Tắc mạch vành tim hay xơ vữa mạch vành là một căn bệnh nguy hiểm có khả năng biến chứng thành cơn nhồi máu cơ tim đe dọa đến tính mạng bệnh nhân. Hiện nay, bệnh mạch vành nói chung và tắc hẹp động mạch vành nói riêng đang đang là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Nhưng nếu được phát hiện và chữa trị kịp thời, căn bệnh này hoàn toàn có thể kiểm soát được và ngăn ngừa được các biến chứng nguy hiểm.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân gây tắc mạch vành tim
Tắc mạch vành tim là tình trạng thu hẹp hoặc bít tắc động mạch vành mang máu đi nuôi cơ tim. Nguyên nhân chính gây nên tình trạng này là do sự hình thành các mảng xơ vữa trong lòng mạch.
Các mảng xơ vữa có thành phần chính là cholesterol, canxi và một số chất khác được tìm thấy trong máu. Theo thời gian, các mảng xơ vữa này dày lên gây chít hẹp lòng mạch. Đặc biệt, nếu là các mảng xơ vữa mềm, chúng có nguy cơ vỡ ra khỏi thành mạch, hình thành nên huyết khối gây bít tắc hoàn toàn động mạch, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
2. Triệu chứng
Bệnh mạch vành hay tắc mạch vành tim thường đặc trưng bởi cơn đau thắt ngực. Người bệnh sẽ cảm thấy ngực bị bóp chẹt cùng cảm giác đau từ ngực lan ra cổ, hàm, vai và tay. Các triệu chứng khác có thể gặp phải ở cơn đau thắt ngực bao gồm:
– Nhịp tim nhanh
– Mệt mỏi
– Đổ nhiều mồ hôi
– Buồn nôn, nôn
– Khó thở
– Choáng
– Ngất xỉu
– Đầy bụng
3. Tắc mạch vành nguy hiểm như thế nào?
Động mạch vành là mạch máu có chức năng cung cấp máu giàu oxy và dưỡng chất cho cơ tim. Động mạch vành bị tắc hẹp sẽ làm giảm dòng máu đến nuôi tim. Cơ tim bị thiếu dinh dưỡng lâu ngày sẽ hoại tử, dẫn đến các cơn đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Nếu được cứu chữa kịp thời, tim sẽ xuất hiện các mô sẹo gây ảnh hưởng đến chức năng của tim.
Khi mảng xơ vữa ở lòng mạch ngày càng dày lên, chúng có thể vỡ ra tạo thành huyết khối. Khi cục máu đông này di chuyển đến đoạn hẹp của mạch máu, nó có thể gây bít tắc hoàn toàn lòng mạch, cắt đứt nguồn cung cấp dinh dưỡng cho tim, gây nên một cơn nhồi máu cơ tim cấp, khiến tim bị tổn thương vĩnh viễn.
4. Các yếu tố nguy cơ khiến mạch vành tim dễ bị tắc nghẽn
4.1. Yếu tố nguy cơ liên quan đến cá nhân
– Tuổi
Càng cao tuổi thì nguy cơ mắc bệnh mạch vành càng lớn. Tỉ lệ mắc bệnh mạch vành đặc biệt cao ở nam giới trên 50 tuổi và nữ giới trên 55 tuổi. Ở nữ giới, những người ở độ tuổi mãn kinh càng có nguy cơ cao bị tắc hẹp mạch vành.
– Giới tính
Tỉ lệ mắc các bệnh liên quan đến mạch vành ở nam giới cao hơn nữ giới.
– Tiền sử gia đình
Những người có người thân mắc bệnh mạch vành có nguy cơ cao với bệnh hơn các đối tượng khác.
4.2. Yếu tố nguy cơ gây tắc mạch vành tim liên quan đến tình trạng bệnh lý
Có nhiều bệnh lý làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành khi mắc phải như:
– Cao huyết áp
– Rối loạn mỡ máu
– Béo phì
– Tiểu đường
4.3. Yếu tố nguy cơ đến từ lối sống
– Hút thuốc lá
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đặc biệt ở người lớn tuổi.
– Nghiện rượu bia
Uống nhiều rượu bia làm đẩy nhanh tình trạng thiếu máu cơ tim và gây nên những cơn đau thắt ngực.
– Ít vận động
Những người ít luyện tập thể dục thể thao, thường ngồi một chỗ, ít di chuyển sẽ dễ mắc phải các bệnh liên quan đến hệ tim mạch hơn những người sinh hoạt điều độ.
5. Điều trị tắc mạch vành
5.1 Các phương pháp điều trị tắc mạch vành tim
Các loại thuốc thường được chỉ định để điều trị tắc hẹp mạch vành là:
– Thuốc chống đông
Giúp ngăn ngừa hình thành huyết khối, phòng ngừa tắc mạch trở lại sau khi phẫu thuật và ngăn ngừa cơn nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
– Thuốc hạ mỡ máu
Giúp làm giảm cholesterol máu và hạn chế tăng kích thước mảng xơ vữa trong lòng mạch.
– Thuốc nitrat
Thuốc này có khả năng làm giãn mạch vành và làm dịu cơn đau thắt ngực.
– Thuốc chẹn beta giao cảm
Giúp hạ huyết áp và làm chậm nhịp tim, giúp giảm áp lực lên tim.
Trong trường hợp người bệnh không đáp ứng tốt với thuốc hoặc lòng mạch bị chít hẹp trên 75%, bác sĩ có thể sẽ chỉ định một số phương pháp nhằm giải quyết tình trạng tắc hẹp động mạch vành.
5.3. Thay đổi lối sống – Phương pháp hỗ trợ điều trị hữu ích
Thay đổi lối sống sẽ giúp cải thiện các triệu chứng và làm bệnh chậm tiến triển. Người bệnh nên:
– Dừng hút thuốc
– Không uống rượu bia, cà phê và các chất kích thích khác
– Có một chế độ ăn hợp lý: ít đường, ít muối, ít dầu mỡ. Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm tốt cho hệ tim mạch như ngũ cốc, các loại rau củ quả, các loại đậu, hạt.
– Tập thể dục thường xuyên: Người bệnh nên lựa chọn những bài tập vừa phải, phù hợp với tình trạng thể lực của mình.
– Kiểm soát tốt các bệnh lý liên quan như tiểu đường, béo phì, thừa cân, cao huyết áp, mỡ máu cao…
– Làm việc và nghỉ ngơi điều độ, tránh căng thẳng
Như vậy, tắc động mạch vành tim là một tình trạng nguy hiểm nhưng có thể được cải thiện bằng cách dùng thuốc và xây dựng lối sống lành mạnh. Những kiến thức trong bài viết hi vọng đã giúp bạn hiểu hơn về căn bệnh này để phòng tránh hoặc nhận diện hiệu quả. Lưu ý, những thông tin này chỉ mang tính tham khảo. Tốt nhất khi có các triệu chứng nghi ngờ bệnh mạch vành, bạn nên thăm khám tại chuyên khoa tim mạch uy tín để được chẩn đoán và điều trị chính xác. Thường xuyên thăm khám định kỳ cũng giúp phát hiện và phòng ngừa các yếu tố nguy cơ, ngăn chặn bệnh hiệu quả.