Trong nhóm những bệnh truyền nhiễm cấp tính phổ biến ở trẻ nhỏ, không thể không kể đến tay chân miệng. Tương tự các bệnh truyền nhiễm cấp tính khác, tay chân miệng có thể biến chứng nhưng khác với phần còn lại, bệnh truyền nhiễm cấp tính này chưa có vắc xin. Chính vì vậy, nắm được triệu chứng và lưu ý trong điều trị là rất quan trọng để bảo vệ trẻ trước tay chân miệng. Trong bài viết sau của Thu Cúc TCI, bạn sẽ tìm thấy những thông tin đó về tay chân miệng ở trẻ nhỏ, đừng bỏ lỡ bạn nhé!
Menu xem nhanh:
1. Nhận biết tay chân miệng ở trẻ nhỏ như thế nào?
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do các chủng Enterovirus, thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71), gây ra. Các chủng Enterovirus có sức sống rất bền bỉ, chúng có thể tồn tại thoải mái ở nhiệt độ từ rất thấp đến rất cao. Cụ thể, ở nhiệt độ 560 độ C trong 30 phút và ở nhiệt độ -40 độ C trong 3 tuần, Enterovirus mới bất hoạt.
Một số cách phát tán ra môi trường bên ngoài từ cơ thể người bệnh của Enterovirus là thông qua dịch phỏng nước, dịch mũi, dịch họng, phân và các dịch tiêu hóa khác. Trẻ mắc tay chân miệng chủ yếu là do nuốt phải Enterovirus trong môi trường và tay là công cụ chính giúp Enterovirus trong môi trường tiếp xúc với miệng trẻ.
Phát hiện sớm tay chân miệng có ý nghĩa to lớn trong điều trị hiệu quả bệnh truyền nhiễm cấp tính này. Theo đó, hầu hết trẻ mắc tay chân miệng được phát hiện sớm sẽ có quá trình điều trị nhẹ nhàng, dự phòng được biến chứng và nguy cơ tử vong. Dưới đây là những dấu hiệu bố mẹ có thể sử dụng để nhận biết tay chân miệng:
– Phỏng nước tại lòng bàn tay, mông, đầu gối, lòng bàn chân: Phỏng nước thường tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày). Sau đó, các vết thâm có thể thay thế vị trí của chúng. Phỏng nước tay chân miệng ít khi nhiễm trùng.
– Loét miệng, chủ yếu tại môi, niêm mạc má, lưỡi, hầu họng: Chúng có đường kính khoảng 2 – 3mm và thường làm trẻ đau rát, do đau rát nên trẻ mắc tay chân miệng thường bỏ ăn, bỏ bú và tăng tiết nước bọt.
– Sốt: Trẻ mắc tay chân miệng hầu hết chỉ sốt nhẹ, khoảng 37.5 – 38 độ C. Trẻ mắc tay chân miệng sốt cao, trên 39 độ C, trong liên tục từ 2 ngày có thể là dấu hiệu gợi ý trẻ có biến chứng nghiêm trọng, cần nhập viện gấp.
– Tiêu chảy
2. Điều trị tay chân miệng ở trẻ nhỏ ra sao?
Mặc dù cùng thuộc chủng Enterovirus, nhưng tay chân miệng gây ra bởi Coxsackie A16 thường ít nguy hiểm hơn tay chân miệng gây ra bởi Enterovirus 71 (EV71). Tay chân miệng gây ra bởi Enterovirus 71 (EV71) có thể tiến triển đến nhiều biến chứng hiếm nhưng rất tai hại, như viêm màng não, viêm não hay viêm cơ tim. Đây đều là những biến chứng có thể khiến trẻ tử vong. Để dự phòng biến chứng và nguy cơ tử vong cho trẻ, bố mẹ cần thật nghiêm túc điều trị tay chân miệng.
