Thoái hóa đốt sống cổ c5 c6: Những điều cần biết

Thoái hóa đốt sống cổ C5 C6 là bệnh lý không còn xa lạ và ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Bệnh gây đau đớn, phiền toái cho nhiều người, dễ xảy ra ở những người thường xuyên ngồi lâu một tư thế, người phải vận động nhiều vùng cổ… Cùng tìm hiểu về tình trạng thoái hóa đốt sống cổ ở vị trí này qua bài viết sau đây.

1. Bệnh thoái hóa đốt sống cổ C5 C6 xảy ra như thế nào?

Cột sống cổ được cấu tạo gồm có tổng cộng 7 đốt sống, xếp chồng lên nhau, kí hiệu bằng chữ C và đánh số theo thứ tự từ 1 đến 7. Các đốt sống ở cổ được phân ra làm 2 phần chính gồm: phần trụ cố định (gồm đốt sống C1 và C2) và phần chuyển động (gồm đốt sống C4, C5, C6, C7).

Do tham gia trực tiếp vào chuyển động của cổ, vai, gáy nên các đốt sống C5, C6 cùng với C4 dễ xảy ra sự hao mòn của sụn và xương, gây nên tình trạng thoái hóa các đốt sống này. So với C1, C2 thì các đốt sống cổ C5, C6 có khả năng bị thoái hóa theo thời gian cao hơn.

Thoát hóa đốt sống cổ còn có tên gọi khác là viêm xương khớp cổ hoặc viêm khớp cổ. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị sớm có khả năng biến chứng thành dạng mạn tính, gây cứng khớp và suy giảm khả năng vận động của người bệnh.

Bệnh thoái hóa đốt sống cổ C5 C6 xảy ra như thế nào?

Các đốt sống cổ c5 c6 có thể bị thoái hóa theo thời gian, dần mòn sụn khớp và các đầu xương

2. Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa cột sống cổ vị trí C5, C6

Các đốt sống cổ C5 C6 có thể bị thoái hóa do nhiều nguyên nhân, trong đó phổ biến nhất là:

2.1 Sự phát triển quá mức của xương (gai xương)

Khi hệ xương khớp bị tổn thương, cơ thể cố gắng phát triển thêm một phần xương để giúp cột sống chắc khỏe hơn. Tuy nhiên, nếu phần xương này phát triển quá mức có thể đè lên tủy sống và dây thần kinh, dẫn đến tình rạng đau nhức vùng cổ.

2.2 Thoái hóa đốt sống cổ c5 c6 do đĩa đệm bị mất nước, hư hại

Nằm giữa các đốt sống là đĩa đệm, có vai trò giống như một lớp đệm nước giúp hấp thụ lực, giảm sốc khi cơ thể thực hiện các hoạt động như nâng vật nặng, vặn người… Lớp nhân đĩa đệm có dạng gel và có thể mất nước theo thời gian. Điều này làm cho các đốt xương trên cột sống dễ cọ xát vào nhau và gây nên tình trạng đau đớn do xương khớp bị thoái hóa. Quá trình này thường bắt đầu từ độ tuổi 30 trở đi.

Ngoài ra, các đĩa đệm cột sống có thể bị rách, nứt do nhiều nguyên nhân, khiến lớp nhân nhầy bên trong bị rò rỉ. Khi lớp nhân này rò ra ngoài có thể đè lên tủy sống và dây thần kinh, gây cho người bệnh các triệu chứng như đau mỏi, tê bì ở cổ hoặc dần lan xuống cánh tay…

2.3 Chấn thương gây thoái hóa đốt sống cổ c5 c6

Các chấn thương vùng cổ như bị ngã do tai nạn giao thông, tai nạn lao động hay té ngã trong nhà đều có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa, gây ra tổn thương đĩa đệm và tình trạng thoái hóa.

2.4 Dây chằng giãn

Vai trò của dây chằng là kết nối các xương cột sống lại với nhau, nhờ vậy, cơ thể có khả năng chuyển động và thực hiện linh hoạt trong các hoạt động hàng ngày. Khi các dây chằng bị lão hóa theo thời gian, chúng sẽ không còn mềm dẻo như ban đầu và làm ảnh hưởng đến sự linh hoạt của các đốt sống cổ, trong đó có đốt sống C5 C6.

Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa cột sống cổ vị trí C5, C6

Việc thường xuyên phải ngồi lâu, ngồi sai tư thế có thể gây thoái hóa đốt sống.

2.5 Đặc thù nghề nghiệp

Một số người có nghề nghiệp hoặc sở thích cần thực hiện các chuyển động lặp đi lặp lại hoặc mang vác nặng, điển hình như nhân viên văn phòng, công nhân xây dựng, người tập gym… Điều này có thể gây thêm áp lực lên cột sống, dẫn đến sự hao mòn sớm và sự thoái hóa của cột sống cổ.

Yếu tố tác động lớn nhất đến tình trạng này phải kể đến quá trình lão hóa. Bên cạnh đó, các yếu tố khác làm tăng nguy cơ thoái hóa đốt sống cổ bao gồm:

– Tiền sử gia đình có thành viên mắc bệnh (di truyền)

– Tiếp xúc với khói thuốc lá hoặc hút thuốc thường xuyên

– Các tình trạng thừa cân béo phì và thói quen thiếu vận động

3. Biến chứng khi bị thoái hoá đốt sống cổ C5 C6

Thoát hóa đốt sống C5 C6 có thể gây các biến chứng tại chỗ và biến chứng toàn thân, bao gồm:

– Chèn ép các dây thần kinh: Tình trạng thoái hóa đốt sống C5 C6 có thể gây chèn ép dây thần kinh ở cổ, gây đau cổ, tê nhức tay, giảm cảm giác ở tay.

– Hẹp ống sống: Thoái hoá đốt sống cổ C5 C6 có thể gây thay đổi cấu trúc ống sống so với tự nhiên, cụ thể ống sống bị hẹp lại và có nguy cơ gây bệnh về tủy sống.

– Bại liệt: Thoái hóa C5 C6 thường khiến người bệnh gặp khó khăn trong vận động, kiểm soát bàng quang, gây teo cơ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng nguy cơ bại liệt ở những người có thoái hóa C5 C6 thường cao hơn người khỏe mạnh đến 30%, đặc biệt là khi bệnh tiến triển đến mức độ nặng và bắt đầu có biến chứng.

Biến chứng khi bị thoái hoá đốt sống cổ C5 C6

Bệnh thoái hóa đốt sống cổ có thể được nhận diện bằng cách chụp cộng hưởng từ.

4. Cách nhận biết thoái hoá đốt sống cổ C5 C6

Nhiều người mắc bệnh thoái hoá đốt sống cổ C5 C6 có thể không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào và vẫn duy trì các hoạt động hàng ngày một cách bình thường. Điều này dẫn đến việc phát hiện bệnh muộn và gây biến chứng, tổn thương vĩnh viễn đến khả năng vận động của các đốt sống cổ.

Bên cạnh đó, một số người sẽ gặp các triệu chứng của bệnh như:

– Đau mỏi cổ vai gáy, lưng, tay: Tình trạng chèn ép lên các dây thần kinh, rễ thần kinh có thể khiến vùng cổ vai gáy có cảm giác đau nhức ngày một nhiều. Ban đầu cơn đau thường chỉ ở cổ, sau đó lan xuống đến xương sống gây tình trạng đau lưng, cánh tay, tê bàn tay và các đầu ngón tay,…

– Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai: Đây là biểu hiện của chứng rối loạn thần kinh thực vật và thường xuất hiện mỗi khi người bệnh thay đổi tư thế hoặc vận động vùng cổ.

Các triệu chứng khác:

– Đau hốc mắt

– Đau tức ngực

– Đau âm ỉ

– Cơ thể lúc nóng lúc lạnh

– Cứng cổ sau khi giữ một tư thế quá lâu hoặc khi mới ngủ dậy

Khi thấy các triệu chứng kể trên, bạn cần thăm khám sớm chuyên khoa cơ xương khớp để được chẩn đoán với các bác sĩ có chuyên môn và các phương pháp chẩn đoán hiện đại, phù hợp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital