Sàng lọc Triple Test là một xét nghiệm dị tật bẩm sinh quan trọng tất cả các mẹ bầu đều nên làm. Mục đích là để bảo đảm có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh. Tuy nhiên, không phải thai phụ nào cũng hiểu rõ về phương pháp sàng lọc trước sinh Triple Test. Trong bài viết bên dưới, chúng tôi sẽ chia sẻ những thông tin hữu ích giúp mẹ bầu có cái nhìn tổng quan nhất về xét nghiệm này.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu đôi nét về phương pháp sàng lọc Triple Test
Triple Test là xét nghiệm sàng lọc trước sinh được thực hiện để đánh giá em bé trong bụng mẹ có nguy cơ thấp hay cao với những dị tật bẩm sinh thường gặp. Xét nghiệm Triple Test nên được thực hiện khi thai nhi được 15 – 18 tuần tuổi để có kết quả chính xác nhất.
Triple Test là xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn và được thực hiện với mẫu máu lấy từ tĩnh mạch của người mẹ nên vô cùng an toàn với thai phụ, thai nhi. Theo đó, xét nghiệm Triple Test sẽ lấy định lượng của 3 chỉ số AFP, hCG và Estriol để đánh giá sức khỏe và tình trạng mà thai nhi đang gặp phải. Cụ thể 3 chỉ số này là:
– AFP là tên một loại protein được sinh ra từ bào thai.
– hCG là tên một loại hormone được sinh ra từ nhau thai.
– Estriol là tên một loại estrogen được sinh ra từ bào thai và nhau thai.
Bào thai và nhau thai sản xuất ra ba chất sinh hóa AFP, hCG và Estriol một cách tự nhiên, tồn tại trong máu của mẹ bầu. Nếu có dấu hiệu bất thường nào thì định lượng của 3 chỉ số này sẽ thay đổi.
2. Tại sao mẹ bầu cần phải làm sàng lọc Triple Test?
Sàng lọc Triple Test giúp mẹ bầu tầm soát dị tật thai nhi và phát hiện sớm những bất thường bẩm sinh nếu có. Đồng thời, xét nghiệm sàng lọc trước sinh Triple Test còn giúp bác sĩ xác định được em bé trong bụng mẹ có nguy cơ mắc Hội chứng Trisomy 18, Hội chứng Down, dị tật ống thần kinh hay không.
– Nếu định lượng AFP trong máu của người mẹ cao, thai nhi có nguy cơ bị khuyết tật ống thần kinh hoặc khiếm khuyết một phần não.
– Nếu định lượng AFP trong máu của người mẹ thấp, Estriol và hCG có sự bất thường, thai nhi có nguy cơ mắc Hội chứng Edward, Down, Patau hoặc những dị tật di truyền khác.
Một số lưu ý sau khi mẹ bầu thực hiện Triple test:
– Sau khi thực hiện xét nghiệm Triple Test nếu kết quả thai nhi có nguy cơ cao bị dị tật bẩm sinh, mẹ bầu thường được bác sĩ tư vấn làm NIPT hoặc chọc ối để xác nhận lại kết quả.
– Đôi khi, kết quả xét nghiệm sàng lọc trước sinh Triple Test chỉ mang tính tương đối nên mẹ bầu không nên quá lo lắng mà ảnh hưởng đến thai nhi. Hãy trao đổi thật kỹ với bác sĩ để thực hiện thêm những thủ thuật khác nhằm xác nhận lại kết quả.
3. Những đối tượng bắt buộc phải làm sàng lọc trước sinh Triple Test
Theo các chuyên gia y tế, những mẹ bầu bắt buộc phải làm xét nghiệm Triple Test là:
– Phụ nữ mang thai từ 35 tuổi trở lên.
– Mẹ bầu từng bị thai lưu hoặc sinh con bị dị tật bẩm sinh.
– Trong gia đình có người bị dị tật bẩm sinh.
– Mẹ bầu sinh sống và làm việc trong môi trường có hóa chất độc hại.
– Mẹ bầu nhiễm virus trong giai đoạn đầu và giữa của thai kỳ.
– Mẹ bầu sử dụng thuốc hoặc các chất có thể ảnh hưởng đến thai nhi ngay trước khi mang bầu hoặc trong thai kỳ.
4. Thực hiện xét nghiệm Triple Test có cần phải nhịn ăn hay không?
Với những xét nghiệm máu khác, bác sĩ thường yêu cầu mẹ bầu không được ăn trước khi thực hiện. Bởi vì khi cơ thể mẹ bầu hấp thụ thức ăn sẽ làm ảnh hưởng tới các chỉ số. Do đó, nhiều thai phụ băn khoăn không biết có cần phải nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm Triple Test hay không.
Theo các chuyên gia y tế, mẹ bầu không cần phải nhịn ăn uống trước khi làm xét nghiệm Triple Test. Bởi vì chất hóa sinh cần định lượng trong Triple Test được lấy từ mẫu máu của người mẹ là 3 chỉ số tự nhiên có sẵn trong máu. Chúng không phụ thuộc vào thức ăn, nước uống được dung nạp vào trong cơ thể của mẹ bầu.
Hy vọng bài viết của chúng tôi trên đây đã giúp thai phụ hiểu rõ hơn về phương pháp sàng lọc Triple Test. Hãy thực hiện xét nghiệm này theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh và an toàn các mẹ nhé!