Sâu răng hàm số 8 có thể hình thành do rất nhiều nguyên nhân như chăm sóc răng miệng không đúng cách. Khi bị sâu răng, người bệnh thường cảm thấy đau nhức khó chịu, mệt mỏi về tinh thần và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Nếu không được điều trị đúng cách, răng số 8 bị sâu có thể gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe răng miệng.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân răng hàm số 8 bị sâu
Răng số 8 hay còn được gọi là răng khôn – chiếc răng cuối cùng mọc lên trong hàm khi chúng ta bước vào tuổi trưởng thành từ 17 đến 25 tuổi. Phần lớn mọi người đều có đủ 4 chiếc răng khôn, 2 răng khôn hàm trên, 2 răng khôn hàm dưới.
Bởi vì răng khôn mọc khi các răng khác đã phát triển đầy đủ nên không còn nhiều khoảng trống trong cung hàm. Từ đó, dẫn đến tình trạng răng mọc lệch, mọc ngầm gây đau nhức khó chịu.
Răng nằm ở vị trí khá sâu trong khoang miệng nên việc làm sạch gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ cao mắc các bệnh lý răng miệng như sâu răng. Bên cạnh đó, sự ảnh hưởng của các bệnh lý răng miệng khác như viêm nha chu, viêm chân răng số 6, số 7 cũng có thể khiến răng khôn bị vi khuẩn tấn công gây bệnh.
Răng số 8 bị sâu không chỉ làm giảm khả năng ăn nhai do những cơn đau nhức khó chịu mà còn gây ra tình trạng sưng viêm lợi, hơi thở có mùi… Điều này gây ra rất nhiều phiền toái trong sinh hoạt và đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe răng miệng của mỗi người.
2. Hậu quả khi bị sâu răng hàm số 8
Khi bị sâu răng nói chung và sâu răng khôn nói riêng, việc điều trị sớm và đúng cách là điều vô cùng cần thiết và luôn được các bác sĩ nha khoa khuyến cáo. Nguyên nhân là vì nếu không điều trị kịp thời khiến bệnh tiến triển nặng và dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như:
– Viêm nhiễm khoang miệng: Do vị trí mọc ở sâu trong cùng của hàm khiến việc vệ sinh khó khăn, mảng bám dễ hình thành và vi khuẩn phát triển mạnh tấn công nướu răng. Bệnh có xu hướng tiến triển nghiêm trọng, có thể hình thành các ổ mủ áp xe nguy hiểm.
– Tổn thương răng khác trên cung hàm: Do vi khuẩn phát triển quá mức và lan sang các vùng xung quanh, làm tổn thương răng số 7, số 6. Các răng khác dễ tổn thương hơn khi răng khôn mọc ngầm, mọc lệch gây chen chúc, chấn thương giữa các răng.
– Nguy cơ hình thành các khối u, nang bệnh lý, khiến xương hàm bị yếu và tác động lên các dây thần kinh, làm rối loạn cảm giác ở niêm mạc, môi, lưỡi…
– Nguy cơ nhiễm trùng xương hàm khi sâu răng đã ăn sâu vào trong tuỷ răng, gây viêm quanh cuống.
– Răng sâu quá nghiêm trọng khiến chân răng bị tổn thương gây lung lay, suy yếu răng và có thể dẫn tới mất răng.
– Nguy hiểm hơn, viêm nhiễm do sâu răng có thể tấn công các mạch máu, gây nhiễm trùng huyết.
3. Phương pháp điều trị răng hàm số 8 bị sâu
Sâu răng là bệnh lý tiến triển từ ngoài vào trong, từ răng cho tới ngà răng và cuối cùng là tổn thương tuỷ răng. Răng không thể tự phục hồi khi bị tổn thương như các bộ phận khác của cơ thể. Điều trị càng muộn thì khả năng phục hồi càng thấp và nguy cơ gặp phải biến chứng càng lớn. Do vậy, người bệnh cần chủ động thăm khám sức khỏe răng miệng thường xuyên hoặc ngay khi có các biểu hiện bất thường để được bác sĩ điều trị kịp thời. Nguyên tắc điều trị sâu răng là điều trị theo mức độ đối với răng khôn không mọc ngầm, mọc lệch:
– Dùng gel Fluor hỗ trợ tăng cường men răng, chống lại axit từ mảng bám để ngăn ngừa sâu răng.
– Trám răng: Các lỗ sâu ở mức độ nhỏ hoặc vừa, chưa xâm nhập vào tuỷ có thể loại bỏ mô viêm và trám phục hình để bảo tồn chức năng răng.
– Nạo tủy răng: Nếu sâu răng đã xâm nhập vào tuỷ và tiến hành hàn kín ống tuỷ để bảo vệ răng.
Đối với trường hợp răng khôn mọc ngầm, mọc lệch kết hợp sâu răng, việc nhổ bỏ là hoàn toàn cần thiết giúp người bệnh nhanh chóng trở lại sinh hoạt bình thường và cũng ngăn chặn các biến chứng có thể xảy ra.
Việc điều trị răng sâu cho dù là ở mức độ nào thì cũng cần có sự chỉ định của bác sĩ chuyên môn cao để đảm bảo an toàn cũng như hiệu quả điều trị. Đồng thời, việc áp dụng công nghệ cao, khoa học tiên tiến có thể góp phần giảm thiểu tình trạng đau nhức, khó chịu, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.
Đồng thời, mỗi người cũng cần xây dựng cho bản thân một chế độ chăm sóc răng miệng khoa học, đều đặn mỗi ngày để ngăn ngừa sâu răng hàm số 8. Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường ở răng như đau nhức, xuất hiện các chấm đen, sưng lợi, chảy máu chân răng… bạn cần tới ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.