Những điều cần biết về bệnh ung thư dạ dày giai đoạn II
Khi bệnh ung thư dạ dày tiến triển đến giai đoạn II, việc điều trị đúng cách và kịp thời rất quan trọng trong việc cải thiện tiên lượng sống. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan, dễ hiểu về ung thư dạ dày giai đoạn II, từ cách xác định bệnh, các triệu chứng phổ biến đến những phương pháp điều trị hiệu quả và cách chăm sóc sức khỏe sau điều trị.
1. Tổng quan về bệnh ung thư dạ dày giai đoạn II
1.1. Tiêu chí xác định các giai đoạn của bệnh ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là tình trạng các tế bào trong niêm mạc dạ dày tăng sinh bất thường, mất kiểm soát, có thể lan sang các khu vực lân cận hoặc di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Để xác định giai đoạn bệnh, các bác sĩ sử dụng hệ thống TNM (Tumor – Node – Metastasis) của Ủy ban Ung thư Hoa Kỳ (AJCC), chia ung thư dạ dày thành 5 giai đoạn (từ 0 đến 4), được xác định dựa trên ba yếu tố chính:
– Phạm vi khối u (T): Yếu tố này mô tả kích thước và mức độ xâm lấn của khối u nguyên phát trong dạ dày. Nó bao gồm mức độ khối u đã ăn sâu vào các lớp thành dạ dày và mức độ lan đến các cấu trúc hoặc cơ quan gần đó
– Mức độ xâm lấn đến các hạch bạch huyết gần đó (N): Yếu tố này chỉ ra số lượng hạch bạch huyết lân cận đã bị tế bào ung thư xâm lấn.
– Mức độ di căn đến các vị trí xa (M): Mức độ di căn đến các cơ quan xa như gan, phổi, xương,…
Ung thư dạ dày được chia thành 5 giai đoạn từ 0 đến IV
1.2. Ung thư dạ dày giai đoạn II là gì?
Ở giai đoạn II, khối u thường đã xâm nhập vào các lớp sâu hơn của dạ dày, có thể đã lan đến một số hạch bạch huyết nhưng chưa có dấu hiệu di căn xa. Giai đoạn này thường được chia thành hai mức độ nhỏ hơn: IIA và IIB, cụ thể:
– Giai đoạn IIA: Tế bào ung thư đã phát triển từ lớp niêm mạc bề mặt đến các lớp sâu hơn như mô đệm, cơ niêm mạc, hoặc thậm chí vượt qua niêm mạc đến lớp hạ niêm mạc. Đồng thời, ung thư đã lan đến 3 – 6 hạch bạch huyết lân cận. Hoặc khối u đã phát triển vào lớp cơ của dạ dày, và tế bào ung thư đã có mặt ở 1 – 2 hạch bạch huyết lân cận, chưa có tình trạng di căn xa.
– Giai đoạn IIB: Tế bào ung thư có thể lan tới nhiều hơn 7 hạch bạch huyết. Ung thư phát triển sâu vào mô liên kết bên ngoài thành dạ dày nhưng chưa lan đến các tạng khác. Tuy chưa có di căn xa, nhưng khối u ác tính có thể đã phát triển xuyên qua lớp thanh mạc dạ dày và cần được điều trị tích cực.
Ở giai đoạn này, thể trạng, loại mô ung thư, tuổi tác và mong muốn điều trị của bệnh nhân cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến phác đồ điều trị.
1.3. Các triệu chứng thường gặp ở bệnh ung thư dạ dày giai đoạn II
Khi bệnh ung thư dạ dày bước vào giai đoạn II, các triệu chứng thường rõ ràng hơn và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
– Đau vùng bụng trên, đặc biệt là sau khi ăn
– Cảm giác đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn hoặc nôn mửa (có thể lẫn máu)
– Cơ thể thường xuyên mệt mỏi, không rõ nguyên nhân cụ thể
– Sụt cân nhanh chóng
– Phân sẫm màu hoặc đen bất thường, có thể do xuất huyết tiêu hóa
– Bụng chướng, có thể tích tụ dịch trong ổ bụng (cổ trướng)
Ngoài ra, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể phát hiện khối u qua sờ nắn vùng bụng hoặc nhận thấy các hạch bạch huyết vùng bụng bị sưng to. Nếu ung thư đã lây lan đến gan hoặc phổi, người bệnh có thể bị vàng da, ho kéo dài hoặc khó thở.
