Sốt cao co giật trẻ em là tình trạng sốt cao, tăng thân nhiệt đột ngột, kéo dài tối đa 15 phút. Khi đó, trẻ có biểu hiện cứng người, tay chân giật liên hồi và trợn mắt. Vậy khi trẻ bị sốt cao có nguy hiểm không, mẹ nên lưu ý những gì?
Menu xem nhanh:
1. Lý giải hiện tượng sốt cao co giật ở trẻ em
1.1. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sốt cao co giật trẻ em
Trước hết, chúng ta cần khẳng định: Sốt bản chất là một triệu chứng, không phải bệnh lý nguy hiểm. Khi bị virus, vi khuẩn và các tác nhân có hại tấn công, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng cao, gây ra hiện tượng sốt. Đây là một phản ứng vô cùng bình thường và được coi là biểu hiện có lợi của cơ thể.
Theo các chuyên gia Nhi khoa, trẻ dễ bị sốt cao co giật là do não bộ của trẻ chưa thực sự phát triển hoàn chỉnh. Vì thế, não bộ vô cùng nhạy cảm với sự thay đổi của nhiệt độ cơ thể. Khi nhiệt độ cơ thể tăng cao một cách đột ngột sẽ khiến não bộ của trẻ bị kích thích, gây ra hiện tượng co giật.
Bên cạnh đó, yếu tố di truyền cũng góp phần không nhỏ gây nên hiện tượng sốt co giật. Gia đình có tiền sử có người sốt co giật thì trẻ cũng sẽ có nhiều nguy cơ bị sốt cao co giật hơn.
1.2. Sốt cao co giật trẻ em có nguy hiểm không?
Các chuyên gia Nhi khoa đã chứng minh rằng sốt cao gây co giật hoàn toàn không quá nghiêm trọng như mọi người vẫn nghĩ. Thậm chí, hiện tượng này còn rất ít gây hại cho trẻ. Không những thế, những quan điểm xưa cũ còn cho rằng trẻ sẽ cắn lưỡi hoặc nuốt lưỡi khi co giật. Tuy nhiên, quan điểm này hoàn toàn không đúng. Bởi lẽ, khi bị co giật, theo phản xạ tự nhiên, lưỡi trẻ tụt nhẹ vào bên trong do lưỡi bị co cứng lại. Vì thế, không hề có hiện tượng cắn vào lưỡi hay nuốt lưỡi. Ngoài ra, cha mẹ không nên quá lo lắng khi thấy con sốt cao. Vì bệnh không hề gây ảnh hưởng đến sức khỏe não bộ như các bệnh viêm màng não, viêm não…
Tuy nhiên, nếu sau 5 phút, cơn co giật vẫn tiếp tục diễn ra, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, càng nhanh càng tốt để được cấp cứu kịp thời. Bởi cơn co giật kéo dài có thể khiến trẻ gặp phải một số biến chứng như:
– Tổn thương não bộ;
– Nguy cơ mắc bệnh động kinh;
– Hội chứng rối loạn tic;
– Hội chứng tăng động giảm chú ý;
– Tâm lý và hoạt động của trẻ bị ảnh hưởng;
2. Nhận biết các biểu hiện của trẻ sốt cao co giật
Sốt cao co giật ở trẻ là tình trạng rất phổ biến. Một số trẻ sẽ bị co giật khi thân nhiệt đạt tối thiểu 40 độ C trở lên. Nếu cha mẹ để trẻ sốt đến 41 độ C thì gần như 100% trẻ sẽ bị co giật.
Có 2 dạng sốt cao co giật ở trẻ là đơn giản và phức tạp.
2.1. Sốt cao co giật dạng đơn giản ở trẻ
Khi xảy ra co giật, trương lực cơ thân mình của trẻ có thể tăng cao, khiến chân, tay, miệng mất cảm hoặc co giật trong một khoảng thời gian nhất định. Một số trường hợp trẻ có thể khóc thét lên và sùi bọt mép. Thường thì thời gian co giật của trẻ chỉ kéo dài khoảng vài chục giây đến vài phút. Đặc biệt, trong mỗi đợt bệnh, trẻ cũng chỉ co giật một lần. Khi cơn co giật kết thúc, trẻ sẽ hoàn toàn bình thường. Đây chính là những biểu hiện của sốt cao co giật đơn giản, diễn tiến chậm, không cần đặc trị và có tiên lượng tốt.
