Sưng amidan 1 bên: Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết

Tham vấn bác sĩ
Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ

Dương Văn Tiến

Trưởng phòng khám Tai mũi họng Cơ sở 286 Thụy Khuê

Sưng amidan 1 bên là tình trạng amidan của bạn bị nhiễm khuẩn quá mức. Amidan có thể bị sưng ở phía bên trái hoặc bên phải. Đây cũng là biểu hiện của những bệnh lý thông thường như cảm cúm, viêm họng, viêm amidan. Nếu không được chữa trị kịp thời, tình trạng này sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người bệnh.

1. Đối tượng nào có khả năng dễ bị amidan sưng 1 bên?

Thông thường, viêm amidan sẽ sưng cả ở hai bên nhưng vẫn có những trường hợp amidan của bạn bị sưng 1 bên trái hoặc phải. Lúc này, nếu quan sát bằng mắt thường chúng ta sẽ thấy amidan 1 bên to 1 bên nhỏ. Bệnh viêm amidan sau khi chữa khỏi cũng có khả năng tái phát lại nhiều lần, trở thành căn bệnh mạn tính và dẫn tới tình trạng amidan mủ.

Hiện tượng amidan bị sưng 1 bên là triệu chứng phổ biến, người lớn hay trẻ nhỏ cũng đều có khả năng gặp phải. Mặc dù vậy, ở một số nhóm người thì nguy cơ mắc amidan bị viêm sưng 1 bên sẽ cao hơn người bình thường, cụ thể:

– Nhóm người thường xuyên sử dụng thuốc lào, thuốc lá, đồ uống có cồn như rượu, bia.

– Nhóm người có tiền sử mắc bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, bệnh về đường hô hấp.

– Nhóm người mắc các bệnh truyền nhiễm như HIV.

– Nhóm người thường sống ở môi trường lạnh và ẩm ướt.

sưng amidan 1 bên

Tình trạng amidan bị sưng 1 bên có thể gặp ở bất kỳ ai

2. Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết amidan bị sưng 1 bên

2.1. Nguyên nhân dẫn đến sưng amidan 1 bên

Những nguyên nhân chính gây ra tình trạng amidan 1 bên to 1 bên nhỏ có thể kể đến như:

– Thực hiện vệ sinh khoang miệng không đúng cách: Thức ăn sau khi được tiêu hóa vẫn còn đọng lại tại các hốc của amidan, nếu không vệ sinh răng miệng sạch sẽ sau khi ăn thì đây chính là điều kiện thuận lợi giúp vi khuẩn hoặc vi-rút tấn công. Bên amidan nào có chứa nhiều thức ăn đọng lại hơn thì vi khuẩn sẽ dễ tấn công và gây sưng đau ở amidan bên đó hơn.

– Amidan chính là bộ phận “cửa ngõ” của đường hô hấp và chịu ảnh hưởng bởi yếu tố môi trường bên ngoài: Amidan của chúng ta thường xuyên phải tiếp xúc với khói bụi, vi khuẩn gây bệnh từ đường thở và đường ăn uống nên rất dễ bị vi khuẩn tấn công làm tổn thương và bị sưng đau.

– Tình trạng thời tiết thay đổi thất thường: Thời tiết nóng hay lạnh đột ngột cũng sẽ tác động không tốt đến sức khỏe của con người. Đây là một trong những nguyên nhân gây suy giảm hệ miễn dịch, là cơ hội lý tưởng để vi khuẩn, vi-rút tấn công làm cho amidan 1 bên to 1 bên nhỏ hoặc làm viêm cả 2 bên.

– Nguyên nhân khác: Amidan bị sưng 1 bên còn có thể là triệu chứng của các bệnh khác như sỏi amidan, áp-xe quanh amidan, hạch bạch huyết bị sưng hoặc ung thư amidan.

