biểu hiện tím môi, niêm mạc, ngón tay dùi trống… là hậu quả của dòng máu đảo chiều đi từ phải sang trái. Khi tăng áp lực phổi cố định thì gọi là hội chứng Eissenmenger trên lâm sàng.

Triệu chứng bệnh tim thông liên nhĩ

Có thể thấy tiếng thổi khi nghe tim của các bệnh nhân thông liên nhĩ.

4. Thông liên nhĩ bệnh tim này có cần điều trị không?

4.1 Các phương pháp điều trị thông liên nhĩ

Tùy vào bệnh cảnh cụ thể của từng bệnh nhân mà người bệnh sẽ được chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. 

Nếu không có triệu chứng trên lâm sàng, bệnh nhân không cần điều trị bằng thuốc mà chỉ cần theo dõi định kỳ.

Điều trị nội khoa được áp dụng cho các trường hợp bệnh nhân có thông liên nhĩ nhẹ hoặc vừa. Lúc này, bệnh nhân đã có triệu chứng nhưng các triệu chứng không gây ảnh hưởng quá nhiều tới sức khỏe hoặc chưa gây ra các biến chứng trầm trọng. 

Sử dụng thuốc trong những trường hợp này có tác dụng cải thiện các triệu chứng, duy trì chức năng của các buồng tim và ngăn biến chứng.

Nếu bệnh nhân có các tổn thương phối hợp (rãnh xẻ ở van hai lá, sa van hai lá…) thì cần có biện pháp phòng viêm nội tâm mạc.

4.1  Các loại thuốc điều trị thông liên nhĩ

Các bệnh nhân ở giai đoạn muộn, bệnh đã gây ra các biến chứng, các loại thuốc gồm:

– Thuốc điều trị tăng áp động mạch phổi: các thuốc nhóm Nitrat, chẹn canxi: diltiazem, Sildenafil, Bosantan, Ilomedin

– Thuốc điều trị suy tim: thuốc trợ tim, lợi tiểu…

– Thuốc điều trị các loạn nhịp tim mà chủ yếu là các rối loạn nhịp nhĩ (ngoại tâm thu nhĩ, nhịp nhanh trên thất, rung nhĩ…)

– Thuốc chống đông máu nếu có tình trạng tăng đông trong buồng tim, có huyết khối tĩnh mạch (nguy cơ tắc mạch nghịch thường) hoặc đó có tiến sử tắc mạch do cục máu đông (tai biến mạch não, tắc mạch chi…).

Lưu ý, các loại thuốc trên chỉ mang tính tham khảo. Muốn biết đơn thuốc phù hợp và cách sử dụng chi tiết, bạn nên đi khám để được các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và kê đơn.

Ngoài ra, bệnh nhân cần được theo dõi lâm sàng, siêu âm tim 6- 12 tháng/lần. Đối với các bệnh nhân nặng, các phương pháp điều trị khác sẽ được bác sĩ tư vấn hoặc chỉ định. 

cách điều trị bệnh thông liên nhĩ ở tim

Thông liên nhĩ bệnh tim này có thế được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau nhưng phổ biến nhất là nội khoa.

Tóm lại thông liên nhĩ là bệnh tim không quá nguy hiểm nhưng nên được phát hiện và điều trị sớm. Việc khám sàng lọc khi mang thai và thăm khám thường xuyên có ý nghĩa quan trong việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh thông liên nhĩ. Khi thấy những dấu hiệu của bệnh, cần đi khám ngay để được chẩn đoán chính xác.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital