Cấp cứu:0901793122
English
Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Thucuc | Hệ thống y tế TCI Hospital
Chăm sóc sức khoẻ trọn đời cho bạn
Tổng đài1900558892
Các phương pháp điều trị hen phế quản đợt cấp

Các phương pháp điều trị hen phế quản đợt cấp

Chia sẻ:

Hen phế quản đợt cấp là tình trạng cấp cứu hô hấp phổ biến, diễn tiến nhanh, gây khó thở nặng, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được xử trí kịp thời. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về các yếu tố khởi phát, triệu chứng nhận biết và những phương pháp điều trị hen phế quản đợt cấp hiệu quả, giúp bạn chủ động hơn trong việc quản lý bệnh.

1. Tìm hiểu về hen phế quản đợt cấp

1.1. Hen phế quản đợt cấp là gì?

Hen phế quản đợt cấp, hay còn gọi là cơn hen kịch phát, là tình trạng các triệu chứng hen trở nên nghiêm trọng đột ngột. Thường do đường thở bị viêm nhiễm hoặc co thắt mạnh, người bệnh có thể cảm thấy ngột ngạt, thở dốc, không thể thực hiện các hoạt động thường ngày. Nếu các biện pháp xử trí ban đầu tại nhà (hít thuốc giãn phế quản) không mang lại hiệu quả, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời, tránh nguy cơ suy hô hấp.

1.2. Các yếu tố hình thành đợt cấp của hen phế quản

Cơn hen phế quản đợt cấp có thể được khởi phát bởi nhiều yếu tố khác nhau. Tiếp xúc với dị nguyên như phấn hoa từ cây cối, cỏ, hoặc cây bụi, mạt bụi, gián, hoặc lông thú cưng, là một trong những lý do phổ biến gây bệnh. Ngoài ra, các chất kích thích trong không khí như khói thuốc, hóa chất, hoặc mùi mạnh như nước hoa cũng có thể gây ra đợt cấp.

Bên cạnh đó, yếu tố căng thẳng tinh thần, vận động quá sức cũng có thể kích thích cơn hen bùng phát. Theo Hướng dẫn toàn cầu về quản lý và phòng ngừa hen (GINA) 2020, mặc dù hen phế quản không làm tăng nguy cơ nhiễm COVID-19 nặng, nhưng người mắc đồng thời hai bệnh này có thể gặp khó khăn hơn trong quá trình điều trị.

điều trị hen phế quản
Các đợt cấp có thể diễn ra nhanh chóng hoặc tiến triển dần dần trong vài giờ đến vài ngày

1.3. Triệu chứng của cơn hen phế quản đợt cấp

Cơn hen phế quản thường mang lại cảm giác khó thở, như thể bạn đang phải hít thở qua một ống hút nhỏ. Trong một cơn hen đợt cấp nghiêm trọng, bạn có thể nhận thấy các triệu chứng rõ rệt hơn như:

– Khó khăn khi nói chuyện, phải ngắt quãng từng câu để lấy hơi

– Nghẹt lồng ngực: Cảm giác tức, bó chặt lồng ngực, tăng khi khó thở và giảm khi thở lại bình thường.

– Khó thở: Triệu chứng đặc trưng, thường thành cơn, khó thở ra kèm tiếng rít, xuất hiện về đêm hoặc sáng, tái diễn theo tuần, tháng, mùa hoặc khi tiếp xúc dị nguyên, nhiễm trùng, vận động. Mức độ khó thở thay đổi, có thể tự hết hoặc cải thiện khi dùng thuốc giãn phế quản. Một số trường hợp khó thở dai dẳng hoặc không khó thở rõ rệt.

– Môi chuyển màu xanh tím (dấu hiệu thiếu oxy).

– Thuốc cắt cơn không phát huy tác dụng nữa.

– Cảm thấy vô cùng kiệt sức hoặc lo lắng do phải gắng sức để thở.

– Các cử động hóp sâu ở cổ họng hoặc lồng ngực khi cố gắng hít thở (dấu hiệu co kéo cơ hô hấp phụ).

2. Các cách điều trị hen phế quản đợt cấp kịp thời

Nguyên tắc điều trị đợt bùng phát hen phế quản là sử dụng thuốc giãn phế quản để giúp đường thở thông thoáng, kết hợp corticoid tại chỗ hoặc toàn thân để giảm viêm. Người bệnh cần được thở oxy khi có dấu hiệu thiếu oxy, và trong những trường hợp nặng có thể cần hỗ trợ thở máy hoặc điều trị biến chứng kèm theo để đảm bảo an toàn.

2.1. Sử dụng ống hít điều trị hen phế quản

Thuốc hít là phương pháp phổ biến và hiệu quả nhất để đưa thuốc điều trị hen đến phổi. Chúng có nhiều loại khác nhau, hoạt động theo các cơ chế riêng biệt. Một số loại chỉ chứa một loại thuốc, trong khi những loại khác có thể chứa hai hoặc ba loại.

– Ống hít định liều (MDI): Giải phóng một lượng thuốc cố định khi nhấn nút, người bệnh cần phối hợp động tác hít sâu.

– Ống hít bột khô: Giải phóng thuốc chỉ khi bạn hít vào một hơi thật sâu.

Thuốc thường sử dụng trong ống hít gồm các loại corticoid dạng hít như budesonide, beclomethasone, fluticasone… giúp giảm viêm đường thở, hạn chế tái phát đợt cấp.