2.2. Sốt cao co giật dạng phức tạp ở trẻ
Trẻ bị sốt cao co giật dạng phức tạp sẽ có những cơn co giật cục bộ, kéo dài hơn 15 phút. Thậm chí, trẻ sẽ bị co giật tối thiểu 2 lần trong vòng 24 giờ, thậm chí còn nhiều hơn. Khi thấy trẻ có những biểu hiện trên, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ tới Bệnh viện hoặc gặp bác sĩ chuyên khoa để làm rõ nguyên nhân và có phương án điều trị phù hợp.
Một số biểu hiện của sốt cao co giật mà bố mẹ cần lưu ý:
– Nhiệt độ cơ thể trẻ tăng cao, lên đến 40 độ C;
– Cả hai bên tay và chân bị giật hoặc rung lắc;
– Các cơ siết chặt;
– Rối loạn nhịp thở, toàn cơ thể co giật;
– Một số biểu hiện khác còn có: sùi bọt mép, nôn ói, lộn đồng tử khiến mắt trắng dã…
Các bác sĩ cho rằng trẻ sốt dưới 38,5 độ C không đáng lo vì trẻ có thể vẫn ăn uống, chỉ cần nghỉ ngơi. Tuy nhiên, khi trẻ sốt đến 38,5 độ C, cha mẹ cần nhanh chóng cho trẻ uống thuốc hạ sốt để tránh nguy cơ co giật.
3. Khi trẻ bị sốt cao co giật, cha mẹ cần lưu ý những gì?
Khi trẻ bị sốt cao co giật, cha mẹ cần lưu ý một số yếu tố sau:
– Không nên ngăn chặn hoặc chống lại cơn co giật của trẻ, cũng không nên cố gắng giữ chặt trẻ vì có thể khiến các cơ quan của trẻ bị tổn thương;
– Không đưa ngón tay hay bất cứ vật dụng cứng nào vào miệng trẻ vì có thể khiến niêm mạc miệng tổn thương hoặc khiến răng bị sứt mẻ;
– Nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi, rộng rãi để trẻ dễ thở;
– Dùng khăn bông mềm nhúng nước ấm rồi đắp lên trán hoặc lau người, lau nách và lau bẹn cho trẻ để giúp trẻ hạ sốt;
– Cho trẻ uống nhiều nước lọc, oresol, nước ép rau củ quả… để bù nước, cân bằng điện giải và tăng cường sức đề kháng;
– Mau chóng ghi lại thời gian và đặc điểm cơn co giật của trẻ để cung cấp cho bác sĩ khi cần;
4. Kết luận
Khi thấy trẻ lên cơn co giật, thay vì hoảng hốt, cha mẹ phải hết sức bình tĩnh. Thực tế, các cơn co giật đều không gây nguy hiểm cho tính mạng. Vấn đề duy nhất của hiện tượng co giật ở trẻ là não bị thiếu oxy. Do đó, cha mẹ cần phải làm thông đường thở để kịp thời bổ sung oxy lên não. Bằng cách đặt trẻ nằm nghiêng hoặc dùng máy hút sạch các dịch trong mũi, họng để ngăn không cho dịch chảy vào phổi, gây tắc thở.
Chính vì nhận định sai lầm rằng trẻ sẽ cắn lưỡi khi co giật, nhiều phụ huynh đã đưa tay hoặc các vật dụng vào miệng trẻ. Điều này là hoàn toàn không nên vì nó có thể khiến trẻ bị sặc, thậm chí là ngạt thở. Đặc biệt, không nên tập trung quá nhiều người xung quanh trẻ để trẻ có thể hít thở dễ dàng hơn.