2.2. Dấu hiệu nhận biết sưng amidan 1 bên

Khi gặp tình trạng amidan bị sưng 1 bên, bệnh nhân có thể quan sát qua gương soi và dễ dàng nhận thấy sự khác biệt đó là amidan 1 bên to 1 bên nhỏ. Tại bên sưng to, đỏ còn có thể xuất hiện tình trạng amidan mủ – amidan bị rỗ và có những chấm trắng nhỏ li ti trên tại của những vết rỗ. Ngoài ra, khi amidan bị sưng 1 bên, bệnh nhân còn có các biểu hiện khác như:

– Cảm thấy bị đau đầu, mệt mỏi, cảm thấy chán ăn, nuốt đau, nuốt vướng do amidan bị viêm.

– Nhiệt độ cơ thể tăng từ khoảng 37,5 – 38 độ C kéo dài hoặc sốt cao ở trên mức 38 độ C.

– Cảm thấy miệng bị khô, lưỡi trắng, amidan sưng đỏ và có hạt.

– Người bệnh thường xuyên ngủ ngáy hoặc xuất hiện tình trạng ngưng thở trong khi ngủ.

– Hơi thở có mùi hôi khó chịu.

sưng amidan 1 bên điều trị thế nào

Hơi thở có mùi hôi khó chịu cũng là dấu hiệu cảnh báo tình trạng bệnh

3. Điều trị sưng amidan 1 bên như thế nào?

Amidan bị sưng 1 bên thường được chia làm 2 nhóm như sau:

– Nhóm viêm amidan 1 bên cấp tính: Đối với nhóm bệnh này, bệnh nhân có thể thực hiện điều trị tại nhà, kết hợp với ăn uống nhẹ nhàng, nếu bị sốt có thể sử dụng thêm thuốc hạ sốt, sau 4-5 ngày thì bệnh có thể tự khỏi

– Nhóm viêm amidan 1 bên quá phát: Người bệnh bị viêm amidan 1 bên và đã tái phát nhiều lần trở thành mạn tính. Lúc này, người bệnh cần đến thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để nhận được phác đồ điều trị thích hợp. Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh không đáp ứng được với thuốc điều trị nội khoa, tình trạng viêm amidan làm ảnh hưởng đến sức khỏe thì bác sĩ sẽ xem xét chỉ định tiến hành phẫu thuật cắt bỏ amidan.

Để hạn chế tình trạng amidan bị sưng 1 bên, bệnh nhân cần có chế độ ăn uống khoa học và sinh hoạt phù hợp:

– Tránh sử dụng thức ăn, đồ uống quá lạnh

– Bổ sung đầy đủ vitamin cho cơ thể, nâng cao sức đề kháng bằng việc ăn nhiều trái cây, rau xanh và uống nhiều nước.

– Hạn chế sử dụng đồ cay nóng, các chất kích thích để không gây kích ứng vùng họng

– Vệ sinh tai mũi họng thường xuyên bằng cách súc họng bằng nước muối sinh lý ấm

– Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày để loại bỏ những thức ăn còn sót lại

– Đeo khẩu trang khi ra đường để hạn tối đa việc chế tiếp xúc với vi khuẩn và khói bụi ngoài môi trường

– Dành ít nhất 30 phút/ngày để luyện tập thể thao nhằm nâng cao sức khỏe.

nguyên nhân của sưng amidan 1 bên

Một chế độ ăn uống khoa học cũng giúp bạn hạn chế nguy cơ mắc bệnh

Có thể thấy, tình trạng amidan 1 bên to 1 bên nhỏ đến từ nhiều nguyên nhân, thậm chí là từ các căn bệnh nguy hiểm tại hầu họng. Vì vậy, bệnh nhân khi nhận thấy triệu chứng bất thường từ vùng amidan cần nhanh chóng đến cơ sở y tế có chuyên khoa Tai Mũi Họng uy tín để thăm khám và chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết nhằm nắm được chính xác tình trạng bệnh của mình.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital