Với các bệnh nhân tim mạch, siêu âm tim là phương pháp chẩn đoán phổ biến, quan trọng và hiệu quả. Nhờ phương pháp này, nhiều bệnh lý về tim được phát hiện chính xác, kịp thời. Từ đó bác sĩ chuyên khoa có thể đưa ra hướng điều trị phù hợp, hiệu quả nhất. Siêu âm về tim cần được thực hiện tại các chuyên khoa Tim mạch ở cơ sở y tế đáng tin cậy.
Menu xem nhanh:
1. Siêu âm tim là gì?
Đây là một chẩn đoán hình ảnh sử dụng sóng siêu âm tần số cao để thu được những hình ảnh động về tim và những cấu trúc liên quan đến tim.
Phương pháp này được chia thành một số loại phương thức thực hiện khác nhau. Mỗi loại siêu âm về tim có mục đích, cách tiến hành và điều kiện riêng. Người bệnh có thể cần thực hiện một trong nhiều loại siêu âm tùy theo việc bác sĩ cần biết thông tin nào. Hiện có các loại siêu âm về tim dưới đây:
- Siêu âm tim thai
- Siêu âm Doppler
- Siêu âm qua thành ngực
- Siêu âm qua thực quản
- Siêu âm gắng sức
- Siêu âm 3 chiều
2. Ưu điểm của phương pháp siêu âm tim
Là một chẩn đoán hình ảnh hiệu quả đối với các bệnh tim mạch, siêu âm về tim là một trong những phương pháp quan trọng nhằm kiểm tra các bất thường, chẩn đoán các bệnh lý ở tim. Kỹ thuật này không sử dụng bức xạ, không xâm lấn, an toàn cao vì rất ít khi xảy ra tác dụng phụ. Người bệnh được kiểm tra sàng lọc nhiều vấn đề có thể xảy ra với tim, tránh bỏ sót bệnh lý nghiêm trọng.
Nhờ kỹ thuật này, người bệnh được phát hiện kịp thời các bất ổn ở tim. Từ đó có phương pháp điều trị thích hợp, kịp thời và hiệu quả.
3. Kỹ thuật siêu âm tim thường được chỉ định khi nào?
Siêu âm về tim cần thiết khi người bệnh đi khám và phát hiện ra những bất thường về tim mạch qua các xét nghiệm khác. Hoặc có bất thường qua nghe tim bằng ống nghe, hay.có các dấu hiệu mắc bệnh tim,
Ngoài ra, người bệnh nên đi khám chuyên khoa tim mạch để được siêu âm kịp thời nếu gặp phải các vấn đề nghi ngờ có liên quan tới tim kèm theo các triệu chứng dưới đây:
- Nghi ngờ mắc bệnh về tim do có người nhà có tiền sử mắc bệnh về tim.
- Khó thở, nhịp tim đập loạn nhịp, lúc nhanh lúc chậm.
- Khi làm việc nặng thấy tim đập nhanh và nghẹn lại khó thở.
- Hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, đau thắt vùng ngực.
- Đang ngồi tự dưng đau ngực, hụt hơi, đau tim và nôn ói
Bên cạnh đó, nếu gặp phải tình trạng đau hàm, đau cổ, đau lưng hay đau ở vùng vai trái, đau cánh tay cũng nên đi khám và thực hiện siêu âm về tim. Bởi các cơn đau ở các vị trí nói trên cũng có thể là dấu hiệu nghi vấn bị thiếu máu cơ tim.
4. Siêu âm về tim giúp tìm ra nhiều bệnh lý và vấn đề bất ổn tại tim
- Bệnh lý van tim: Các bệnh hở van tim, hẹp van tim xảy ra khi cấu trúc của các lá van bị biến dạng, van tim không đóng kín, máu chạy ngược trở lại buồng tim.
- Kích thước tim bị thay đổi : Khi các buồng tim và cơ tim tăng kích thước một cách bất thường do tăng huyết áp hoặc các bệnh khác.
- Tổn thương cơ tim: Siêu âm về tim giúp bác sĩ phát hiện và chẩn đoán các bất thường trong quá trình tống máu. Giúp chẩn đoán và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm khi hoại tử cơ tim kéo dài như tình trạng nhồi máu cơ tim cấp.
- Dị tật tim: Siêu âm về tim giúp tìm ra các dấu hiệu bất thường tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
- Tràn dịch màng tim: Là biểu hiện thường gặp của bệnh màng ngoài tim nguyên phát hoặc thứ phát do quá trình bệnh lý của cơ thể. Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào tình trạng bệnh. Nếu không chữa trị, tràn dịch màng tim có thể gây ra suy tim.
- Theo dõi phương pháp điều trị các bệnh lý về tim: Theo dõi mức độ đáp ứng của tim đối với các phương pháp điều trị tim khác nhau như thuốc điều trị bệnh suy tim, van nhân tạo và máy tạo nhịp.
5. Mục đích và yêu cầu của một số loại siêu âm tim quan trọng
Mỗi loại siêu âm về tim lại có chức năng, công dụng riêng cũng như yêu cầu khác nhau. Trong đó:
5.1. Siêu âm tim qua thực quản:
Người bệnh phải nuốt một đầu dò có gắn sợi dây cáp quang mỏng kết nối với máy siêu âm. Khi cần thực hiện siêu âm qua thực quản, người bệnh có được thể yêu cầu nhịn ăn trong vài giờ trước khi siêu âm.
5.2. Siêu âm tim gắng sức:
Có các hình thức hỗ trợ thực hiện như: Dùng thể lực (sử dụng thảm chạy, xe đạp); Sử dụng thuốc; Tạo nhịp nhĩ. Thông thường được thực hiện khi bác sĩ tiến hành làm điện tim, hoặc cho bệnh nhân uống loại thuốc có thể làm tim đập nhanh và mạnh hơn. Người được chỉ định siêu âm có thể cần nhịn ăn trong vòng 2 giờ trước khi siêu âm.
5.3. Siêu âm Doppler:
Phương pháp này được chỉ định để đo vận tốc dòng máu ở các vị trí khác nhau trong buồng tim.
6. Có thể gặp phản ứng gì khi siêu âm về tim?
- Phương pháp siêu âm về tim thông thường qua thành ngực: không có biến chứng, không gây đau. Người bệnh không cần nhịn ăn trước khi siêu âm. Sau khi siêu âm qua thành ngực thông thường, người bệnh có thể thực hiện các hoạt động bình thường hàng ngày. Nếu kết quả siêu âm hoàn toàn bình thường, người bệnh không cần thử nghiệm thêm liệu pháp nào. Ngược lại nếu kết quả bất ổn mới cần kiểm tra thêm theo chỉ định của bác sĩ.
- Phương pháp siêu âm qua thực quản: Trong quá trình thực hiện siêu âm, có thể gặp đôi chút bất thường về hô hấp do tác động của thuốc an thần hoặc do lượng oxy hít thở từ máy. Cổ họng đau trong vài giờ, hiếm gặp trường hợp ống siêu âm làm xước bên trong cổ họng
- Phương pháp siêu âm gắng sức: Vấn đề về huyết áp hoặc giảm việc cung cấp oxy cho tim có thể xuất hiện trong một số trường hợp.
- Riêng trong trường hợp người bệnh được gắn các điện cực trên ngực để theo dõi điện tim, thường sẽ có đôi chút cảm giác khó chịu khi bác sĩ tháo bỏ băng dính gắn các điện cực.