2.2. Thuốc giãn phế quản

Thuốc giãn phế quản đóng vai trò trung tâm trong điều trị hen suyễn cấp tính. Chúng giúp thư giãn các cơ thắt chặt xung quanh đường thở, làm cho đường thở mở rộng ra và người bệnh dễ thở hơn. Thuốc giãn phế quản có thể được sử dụng dưới dạng máy phun sương (khí dung) hoặc ống hít.

– Thuốc chủ vận beta-2 tác dụng nhanh (albuterol, salbutamol) giúp giảm triệu chứng nhanh chóng.

– Thuốc giãn phế quản beta-2 tác dụng dài (formoterol, salmeterol).

– Thuốc giãn phế quản kháng cholinergic tác dụng nhanh (ipratropium).

– Thuốc giãn phế quản kháng cholinergic tác dụng dài (tiotropium).

2.3. Epinephrine tiêm dưới da

Trong các trường hợp cơn hen cấp nặng không đáp ứng với thuốc hít, bác sĩ có thể chỉ định tiêm dưới da epinephrine hoặc terbutaline để làm giãn đường thở nhanh chóng. Terbutaline có tác dụng kéo dài hơn epinephrine và ít ảnh hưởng đến tim mạch, tuy nhiên chi phí thường cao hơn.

2.4. Cung cấp oxy

Cung cấp oxy là chỉ định cần thiết khi bệnh nhân bị hạ oxy máu. Oxy cần được cung cấp qua dây oxy mũi hoặc mặt nạ với lưu lượng đủ để duy trì độ bão hòa oxy máu động mạch (SpO2) trên 90%. Việc duy trì nồng độ oxy trong máu ổn định là yếu tố quan trọng để bảo vệ các cơ quan khỏi tình trạng thiếu oxy.

cung cấp oxy cho người bị hen phế quản
Oxy được cung cấp khi người bệnh có tình trạng thiếu oxy máu, giúp duy trì độ bão hòa oxy trên 90%.

2.5. Kháng sinh

Kháng sinh chỉ được chỉ định khi tiền sử bệnh, thăm khám lâm sàng hoặc chụp X-quang ngực cho thấy có tình trạng nhiễm khuẩn. Trong hầu hết các đợt cấp của hen phế quản, các nhiễm trùng tiềm ẩn thường có nguồn gốc từ virus, do đó việc sử dụng kháng sinh là không cần thiết nếu không có dấu hiệu rõ ràng về nhiễm khuẩn do vi khuẩn. Lạm dụng kháng sinh không những không hiệu quả mà còn có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc.

3. Phòng ngừa các đợt hen phế quản cấp

3.1. Xây dựng kế hoạch kiểm soát hen phế quản

Phòng ngừa là yếu tố then chốt để kiểm soát hen phế quản và giảm thiểu nguy cơ xảy ra các đợt cấp.

– Danh sách các loại thuốc đang sử dụng và liều lượng cụ thể.

– Cách nhận biết sớm các dấu hiệu cơn hen cấp.

– Hướng dẫn xử trí khi cơn hen xuất hiện.

– Số điện thoại liên hệ khẩn cấp với bác sĩ.

Kế hoạch này giúp người bệnh chủ động ứng phó kịp thời khi triệu chứng hen tăng nặng, giảm thiểu nguy cơ nhập viện.

3.2. Lưu ý trong chế độ sinh hoạt trong quá trình điều trị hen phế quản

Mặc dù hen phế quản không thể được ngăn chặn hoàn toàn, nhưng có nhiều cách để giảm thiểu nguy cơ lên cơn hen và sống khỏe mạnh với bệnh:

– Ngưng hút thuốc lá và tránh xa môi trường khói thuốc.

Tiêm phòng cúm hàng năm để hạn chế nhiễm virus đường hô hấp.

– Điều trị viêm mũi dị ứng nếu có.

– Giữ cân nặng hợp lý, duy trì lối sống lành mạnh, tập thở nhẹ nhàng.

– Tránh tiếp xúc các yếu tố kích thích như phấn hoa, bụi bặm, lông thú cưng.

– Quản lý căng thẳng tâm lý, stress vì chúng cũng có thể kích hoạt cơn hen.

chú ý tới lối sống lành mạnh khi hen suyễn
Thay đổi lối sống lành mạnh và tránh các yếu tố kích thích sẽ giúp giảm hen phế quản đợt cấp

Việc hiểu rõ các phương pháp điều trị hen phế quản đợt cấp giúp người bệnh chủ động hơn trong quản lý bệnh, hạn chế biến chứng nguy hiểm, giảm tỷ lệ nhập viện. Quan trọng nhất, người bệnh cần tuân thủ đúng kế hoạch điều trị của bác sĩ, sử dụng thuốc đều đặn, tránh các yếu tố khởi phát và duy trì lối sống lành mạnh.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Liên hệ ngay: 0936388288 để được tư vấn chi tiết!

Slider – Banner Nhi
Bài viết liên quan
Giúp bạn hiểu về cơ chế bệnh sinh của hen phế quản

Giúp bạn hiểu về cơ chế bệnh sinh của hen phế quản

Hiện nay, hen phế quản đang được xem là một trong những gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Bệnh để lại nhiều hậu quả lớn về sức khỏe với tỷ lệ mắc cao, thậm chí gây tử vong trong các trường hợp nặng. Do đó, việc trang bị kiến thức về cơ chế bệnh sinh […]
1900558892
zaloChat