Khi ung thư dạ dày tiến triển đến giai đoạn II, các triệu chứng thường trở nên rõ rệt hơn
2. Các phương pháp phổ biến khi điều trị ung thư dạ dày giai đoạn II
2.1. Tiến hành phẫu thuật (cắt một phần hoặc toàn bộ dạ dày)
Phẫu thuật là phương pháp điều trị chủ yếu và quan trọng nhất ở giai đoạn này. Mục tiêu của phẫu thuật là loại bỏ hoàn toàn khối u ác tính và các hạch bạch huyết lân cận đã bị ung thư xâm lấn. Tùy thuộc vào vị trí và kích thước của khối u, bác sĩ có thể quyết định:
– Cắt bỏ một phần dạ dày: Nếu khối u còn nhỏ và nằm ở một vị trí cho phép, bác sĩ sẽ loại bỏ phần dạ dày chứa khối u và một phần mô lành xung quanh.
– Cắt bỏ toàn bộ dạ dày: Trong trường hợp khối u lớn, lan rộng hoặc nằm ở vị trí khó cắt bỏ một phần, việc cắt bỏ toàn bộ dạ dày có thể là cần thiết.
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ nạo vét các hạch bạch huyết lân cận để ngăn ngừa sự lây lan của tế bào ung thư.
2.2. Xạ trị sử dụng tia năng lượng cao (tia X hoặc proton)
Đây là phương pháp tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật hoặc thu nhỏ khối u trước khi mổ. Trong ung thư dạ dày giai đoạn II, xạ trị thường được chỉ định kết hợp với hóa trị để tăng hiệu quả điều trị, giảm nguy cơ tái phát tại chỗ và tăng khả năng kiểm soát khối u.
2.3. Phương pháp hóa trị (trước hoặc sau phẫu thuật)
Hóa trị là phương pháp điều trị toàn thân sử dụng các loại thuốc hóa chất mạnh để tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của tế bào ung thư trên khắp cơ thể:
– Hóa trị tân hỗ trợ (trước phẫu thuật): Nhằm thu nhỏ kích thước khối u, giúp việc mổ dễ dàng và hiệu quả hơn.
– Hóa trị hỗ trợ (sau phẫu thuật): Nhằm tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại và giảm nguy cơ tái phát.
Hóa trị có thể đi kèm với một số tác dụng phụ như buồn nôn, rụng tóc, mệt mỏi,… nhưng thường sẽ giảm dần khi kết thúc đợt điều trị.
3. Lưu ý khi chăm sóc và theo dõi sau điều trị
Sau khi hoàn tất quá trình điều trị ung thư dạ dày giai đoạn II, việc chăm sóc và theo dõi đóng vai trò then chốt để giúp bệnh nhân hồi phục, duy trì sức khỏe và phát hiện sớm nguy cơ tái phát.
– Chế độ ăn uống sinh hoạt phù hợp sau mổ: Bệnh nhân cần ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu, chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì ăn 3 bữa lớn. Ưu tiên thực phẩm giàu dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng và giúp cơ thể nhanh hồi phục.
– Chăm sóc tâm lý người bệnh sau phẫu thuật: Sau phẫu thuật và điều trị, bệnh nhân có thể trải qua nhiều cung bậc cảm xúc như lo lắng, sợ hãi, buồn bã hoặc trầm cảm. Do đó, việc chăm sóc tâm lý là hết sức cần thiết. Gia đình và bạn bè nên thường xuyên trò chuyện, động viên, lắng nghe và thể hiện sự cảm thông.
– Tái khám định kỳ và theo dõi nguy cơ tái phát: để bác sĩ có thể theo dõi tình trạng sức khỏe, đánh giá hiệu quả điều trị, phát hiện sớm các dấu hiệu tái phát hoặc di căn. Lịch tái khám sẽ được bác sĩ chỉ định cụ thể tùy theo từng trường hợp.
Tái khám định kỳ là vô cùng quan trọng để bác sĩ có thể theo dõi tình trạng sức khỏe
Bệnh ung thư dạ dày giai đoạn II nếu được phát hiện và điều trị đúng cách, người bệnh vẫn có nhiều cơ hội hồi phục và kiểm soát bệnh lâu dài. Việc kết hợp giữa phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và chăm sóc toàn diện sẽ mang lại hiệu quả tối ưu trong điều trị. Quan trọng, người bệnh cần chủ động thăm khám khi xuất hiện triệu chứng bất thường, và tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị để đạt kết quả tốt nhất.