2.1. Những lưu ý quan trọng trong chăm sóc tay chân miệng ở trẻ nhỏ tại nhà
Điều đáng nói ở đây là ở thời điểm hiện tại, chúng ta chưa có thuốc tiêu diệt tác nhân gây tay chân miệng, hay nói cách khác là chúng ta chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh truyền nhiễm cấp tính này. Điều trị tay chân miệng chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc trẻ cẩn thận, tạo điều kiện cho cơ thể trẻ tự chiến đấu một cách hiệu quả với Enterovirus. Theo đó, dưới đây là những lưu ý quan trọng trong chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng tại nhà.
– Nên: Cho trẻ uống thuốc hạ sốt, giảm đau paracetamol hoặc ibuprofen khi trẻ sốt cao (từ 38.5 độ C) hoặc đau nhiều (trẻ quấy khóc dữ dội). Liều dùng an toàn của paracetamol là 15mg/kg, không quá 4 lần/ngày, hai lần liền kề cách mỗi 4 – 6h, còn liều dùng an toàn của ibuprofen là 10mg/kg, không quá 3 lần/ngày, hai lần liền kề cách mỗi 6 – 8h. Cho trẻ súc miệng và súc họng bằng nước muối sinh lý 0.9% để vệ sinh các vết loét miệng. Cho trẻ dùng đồ ăn lỏng, lạt, lạnh, chia thành nhiều bữa nhỏ thay vì ít bữa lớn.
– Không nên: Tự ý làm vỡ mụn nước, kiêng nước, cho trẻ ăn đồ có vị hoặc nhiệt độ cực đoan, ví dụ như quá chua/quá cay/quá mặn hoặc quá nóng/quá lạnh.
2.2. Dấu hiệu nhận biết tay chân miệng ở trẻ nhỏ biến chứng
Trong quá trình chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng tại nhà, bố mẹ cần theo dõi chặt chẽ; nếu trẻ có các dấu hiệu sau, bố mẹ cần cho trẻ đến cơ sở y tế uy tín gần nhất ngay để trẻ được khám, chẩn đoán xác định và điều trị phù hợp:
– Trẻ sốt liên tục trên 2 ngày
– Trẻ sốt cao, trên 39 độ C, không đáp ứng hoặc đáp ứng kém thuốc hạ sốt
– Quấy khóc nhiều, không thể dỗ cho nín
– Nôn nhiều
– Thở khó, thở bất thường
– Ngủ gà ngủ gật
– Giật mình khi ngủ hoặc rùng mình khi thức
– Ngồi, đứng, đi loạng choạng
Tóm lại, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính phổ biến. Dù không cao những nguy cơ trẻ mắc tay chân miệng vẫn có. Bởi thế, khi trẻ có các bất thường sau: Xuất hiện các phỏng nước tại lòng bàn tay, mông, đầu gối, lòng bàn chân và các vết loét tại môi, niêm mạc má, lưỡi, hầu họng; sốt; tiêu chảy… bố mẹ cần nghiêm túc bắt tay vào thực hiện một chế độ chăm sóc trẻ đặc biệt. Trong đó, quan trọng nhất là điều trị triệu chứng sốt, đau, bằng các thuốc paracetamol, ibuprofen và quan trọng nhì là bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, tạo điều kiện cho cơ thể trẻ dễ dàng tiêu diệt tác nhân gây tay chân miệng. Tin rằng chỉ cần thế, hầu hết trẻ mắc tay chân miệng sẽ khỏe lại nhanh chóng mà không phải chịu bất kỳ một di chứng gì. Tuy nhiên, nếu không may mắn, trong quá trình chăm sóc tại nhà, trẻ có các dấu hiệu biến chứng, bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín gần nhất càng sớm càng tốt, để trẻ được khám và điều trị, dự phòng biến chứng và nguy cơ tử vong. Với những thông tin đó, hy vọng bố mẹ có thể bảo vệ trẻ an toàn tuyệt đối trước tay chân miệng và các biến chứng của nó.