Với các triệu chứng như nghẹt mũi, khó thở, chảy nước mũi liên tục, thay đổi về khứu giác… polyp mũi thường bị nhầm lẫn với viêm mũi và viêm xoang, gây ảnh hưởng nhiều tới điều trị. Vậy polyp mũi là gì?
Menu xem nhanh:
Polyp mũi là gì?
Polyp mũi là một khối u lành tính thường gặp trong hốc mũi, hình thành từ lớp niêm mạc của mũi hoặc các xoang. Polyp mũi có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, nhưng phổ biến hơn ở người lớn. Điều trị bằng thuốc có thể giúp thu nhỏ hoặc loại bỏ polyp mũi nhưng một số trường hợp cần phải phẫu thuật để loại bỏ. Ngay cả khi điều trị thành công thì polyp mũi vẫn có nguy cơ quay trở lại.
Triệu chứng của polyp mũi
Polyp mũi thường mềm, vì vậy nếu có kích thước nhỏ, trong nhiều trường hợp, người bệnh không biết mình có polyp mũi. Polyp nhỏ và đơn độc không gây ra vấn đề gì nghiêm trọng, ít khi có biến chứng. Tuy nhiên polyp lớn và nhiều polyp (đa polyp) có thể gây ra nhiều biên chứng như viêm xoang cấp hoặc mạn tính, khó thở tắc nghẽn lúc ngủ, biến đổi cấu trúc của mặt gây song thị (nhìn đôi) hoặc 2 mắt xa nhau bất thường.
Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm xoang mạn tính có polyp mũi thường gặp là:
- Chảy nước mũi
- Nghẹt mũi dai dẳng
- Ngửi kém hoặc không ngửi được
- Đau mặt hoặc đau đầu
- Đau ở răng hàm trên
- Cảm thấy có áp lực chèn ép lên trán và mặt
- Ngáy
- Ngứa xung quanh mắt
Nếu các triệu chứng nêu trên kéo dài hơn 10 ngày, người bệnh cần tới ngay bệnh viện để kiểm tra và điều trị.
Tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp hoặc gọi cấp cứu nếu các triệu chứng sau xảy ra:
- Khó thở nghiêm trọng
- Các triệu chứng đột ngột xấu đi
- Nhìn đôi, giảm thị lực hoặc hạn chế khả năng di chuyển đôi mắt
- Vùng xung quang mắt bị sưng nghiêm trọng
- Nhức đầu dữ dội kèm theo sốt cao hoặc không có khả năng chúi đầu về phía trước.
Sự hình thành polyp mũi
Polyp mũi phát triển từ lớp niêm mạc của mũi hoặc của các xoang, thường là do hậu quả của viêm mũi dị ứng, viêm xoang mạn tính không được điều trị triệt để hoặc do phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại các vi nấm. Tình trạng viêm mạn tính khiến các mạch máu ở xoang tăng tính thấm, dẫn tới sự tích tụ của nước trong các tế bào. Lâu dần trọng lực sẽ kéo các mô ứ nước này xuống dưới, tạo thành polyp.
Polyp mũi được điều trị như thế nào?
Mục tiêu điều trị polyp mũi là làm giảm kích thước hoặc loại bỏ hoàn toàn chúng. Thuốc thường thường là lựa chọn điều trị đầu tiên. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể sẽ phải phẫu thuật, tuy nhiên đây không phải là giải pháp lâu dài vì polyp có xu hướng tái phát.
– Thuốc
Các loại thuốc thường được dùng trong điều trị polyp bao gồm:
- Thuốc xịt corticosteroid: bác sĩ có thể kê đơn thuốc xịt mũi corticosteroid để giảm viêm. Loại thuốc này có thể thu nhỏ các bướu thịt hoặc loại bỏ chúng hoàn toàn.
- Corticosteroid dạng uống và dạng tiêm: nếu sử dụng thuốc xịt mũi corticosteroid không hiệu quả, người bệnh có thể sẽ phải chuyển sang dùng thuốc corticosteroid dạng uống, chẳng hạn như prednisone, hoặc một mình hoặc kết hợp với thuốc xịt mũi. Bởi vì corticosteroid đường uống có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, nên lưu ý chỉ sử dụng trong thời gian ngắn. Corticosteroid dạng tiêm có thể được sử dụng nếu tình trạng polyp mũi nghiêm trọng.
- Các thuốc khác: người bệnh có thể sử dụng thuốc điều trị tình trạng viêm mạn tính trong xoang hoặc đường mũi. Các thuốc này bao gồm thuốc kháng histamin để điều trị dị ứng và kháng sinh để điều trị nhiễm trùng mạn tính hoặc tái phát.
– Phẫu thuật
Nếu đã điều trị bằng thuốc nhưng vẫn không thể thu nhỏ hay loại bỏ polyp mũi, người bệnh có thể cần phải phẫu thuật nội soi để cắt bỏ polyp mũi và xử lý các vấn đề ở xoang mà khiến nó dễ bị viêm nhiễm và phát triển polyp.
Sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể sẽ phải sử dụng thuốc xịt corticosteroid để giúp ngăn chặn sự tái phát của polyp mũi. Bác sĩ cũng có thể khuyên người bệnh nên sử dụng nước muối để rửa mũi, giúp thúc đẩy phục hồi sau phẫu thuật.